Bộ Y tế đẩy mạnh tiến độ triển khai bệnh án điện tử và thanh toán viện phí không dùng tiền mặt

VietTimes -- Tiên phong trong việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật về chuyển đổi số theo chỉ đạo của Chính phủ, sáng nay, 23/7, tại Đà Nẵng, Bộ Y tế đã tổ chức hội nghị “Đẩy mạnh triển khai bệnh án điện tử hướng tới bệnh viện không sử dụng bệnh án giấy và không sử dụng tiền mặt thanh toán viện phí”. 

Hội nghị “Đẩy mạnh triển khai bệnh án điện tử hướng tới bệnh viện không sử dụng bệnh án giấy và không sử dụng tiền mặt thanh toán viện phí” do Bộ Y tế tổ chức diễn ra sáng 23/7 tại Đà Nẵng.
Hội nghị “Đẩy mạnh triển khai bệnh án điện tử hướng tới bệnh viện không sử dụng bệnh án giấy và không sử dụng tiền mặt thanh toán viện phí” do Bộ Y tế tổ chức diễn ra sáng 23/7 tại Đà Nẵng.

Tại hội nghị, các đại biểu đã trao đổi cách thức triển khai bệnh án điện tử tại các cơ sở y tế, mã số định danh bệnh nhân, ứng dụng sử dụng thanh toán điện tử trong khámn chữa bệnh. 

PGS.TS Trần Quý Tường - Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ Y tế) cho biết, hiện 100% bệnh viện đã ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong khám, chữa bệnh và triển khai phần mềm quản lý thông tin bệnh viện (HIS); 92,3% bệnh viện triển khai ứng dụng phần mềm quản lý thông tin xét nghiệm (LIS); 86,2%  bệnh viện triển khai phần mềm quản lý điều hành (văn bản điện tử, thư điện tử);… Tuy nhiên, công tác ứng dụng các phần mềm mới chủ yếu được triển khai ở các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế, còn ở các cơ sở y tế khác có mức độ ứng dụng thấp. 

PGS.TS Trần Quý Tường - Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ Y tế) phát biểu tại sự kiện
PGS.TS Trần Quý Tường - Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ Y tế) phát biểu tại sự kiện

Để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho người dân, Bộ Y tế đã chỉ đạo đẩy mạnh kết nối liên thông giữa cơ sở y tế. Hiện hơn 99,5% cơ sở y tế trên toàn quốc đã kết nối liên thông với hệ thống giám định của Bảo hiểm xã hội Việt Nam.

“Việc triển khai bệnh án điện tử mang lại lợi ích rất to lớn cho người dân trong công tác khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế. Việc hướng đến xây dựng hệ thống mã số định danh cho bệnh nhân sẽ giúp người dân khám, chữa bệnh tại tất cả các cơ sở y tế, mà không cần phải đem theo các hồ sơ giấy tờ liên quan"- PGS.TS Trần Quý Tường chia sẻ.

Sự kiện có sự tham dự của hơn 600 đại biểu là lãnh đạo Sở Y tế, bệnh viện, hiệp hội, cán bộ CNTT chuyên trách của 63 tỉnh thành trên cả nước
Sự kiện có sự tham dự của hơn 600 đại biểu là lãnh đạo Sở Y tế, bệnh viện, hiệp hội, cán bộ CNTT chuyên trách của 63 tỉnh thành trên cả nước

Cũng theo PGS.TS Trần Quý Tường, việc triển khai hồ sơ bệnh án điện tử trong các cơ sở y tế còn gặp nhiều khó khăn: Nhiều cơ sở chưa chủ động triển khai hồ sơ bệnh án điện tử; thay đổi thói quen ghi chép trên giấy sang sử dụng máy tính đòi hỏi có thời gian tiếp cận; hạ tầng CNTT tại các cơ sở khám, chữa bệnh thiếu đồng bộ; thiếu tiêu chuẩn kết nối, liên thông dữ liệu giữa các hệ thống thông tin y tế tại các cơ sở y tế. Cơ chế tài chính cho ứng dụng CNTT y tế nói chung và triển khai hồ sơ bệnh án điện tử nói riêng chưa rõ ràng;…

Bên cạnh đó là các vấn đề về bảo mật thông tin bệnh nhân, an ninh mạng, vấn đề đồng bộ hóa đối với hệ thống… cũng cần được giải quyết. 

Theo Bộ Y tế, từ nay đến 2023, các cơ sở khám, chữa bệnh hạng I trở lên phải chủ động nâng cấp hệ thống CNTT để triển khai hồ sơ bệnh án điện tử. Các cơ sở y tế còn lại căn cứ vào nhu cầu, năng lực thực tế để chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho việc triển khai khi đáp ứng các yêu cầu.

Các doanh nghiệp giới thiệu các giải pháp ứng dụng công nghê thông minh trong chăm sóc sức khỏe
Các doanh nghiệp giới thiệu các giải pháp ứng dụng công nghê thông minh trong chăm sóc sức khỏe

Trong giai đoạn 2024-2028, tất cả các cơ sở khám, chữa bệnh trên toàn quốc phải triển khai hồ sơ bệnh án điện tử. Nếu các cơ sở trực thuộc Bộ Y tế hay bộ, ngành khác chưa triển khai được, phải có văn bản báo cáo Bộ Y tế; các cơ sở khám, chữa bệnh tuyến dưới chưa triển khai được cũng phải có văn bản báo cáo Sở Y tế.

Song song đó sẽ ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo AI trong việc chăm sóc sức khỏe cho người dân.

PGS.TS Trần Quý Tường cũng cho biết việc thanh toán viện phí không dùng tiền mặt là một nội dung được Bộ Y tế triển khai trong thời gian tới.

Ông Tường chỉ ra những lợi ích của việc này: Với bệnh viện, hình thức thanh toán viện phí không dùng tiền mặt sẽ đơn giản hóa thủ tục cho người dân; phục vụ bệnh nhân tốt hơn; giảm thiểu rủi ro giao dịch tiền mặt; giảm chi phí quản lý, kiểm đếm, in ấn đơn/phiếu; tiết kiệm chi phí, nhân lực, giúp bệnh viện quản trị hiệu quả; rút ngắn quy trình khám, chữa bệnh; tích hợp với hệ thống thông tin bệnh viện, hồ sơ bệnh án điện tử.

Đối với người dân, việc thanh toán không dùng tiền mặt cũng dễ dàng và thuận tiện; giảm thời gian chờ đợi; không phải xếp hàng và không cần mang theo tiền mặt.

Để khắc phục những hạn chế, khó khăn trong việc thanh toán viện phí không dùng tiền mặt, Cục CNTT đề xuất các giải pháp: Quy định chuẩn thông tin thanh toán y tế; quy định chuẩn kết nối ngân hàng nhận thanh toán với hệ thống thông tin bệnh viện HIS của cơ sở y tế và CSDL y tế; quy định chuẩn kết nối thẻ NAPAS với hệ thống thông tin bệnh viện HIS của cơ sở y tế; quy định cấu trúc thông tin QR y tế trong thanh toán viện phí. 

Các chuẩn và quy định này hỗ trợ các bệnh viện, cơ sở y tế và các phương tiện thanh toán.