Bộ Y tế, Bộ Công an, Bộ TT&TT quản lý thông tin tiêm vaccine COVID-19 của người dân như thế nào?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Chiều 16/10, Bộ Y tế đã tổ chức hội nghị trực tuyến với các địa phương về việc tiêm vaccine COVID-19 và giải pháp xác thực, liên thông dữ liệu tiêm chủng với dữ liệu quốc gia về dân cư.
Hội nghị trực tuyến về việc tiêm vaccine COVID-19 và giải pháp xác thực, liên thông dữ liệu tiêm chủng với dữ liệu quốc gia về dân cư (Ảnh - Trần Minh)
Hội nghị trực tuyến về việc tiêm vaccine COVID-19 và giải pháp xác thực, liên thông dữ liệu tiêm chủng với dữ liệu quốc gia về dân cư (Ảnh - Trần Minh)

Tăng tốc xác thực thông tin tiêm vaccine cho người dân

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết: "Thời gian qua, cả nước đã tăng cường triển khai chiến dịch tiêm vaccine COVID-19. Với sự nỗ lực tiếp cận, đàm phán, đến nay Việt Nam đã có hơn 80 triệu liều vaccine COVID-19. Nước ta đã và đang tổ chức chiến dịch tiêm chủng có quy mô lớn nhất trong lịch sử, đồng thời, đẩy mạnh nghiên cứu và chuyển giao sản xuất vaccine COVID-19".

Theo ông Long, để đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã đồng hành, phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế trong các công tác liên quan đến vaccine, tiêm vaccine. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là khi triển khai chiến dịch tiêm chủng với quy mô lớn, phải có những cách thức quản lý để người dân đều được tiêm vaccine, cơ quan quản lý nắm được tình hình tiêm chủng trên toàn quốc. Đây là câu hỏi rất lớn đặt ra trong suốt thời gian qua.

Do đó, lãnh đạo Bộ Y tế cho hay: Hiện nay đã có một số vấn đề thực tiễn phát sinh trong quá trình tiêm vaccine phải tập trung giải quyết. Điển hình là việc thông tin tiêm vaccine của người dân chưa cập nhật đầy đủ, người đã tiêm vaccine nhưng không có thông tin trên sổ sức khoẻ điện tử, nhập đuổi dữ liệu tiêm chủng, hay việc sử dụng chứng nhận tiêm chủng bản giấy,...

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long (Ảnh - Trần Minh)

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long (Ảnh - Trần Minh)

Đến nay, cả nước đã tiêm được 61 triệu mũi vaccine nên cần xác thực được hết tất cả thông tin của những người đã tiêm chủng để có thể quản lý thống nhất đồng bộ từ trên xuống dưới. “Trách nhiệm xác thực thông tin này chính là cấp cơ sở để đảm bảo độ chính xác. Không ai có thể nắm được người tiêm chủng nhanh nhất bằng cán bộ trạm y tế, cán bộ công an xã/ phường”- ông Long nói.

Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 128 về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19. Vì vậy, ông Long nêu rõ: "Việc nắm được tình trạng tiêm chủng của mỗi người dân hết sức quan trọng. 3 Bộ gồm: Bộ Y tế, Bộ Công an, Bộ TT&TT đã thống nhất cùng triển khai kế hoạch để quản lý tiêm chủng trên phạm vi toàn quốc và xác thực thông tin về tiêm chủng một cách chính xác để vừa phục vụ phòng chống dịch, vừa phục vụ việc đi lại và tham gia các hoạt động khác của người dân".

Thứ trưởng Nguyễn Huy Ngọc đã giao nhiệm vụ liên quan đến việc xác thực thông tin tiêm vaccine cho từng đơn vị của ngành công an để phối hợp với ngành y tế và thông tin, truyền thông; đồng thời, nhấn mạnh đơn vị nào không thực hiện nhiệm vụ được giao phải chịu trách nhiệm trước lãnh đạo Bộ.

Đặc biệt, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã giao nhiệm vụ cho các cục, vụ chức năng trong việc phối hợp với Bộ Y tế và Bộ Công an để đảm bảo thực hiện tiến độ nhập liệu, xác thực tiêm chủng.

Khắc phục sai sót khi nhập lại dữ liệu tiêm chủng

Tại hội nghị, một số địa phương đã có ý kiến về việc tổ chức tiêm chủng lưu động nên việc nhập liệu không tránh khỏi sai sót. Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Y tế cho hay: "Dù tiêm vaccine ở nhà máy, hay ở nhà văn hoá, tiêm ở điểm cố định hay lưu động, đơn vị tổ chức tiêm phải có danh sách và xác thực thông tin ở trạm y tế xã, phường. Những sai sót trong quá trình nhập liệu dữ liệu tiêm chủng thường xảy ra ở khâu nhập lại dữ liệu. Do đó trong vòng 30p ngồi đợi theo dõi sau tiêm, người đã tiêm chủng cần theo dõi sát sổ sức khoẻ điện tử để kịp thời báo ngay thông tin sai sót (nếu có) trong dữ liệu tiêm chủng trên sổ Sức khoẻ điện tử”.

Để khắc phục tình trạng trên, lãnh đạo Bộ Y tế cũng yêu cầu mỗi điểm tiêm phải đối chiếu thông tin trong danh sách người đến tiêm chủng do trạm y tế xã phường cung cấp hoặc do các cơ quan, đơn vị gửi đến để rà soát và xác thực ngay thông tin tiêm chủng của người dân.

Người dân có thể phản ánh thông tin tiêm chủng lên cổng thông tin tiêm chủng COVID-19 (Ảnh - MT)

Người dân có thể phản ánh thông tin tiêm chủng lên cổng thông tin tiêm chủng COVID-19 (Ảnh - MT)

Đối với các trường hợp F0 đã khỏi bệnh, Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh: Cơ sở y tế tuyến xã, phường phải nhập liệu bởi chính đội ngũ này hiểu rõ, quản lý cụ thể trên địa bàn của mình đã có bao nhiêu F0 khỏi bệnh.

Cùng với đó, Bộ trưởng Bộ Y tế cũng yêu cầu các địa phương tăng tốc tiêm chủng. Bởi hiện nay số lượng liều vaccine được tiêm hàng ngày không đồng đều.

“Bộ Y tế đã có nhiều văn bản quán triệt về công tác tiêm chủng, đề nghị các tỉnh đẩy mạnh, tăng tốc độ tiêm chủng để đạt được kế hoạch đề ra và thực hiện triệt để những quán triệt liên quan đến phối hợp giữa các bộ về nhập liệu, xác thực thông tin tiêm chủng của người dân” - ông Long nói.