Bộ truyện tranh đầu tiên của Việt Nam tìm về cố hương

Sau hơn 100 năm bị lãng quên nơi đất Pháp, bộ truyện tranh đầu tiên của Việt Nam đã trở về cố hương vào năm 2016 nhờ sự phát hiện của GS Phan Huy Lê (Chủ tịch Hội khoa học lịch sử Việt Nam).
Bộ Lục Vân Tiên chép tay này có tới 139 tờ tranh minh họa đa màu sắc
Bộ Lục Vân Tiên chép tay này có tới 139 tờ tranh minh họa đa màu sắc

Cuốn sách đánh dấu sự kết tinh sáng tạo của 4 gương mặt: nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu, họa sĩ Lê Đức Trạch, viên sĩ quan người Pháp Gibert và dịch giả Michels. Đó là một sự kết nối Pháp - Việt đầy thú vị. Tác phẩm Lục Vân Tiên là truyện thơ của nhà nho Nguyễn Đình Chiểu (1822-1888) – người gốc Nam bộ được sáng tác vào giữa thế kỉ XIX vốn được lưu truyền trong văn học dân gian Việt Nam. 

Nhưng người khởi nguồn cho sự ra đời của bộ tranh họa này là đại úy người Pháp Eugene Gibert - viên sĩ quan đã có thời gian làm việc tại Huế từ 1895 đến 1897. Đặc biệt hào hứng với truyện thơ Lục Vân Tiên, bản in của Abel des Michels (1864) đã khiến Gibert nảy ra ý tưởng họa tác phẩm bằng tranh màu. Gibert đã giao cho Lê Đức Trạch, một nghệ sĩ của triều đình Huế, thực hiện tác phẩm truyện thơ bằng tranh màu duy nhất trong khoảng thời gian từ năm 1895 đến năm 1897. Trở về Pháp, Gibert đã trao tặng tác phẩm này cho Viện Hàn lâm Văn khắc và Văn học (Pháp) vào ngày 26/5/1899. 

Kể từ đó, trong suốt hơn 110 năm, bản thảo nằm im lìm trong thư viện Viện Hàn lâm Pháp. Chỉ đến khi GS. Phan Huy Lê có dịp tới thăm Viện Hàn lâm Văn khắc và Văn học Pháp (năm 2011), ông mới hữu duyên tìm ra tác phẩm của quê hương. Theo đề nghị của GS Lê, từ “bản thảo” đặc biệt này, Viện Viễn Đông bác cổ đã lên kế hoạch xuất bản tác phẩm và giới thiệu tại Việt Nam. Trước khi chính thức xuất bản bộ sách dưới cái tên Lục Vân Tiên cổ tích truyện, các học giả người Pháp đã mất 5 năm để tổ chức nghiên cứu và chuẩn bị.

Tác phẩm dày hơn 300 trang, bộ Lục Vân Tiên chép tay này có tới 139 tờ tranh minh họa đa màu sắc. Mỗi tờ tranh lại có nhiều bức tranh nhỏ, tổng số lên tới gần 1.200 bức) trong đó một bức được đặt phía trên để tạo điểm nhấn, còn các bức khác được đặt bên lề, “bọc”lấy phần chữ Nôm. Tất cả tranh đều bám sát nội dung truyện, mang đậm phong cách dân gian với nét vẽ vô cùng sinh động. Theo Giáo Sư Phan Huy Lê, những ấn phẩm mang đậm tinh thần văn hóa này giúp chúng ta tìm về quá khứ một cách chân thực và thuyết phục nhất, thể hiện sự trân trọng văn hóa bản địa. Đây là kết quả nghiên cứu khoa học bài bản và cũng là một món quà văn hóa vô giá, đánh dấu sự kết nối văn hóa sâu sắc giữa hai nước Việt - Pháp. 

Theo Báo tin tức