Bộ TT&TT tham dự Hội nghị Bộ trưởng các nền kinh tế số G20

VietTimes -- Từ ngày 5 – 11/4/2017, Đoàn công tác của Bộ TT&TT do Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng dẫn đầu đã tham dự Hội nghị Bộ trưởng các nền kinh tế số G20 tại Đức và làm việc song phương tại Phần Lan. 
Các đại biểu dự Hội nghị Bộ trưởng các nền kinh tế số G20 tại Đức chụp ảnh lưu niệm.
Các đại biểu dự Hội nghị Bộ trưởng các nền kinh tế số G20 tại Đức chụp ảnh lưu niệm.

Năm 2017, nước Đức là chủ nhà đăng cai Hội nghị thượng đỉnh G20 (tháng 7) và một chuỗi các hội nghị các cấp và các lĩnh vực của nhóm nước G20 trong đó có Hội nghị Bộ trưởng các nền kinh tế số G20 được tổ chức từ ngày 5-7/4/2017.

G20 là diễn đàn của 20 nền kinh tế gồm 19 quốc gia có nền kinh tế lớn nhất (tính theo GDP) và Liên minh Châu Âu (EU). G20 được thành lập chính thức vào năm 1999 và hiện chiếm 85% nền kinh tế thế giới. G20 bao gồm 7 nước công nghiệp phát triển (G7) là: Hoa Kỳ, Đức, Nhật Bản, Pháp, Anh, Ý và Canada cùng một số thành viên khác như EU, Argentina, Úc, Brazil, Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Mexico, Nga, Ả Rập Saudi, Nam Phi, Hàn Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ.

Tham dự Hội nghị Bộ trưởng các nền kinh tế số G20 năm nay có 27 đoàn đại biểu, trong đó có 20 thành viên G20 cấp Bộ/Thứ trưởng và 7 tổ chức quốc tế (Liên minh Viễn thông quốc tế - ITU, Quỹ Tiền tệ quốc tế-IMF, Tổ chức Thương mại thế giới – WTO, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế - OECD, Ngân hàng thế giới – WB, Diễn đàn Thương mại và Phát triển Liên Hiệp quốc - UNCTAD, Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương - APEC. Với vai trò là nước chủ nhà đăng cai Hội nghị APEC năm nay, Việt Nam được Đức mời tham dự Hội nghị G20 với tư cách đại diện cho các nền kinh tế APEC.

Hội nghị Bộ trưởng các nền kinh tế số G20 gồm các hoạt động chính sau: Cuộc họp cấp cao để thảo luận và thống nhất các nội dung còn vướng mắc của văn kiện hội nghị; Hội nghị các bên liên quan với các thành phần tham dự mở rộng của Hội nghị Bộ trưởng cho đối tượng doanh nghiệp, hiệp hội ….; Hội nghị Bộ trưởng các nền kinh tế số G20 gồm các phiên thảo luận tương tác trực tiếp về Kỹ năng cần thiết trong thời đại số cũng như định hướng cách thức đào tạo và giáo dục các kỹ năng này cho nhân lực; Các vấn đề trọng tâm để chuyển đổi sang số hóa của G20; Lộ trình số hóa: các chính sách cho một tương lai số; các vấn đề liên quan để thúc đẩy doanh nghiệp số đặc biệt với các doanh nghiệp vừa & nhỏ, doanh nghiệp khởi nghiệp (MSMEs) tăng trưởng và phát triển. Hội nghị Bộ trưởng các nền kinh tế số G20 đã thông qua các văn kiện quan trọng, bao gồm Tuyên bố chung “Định hình số hóa cho một Thế giới Kết nối” và ba Phụ lục kèm theo Tuyên bố chung (Lộ trình số hóa: Các chính sách cho tương lai số; Kỹ năng số trong giáo dục và đào tạo; và Các ưu tiên của G20 trong thương mại số).

Nội dung của Hội nghị xoay quanh các vấn đề sau: Khai thác công nghệ số, mà nền tảng là công nghệ thông tin, để phục vụ phát triển kinh tế (vượt qua các rào cản, liên quan đến hạ tầng, kỹ năng, nguồn lực, xây dựng chiến lược số quốc gia, tiêu chuẩn, …); Mở rộng hạ tầng truyền dẫn viễn thông và Internet, đặc biệt là hạ tầng băng rộng; Khung pháp lý để triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, tạo lập tài nguyên thông tin số, bảo đảm an toàn thông tin, dữ liệu trên phạm vitoàn cầu; Đảm bảo cạnh tranh trong nền kinh tế số; Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME); Khuyến khích phát triển Internet vạn vật (IoT), số hóa sản xuất; Xây dựng chiến lược về đào tạo phát triển kỹ năng làm việc cũng như kỹ năng sống cho đối tượng trong nền kinh tế số (có cơ hội, chia sẻ thông tin, kiến thức, tiếp cận các nguồn lực,…); Xây dựng niềm tin cho khách hàng trực tuyến (trong bối cảnh phát triển thương mại điện tử: hợp tác xuyên biên giới, cam kết của các chính phủ,…); Đảm bảo lưu chuyển luồng thông tin phục vụ nền kinh tế số, tính riêng tư, an ninh, an toàn thông tin (chính sách, chiến lược, biện pháp…); Tạo thuận lợi thương mại.

Bộ TT&TT tham dự Hội nghị Bộ trưởng các nền kinh tế số G20 ảnh 1

Thứ trưởng Bộ TT&TT Việt Nam chụp ảnh lưu niệm cùng các đại biểu tại Hội nghị Bộ trưởng các nền kinh tế số G20 tại Đức 

Trước khi Hội nghị diễn ra cũng như tại Hội nghị, Đoàn Việt Nam đã cùng các nước thảo luận và đóng góp ý kiến trực tiếp vào các nội dung Hội nghị trên cơ sở bám sát các nội dung mục tiêu, ưu tiên chính của APEC năm 2017 do Việt Nam khởi thảo và các nội dung quan tâm của Việt Nam trong lĩnh vực TT&TT, ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ phát triển kinh tế.

Kết thúc Hội nghị Bộ trưởng các Nền kinh tế số G20, Đoàn công tác đã sang thăm và làm việc tại Phần Lan từ ngày 9 – 11/4/2017. Trong chương trình làm việc, Đoàn đã gặp và làm việc với Bộ trưởng Bộ Giao thông và Truyền thông, Cơ quan quản lý  thông tin (FICORA), Hiệp hội An toàn thông tin Phần Lan (FISC), Vụ Chính sách phát triển của Bộ Ngoại giao, Quỹ Sáng tạo Phần Lan (Tekes), thăm và làm việc với một số doanh nghiệp Phần Lan. Trong thời gian này, Đoàn cũng đã đến thăm và làm việc với Đại sứ quán Việt Nam tại Phần Lan.

Tại buổi hội kiến với bà Anne Berner Bộ trưởng Bộ Giao thông và Truyền thông Phần Lan, hai bên đã trao đổi về chính sách quản lý lĩnh vực TT&TT, đặc biệt là những chính sách thúc đẩy phát triển mà Việt Nam quan tâm như chính sách hỗ trợ SMEs và các Startups: hỗ trợ các kỹ năng bổ trợ cần thiết cho Lãnh đạo khởi nghiệp trong quá trình hội nhập quốc tế; Kinh nghiệm, bài học thiết lập mạng lưới, hỗ trợ tiếp cận nguồn đầu tư,....

Liên quan đến lĩnh vực an toàn thông tin, quản lý về an toàn thông tin; bảo đảm an toàn thông tin cho các hệ thống thông tin, các hoạt động ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin; phòng, chống thư rác; bảo đảm an toàn thông tin cá nhân trên mạng; tổ chức thực hiện chức năng quản lý, điều phối các hoạt động ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng trên toàn quốc; chủ trì điều phối ứng cứu khẩn cấp bảo đảm an toàn thông tin mạng quốc gia, theo quy định của pháp luật. Bà Bộ trưởng đã bày tỏ sự hoan nghênh Đoàn công tác đã đến Phần Lan và đã trao đổi lại các chính sách quản lý của Phần Lan đối với những nội dung Đoàn quan tâm. Phần Lan có chính sách thúc đẩy phát triển sáng tạo, công nghệ cao, nên ngày càng nhiều công ty start-up xuất hiện trong lĩnh vực công nghệ thông tin, trò chơi điện tử, Internet kết nối vạn vật (IoT)... đồng thời cũng thu hút được nhiều doanh nghiệp hàng đầu nước ngoài về công nghệ thông tin.

Các thế mạnh của Phần Lan gồm có:  Dịch vụ điện toán đám mây, Công nghệ di động, Các giải pháp an toàn thông tin, Ngành công nghiệp trò chơi điện tử và các nội dung số khác, Giải pháp Chính phủ điện tử, Khám bệnh từ xa (telehealth) và khám bệnh điện tử. Liên quan đến lĩnh vực an toàn thông tin, Chính phủ Phần Lan đã ban hành Chiến lược An toàn mạng năm 2013, trong đó đưa ra các nguyên tắc quản lý, các biện pháp thực thi, phòng chống tội phạm mạng, tăng cường pháp lý, nâng cao năng lực, hợp tác quốc tế….

Năm 2015, Phần Lan đã ban hành Luật xã hội thông tin (Information Society Code 2015), trong đó, có rất nhiều nội dung điều chỉnh trực tiếp về các hành vi liên quan đến an toàn thông tin trên môi trường mạng (cyber security) và bảo vệ thông tin cá nhân trên mạng. Bà Bộ trưởng mong muốn Đoàn sẽ có điều kiện làm việc cụ thể hơn với các cơ quan chuyên môn của Phần Lan và thúc đẩy hợp tác giữa Phần Lan và Việt Nam trong lĩnh vực hai bên cùng quan tâm và Phần Lan có thế mạnh.

Quang cảnh Hội nghị Bộ trưởng các nền kinh tế số G20

Đoàn công tác đã có buổi làm việc kỹ thuật với Cơ quan quản lý thông tin Phần Lan – là đơn vị có chức năng quản lý bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, phát thanh truyền hình, tên miền, an toàn thông tin. Với mục tiêu trao đổi về các nội dung liên quan đến an toàn mạng, an toàn thông tin, ông Jarkko Saarimäki, Giám đốc Trung tâm Quốc gia Phần Lan về An toàn thông tin mạng (NCSC-FI) và các phòng, ban liên quan đã làm việc với Đoàn công tác.

Hai bên đã trao đổi kinh nghiệm trong việc xây dựng các văn bản chính sách về lĩnh vực an toàn thông tin; thảo luận thúc đẩy hỗ trợ chia sẻ thông tin, cập nhật các xu hướng gây mất an toàn thông tin trong khu vực và trên thế giới; trao đổi kinh nghiệm trong công tác bảo đảm an toàn thông tin; đề nghị hỗ trợ chia sẻ các công nghệ, giải pháp có ưu thế của Phần Lan, đào tạo chuyên gia an toàn thông tin cho Việt Nam; hợp tác chia sẻ thông tin cảnh báo, phát hiện sớm các nguy cơ mất an toàn thông tin trên không gian mạng,…

Tại các buổi làm việc với Vụ Chính sách phát triển của Bộ Ngoại giao, Quỹ Sáng tạo Phần Lan (Tekes), hai bên đã trao đổi các nội dung liên quan đến các chương trình hỗ trợ phát triển cho các nước, các chương trình khuyến khích phát triển doanh nghiệp và hoạt động sáng tạo, phát triển công nghệ cao, các hoạt động, cơ chế hỗ trợ và thúc đẩy phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thông tin.

Trong chuyến công tác tại Phần Lan, Đoàn công tác đã thăm và làm việc với một số điển hình doanh nghiệp thành công từ mô hình start-ups của Phần Lan như ViaSys VDC và Rovio Entertainment Ltd để tìm hiểu các chính sách để phát triển Start – up dưới góc nhìn doanh nghiệp. Qua trao đổi với các công ty này, có thể thấy rằng các doanh nghiệp của Phần Lan không trông chờ vào các chính sách hay hỗ trợ của nhà nước mà tự thân vận động để phát triển. Nếu muốn có sự hỗ trợ đầu tư của các Quỹ sáng tạo Tekes hay các Quỹ đầu tư mạo hiểm cũng phải trên cơ sở tự xây dựng các mô hình kinh doanh, các giải pháp để có thể được các quỹ này đánh giá ngặt nghèo và được sự chấp nhận. Đây cũng là vấn đề cần xem xét trong tình hình phát triển doanh nghiệp công nghệ thông tin của Việt Nam hiện nay.