Bộ Xây dựng thẩm định Đồ án Điều chỉnh quy hoạch chung TP Đà Nẵng đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045

VietTimes – Bên cạnh việc đánh giá cao Đồ án, Bộ trưởng Bộ Xây dựng yêu cầu Đà Nẵng bổ sung căn cứ pháp lý, lưu ý chỉ tiêu phát triển đồng bộ, bền vững... và hoàn thiện trình Thủ tướng.
Một góc đô thị Đà Nẵng
Một góc đô thị Đà Nẵng

Ngày 26/8, Bộ Xây dựng tổ chức Hội nghị trực tuyến thẩm định Đồ án Điều chỉnh quy hoạch chung TP. Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Hội nghị do ông Phạm Hồng Hà - Bộ Trưởng Bộ Xây dựng, kiêm Chủ tịch Hội đồng thẩm định chủ trì, với 3 điểm cầu: Bộ Xây dựng (tại Hà Nội), TP. Đà Nẵng và đơn vị tư vấn Liên danh Công ty Sakae Corporate và Công ty Surbana Jurong (tại Singapore). 

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà đánh giá cao, quá trình thực hiện đồ án điều chỉnh quy hoạch chung đã được lãnh đạo TP. Đà Nẵng quan tâm, tập trung chỉ đạo sát sao, chủ động phối hợp với các bộ, ngành và đã hoàn thành đồ án trong thời gian kỷ lục. Đến thời điểm hiện tại, thành phần hồ sơ và thủ tục trình tự lập quy hoạch chung điều chỉnh cơ bản thực hiện đúng quy định pháp luật. Đồ án đã được nghiên cứu, thể hiện, xây dựng một cách công phu, kỹ càng, có căn cứ khoa học và thực tiễn, tiếp thu được một số kinh nghiệm chọn lọc quốc tế về phát triển đô thị.

Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng, đồ án đã cơ bản bám sát định hướng lãnh đạo của các cấp có thẩm quyền, các quy hoạch ngành, chiến lược phát triển kinh tế biển, phát triển kinh tế - xã hội, các quy hoạch kinh tế chuyên ngành, kể cả quy hoạch về sử dụng đất; đồng thời, tuân thủ các quy định của pháp luật, hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn của Việt Nam và có tiếp thu rất nhiều các ý kiến đóng góp, tham gia của các bộ, ngành, các Hội nghề nghiệp, các chuyên gia và ý kiến cộng đồng.

Quang cảnh Hội nghị trực tuyến thẩm định Đồ án Điều chỉnh quy hoạch chung TP. Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 do Bộ Xây dựng tổ chức
Quang cảnh Hội nghị trực tuyến thẩm định Đồ án Điều chỉnh quy hoạch chung TP. Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 do Bộ Xây dựng tổ chức

Qua thẩm định đồ án, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà đề nghị Đà Nẵng phối hợp với đơn vị tư vấn tiếp tục nghiên cứu, bổ sung cập nhật đầy đủ các căn cứ pháp lý, và thể hiện rõ mức độ đáp ứng các căn cứ này trong đồ án. Đồng thời, các chỉ tiêu quy hoạch, chỉ tiêu sử dụng đất phải được cập nhật theo các quy chuẩn quốc gia mới được ban hành như quy chuẩn về hạ tầng kỹ thuật, giao thông, y tế, giáo dục, nhà ở, nhà ở xã hội, công trình công cộng, công viên, cây xanh,... Trong đó lưu ý, một số chỉ tiêu phải đạt được mức độ cao nhất.

Bộ trưởng Phạm Hồng Hà nhấn mạnh, các phương án kịch bản phát triển kinh tế - xã hội của đồ án phải tuân thủ đúng định hướng theo Nghị quyết số 43-NQ/TW về quan điểm, mục tiêu, tầm nhìn, một số chỉ tiêu về tăng trưởng như tốc độ tăng trưởng kinh tế, cơ cấu và tốc độ tăng trưởng các ngành.

Đối với một số nội dung như dự báo phát triển dân số, chỉ tiêu hạ tầng, chỉ tiêu đất đô thị, Bộ trưởng Bộ Xây dựng cho rằng, không nên khống chế, mà nên linh hoạt hơn, mở rộng hơn các mức dự báo, chỉ tiêu nhằm đáp ứng thực tiễn phát triển lâu dài.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà yêu cầu làm rõ hơn các căn cứ cụ thể, các cơ sở tính toán về tổ chức không gian đô thị, nghiên cứu kỹ các quy định để vừa đáp ứng nhu cầu phát triển của đô thị, vừa đảm bảo quốc phòng - an ninh, nhất là trong định hướng khai thác bán đảo Sơn Trà. Đặc biệt, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà lưu ý Đà Nẵng cần chú ý đến sự đồng bộ, thống nhất, tương thích của quy hoạch.

Đô thị Đà Nẵng nhìn từ cửa sông Hàn.
Đô thị Đà Nẵng nhìn từ cửa sông Hàn.

“Về cơ bản, Đồ án Điều chỉnh quy hoạch chung TP. Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, được thực hiện có chất lượng, đáp ứng được yêu cầu đặt ra. Đề nghị cơ quan lập quy hoạch và đơn vị tư vấn sớm lập báo cáo bổ sung, hoàn thiện hồ sơ để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt” - Bộ trưởng Phạm Hồng Hà nói.

Được biết, Đồ án Điều chỉnh quy hoạch chung TP. Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 do liên danh Công ty Sakae Corporate và Công ty Surbana Jurong (Singapore) tư vấn thực hiện bao gồm 2 hợp phần: Thiết kế chiến lược phát triển kinh tế và điều chỉnh Quy hoạch chung; Và Đồ án được tiến hành theo 2 giai đoạn.

Giai đoạn 1 từ năm 2020-2025 với tổng kinh phí hơn 232 nghìn tỷ đồng; Giai đoạn 2 từ năm 2025-2030, có tổng kinh phí đầu tư hơn 63 nghìn tỷ đồng. Tổng cộng cho cả dự án, Đà Nẵng có hơn 295 nghìn tỷ đồng để thực hiện dự án.

Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung TP Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2357/QĐ-TTg ngày 4/12/2013. Sau gần 5 năm thực hiện, Đà Nẵng đã có những bước phát triển mạnh mẽ trên các mặt kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, quá trình triển khai quy hoạch cũng phát sinh những vấn đề mang tính tổng thể, có tác động lớn đến sự phát triển của đô thị.

Trước thực trạng đó, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24/1/2019 về xây dựng và phát triển TP. Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Quyết định QĐ 393/QĐ-TTg ngày 18/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội TP. Đà Nẵng đến năm 2020, tầm nhìn 2030 đã, đang và sẽ ảnh hường đến định hướng Quy hoạch chung đã được phê duyệt.

Để giải quyết những vấn đề nêu trên, UBND TP. Đà Nẵng đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương Điều chỉnh Quy hoạch chung TP. Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và phê duyệt Nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch tại Quyết định số 147/QĐ-TTg ngày 1/2/2019, nhằm hướng đến mục tiêu “xây dựng TP. Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và Đông Nam Á”, khắc phục các tồn tại của quá trình phát triển đô thị.

Để nghiên cứu và lập hồ sơ Đồ án, Đà Nẵng đã tổ chức 3 hội thảo quốc tế: Hội thảo đóng góp ý tưởng cho Đồ án Quy hoạch chung; Hội thảo phương án quy hoạch cảng biển; Hội thảo phản biện đồ án Quy hoạch chung ngày, nhằm lấy ý kiến đóng góp của các chuyên gia. Đồng thời, công khai lấy ý kiến trên Cổng thông tin điện tử TP, tổ chức lấy ý kiến cộng đồng dân cư (871 ý kiến); doanh nghiệp (45 nội dung góp ý); sở, ban, ngành (80 nội dung góp ý); các Hội, Hiệp hội, các trường Đại học, tổ chức và cá nhân chuyên gia.

Về phía các bộ, ngành, Đồ án đã nhận được 12 ý kiến góp ý của các bộ và Hội nghề nghiệp. Bộ Xây dựng đã tổ chức đi thực địa và làm việc với UBND TP, đồng thời có văn bản góp ý cho Đồ án. Trên cơ sở đó, UBND TP đã chỉ đạo đơn vị tư nghiên cứu, bổ sung, hoàn chỉnh Đồ án quy hoạch và giải trình ý kiến góp ý của các bộ, Hội nghề nghiệp.