Bộ Xây dựng: 4 lý do khiến gói 30.000 nghìn tỷ bị “kẹt”

Bộ Xây dựng cho biết, tính đến 30/4/2015, gói hỗ trợ nhà ở 30.000 tỷ đồng đã cam kết cho vay 13.078 tỷ đồng, đã giải ngân là 7.155 tỷ đồng. 
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Trong đó, đối với hộ gia đình, cá nhân đã ký hợp đồng cam kết cho vay 16.870 hộ với số tiền là 7.999 tỷ đồng. Hiện đã giải ngân cho 16.432 hộ với số tiền là 5.211 tỷ đồng.

Đối với các tổ chức, đã cam kết cho vay 38 dự án với số tiền là 5.079 tỷ đồng, đã giải ngân cho 33 dự án, dư nợ là 1.944 tỷ đồng.

Để hỗ trợ tạo điều kiện cho những đối tượng có thu nhập thấp tại đô thị khó khăn về chỗ ở được cải thiện về nhà ở, kết hợp với việc thực hiện Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia, đồng thời hỗ trợ giải quyết tồn kho bất động sản, Chính phủ giao Ngân hàng nhà nước chỉ đạo các Ngân hàng thương mại cổ phần dành gói tín dụng 30.000 tỷ đồng (Nghị quyết số 02/NQ-CP) để những đối tượng này được vay để mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội, mua, thuê nhà ở thương mại có diện tích nhỏ hơn 70m2, giá bán thấp hơn 15 triệu đồng/m2 với thời gian hỗ trợ là 10 năm (đã sửa lại là 15 năm theo Nghị quyết số 61/NQ-CP), lãi suất bằng 50% lãi suất huy động thương mại. 

Tính đến 30/4/2015, sau hơn 2 năm triển khai số tiền được các ngân hàng cam kết cho vay là 13.078 tỷ đồng (đạt 43,3%), góp phần hỗ trợ cho khoảng 17.000 hộ được cải thiện nhà ở. 

Theo đánh giá của Bộ Xây dựng, có nhiều nguyên nhân khiến giải ngân gói 30.000 tỷ vẫn còn chậm so với kỳ vọng ban đầu. 

Thứ nhất, chính sách tín dụng hỗ trợ nhà ở là một chính sách mới, mới làm lần đầu, vì vậy không tránh khỏi những khó khăn, vướng mắc ban đầu. 

Thứ hai, mặc dù các địa phương đã bước đầu chú ý thúc đẩy việc đầu tư xây dựng các dự án nhà ở xã hội, cho phép điều chỉnh cơ cấu căn hộ song hiện vẫn có rất ít nhà ở xã hội, nhà ở thương mại có diện tích nhỏ hơn 70m2, giá bán thấp hơn 15 triệu đồng/m2 để bán cho người dân, nên người dân chưa thể vay vốn. 

Thứ ba, đây là gói tín dụng có vay, có trả, nên mặc dù lãi suất vay có thấp hơn lãi suất thương mại, nhưng người dân cũng phải cân nhắc, tính toán khả năng trả nợ mới ký hợp đồng vay vốn. 

Thứ tư, phía Ngân hàng khi cho vay cũng phải bảo đảm khả năng thu hồi nợ từ phía khách hàng là hộ gia đình cá nhân. 

Bộ Xây dựng cho biết, trong thời gian tới, bộ sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ ngành có liên quan chỉ đạo các địa phương tiếp tục rà soát các dự án bất động sản đang triển khai để phân loại các dự án được tiếp tục triển khai, những dự án cần phải điều chỉnh, chuyển đổi cho phù hợp với nhu cầu của thị trường; đẩy mạnh việc phát triển nhà ở xã hội; tạo điều kiện rút ngắn thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt dự án phát triển nhà ở xã hội, kể cả các dự án nhà ở thương mại chuyển đổi sang nhà ở xã hội và điều chỉnh cơ cấu căn hộ thương mại.... 

Theo Bizlive