Bộ trưởng Vinh: Doanh nghiệp vẫn cần có con dấu!

Việc Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) và Luật Đầu tư (sửa đổi) chính thức có hiệu lực từ đầu tháng 7 vừa qua được cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng là một cuộc đột phá thể chế lần thứ hai. Tuy nhiên, sau gần 2 tháng thực hiện, hai luật này vẫn không tránh khỏi các vướng mắc phát sinh...
Bộ trưởng Vinh: Doanh nghiệp vẫn cần có con dấu!

Trong chương trình "Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời" ngày 30/8, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh đã giải đáp và chia sẻ nhiều vướng mắc về vấn đề này.

Thời gian qua, một số doanh nghiệp và cơ quan đăng ký kinh doanh gặp vướng mắc về trả dấu cũ, khắc dấu và đăng ký dấu mới, Luật Doanh nghiệp quy định doanh nghiệp tự quyết số lượng con dấu. Do đó, nhiều doanh nghiệp thắc mắc, không dùng con dấu như một số nước có được không?

Nêu quan điểm về vấn đề này, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho biết, hiện nay trong Luật vẫn quy định cần có con dấu, việc không cần thì phải đợi các bước tiếp theo, vì hiện đang có nhiều văn bản ngoài luật doanh nghiệp vẫn yêu cầu sử dụng con dấu trong chứng thực các văn bản pháp lý.

“Chúng ta phải dần dần điều chỉnh các văn bản đó, đồng thời cũng cần thời gian các doanh nghiệp làm quen với các văn bản mới vì bản thân các doanh nghiệp bạn hàng, các cơ quan Nhà nước khi không có dấu đóng thì cảm thấy không có tính pháp lý. Cho nên đây là quá trình cần thời gian” – Bộ trưởng Vinh lý giải.

Theo Bộ trưởng Vinh, luật mới đã hướng tới xóa bỏ con dấu theo thông lệ quốc tế, với điều kiện của Việt Nam, ban soạn thảo và các cơ quan có thẩm quyền Quyết định trước mắt cho doanh nghiệp tự quyết định số lượng và nội dung, tự làm con dấu của mình quản lý. Đây là bước tiến rất lớn và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.

Về mã ngành nghề kinh doanh, có doanh nghiệp thắc mắc Luật cho phép doanh nghiệp được kinh doanh những gì mà luật không cấm. Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn phải kê khai mã ngành đăng ký kinh doanh trong hồ sơ thành lập doanh nghiệp.

Theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, trong hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp phải ghi rõ thân nhân chủ doanh nghiệp, cũng như ngành nghề dự kiến kinh doanh ban đầu vì liên quan đến mã số thuế để các cơ quan chức năng tính toán phân ngành kinh tế, loại hình nào thuộc bất động sản, chế tạo… để theo dõi quản lý, xây dựng chính sách kinh tế vĩ mô, hỗ trợ các doanh nghiệp phản ánh trong nền kinh tế.

“Thực tế các nước tiên tiến nhất cũng đều yêu cầu kê khai mã ngành kinh doanh. Lúc đầu có thể doanh nghiệp thấy hơi khó, chưa quen việc tra cứu nên trên cổng thông tin đăng kí kinh doanh quốc gia đã cập nhật toàn bộ hệ thống phân ngành kinh tế Việt Nam với nội dung hướng dẫn chi tiết, rõ ràng. Căn cứ theo mã số thì trong nước và quốc tế đều biết doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nào” – Bộ trưởng Vinh dẫn chứng.

Một số doanh nghiệp cũng chia sẻ, Luật mới rất mở nhưng thực tế triển khai đăng ký kinh doanh lại khá dè dặt. Lý do nơi đăng kí kinh doanh đưa ra là chưa có Nghị định hướng dẫn cụ thể và họ đang bị quá tải thủ tục.

Giải đáp thắc mắc về vấn đề này, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho biết, đây là quá trình đổi mới, mà đổi mới thì rất khó khăn, nhưng chúng ta đang minh bạch hóa làm những gì thuận lợi nhất cho doanh nghiệp. Chỉ trong vài ngày nữa, một loạt Nghị định sẽ được ban hành.

Trước đó, trong khi chưa ban hành, Bộ Kế hoạch Đầu tư đã có hướng dẫn rất chi tiết cho doanh nghiệp cũng như các cơ quan. Đến nay, về cơ bản không còn vướng mắc nhiều như ngày đầu tiên.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh.

Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) thắc mắc, Luật Đầu tư sửa đổi lần này có nhiều điểm mở nhưng giờ lại cần 2 giấy là: Giấy phép đầu tư và Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh đối với doanh nghiệp nước ngoài, thay vì 1 giấy phép đầu tư như trước đây.

Bộ trưởng Vinh cho rằng, điều này không phải là đi ngược với định hướng cắt giảm thủ tục hành chính.

Thứ nhất, trước đây Giấy phép chứng nhận đăng ký đầu tư và Giấy đăng ký doanh nghiệp là ghép với nhau, nhưng do 2 cơ quan cấp. Giấy đăng ký doanh nghiệp do phòng đăng ký kinh doanh của Sở Kế hoạch Đầu tư cấp trưởng phòng ký.

Hiện nay, gắn với giấy phép đầu tư phải do Sở Kế hoạch Đầu tư xem xét là các Ban quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế, Chủ tịch UBND tỉnh kí cấp phép cho các dự án lớn. Thậm chí các dự án lớn hơn còn phải do Thủ tướng và Quốc hội quyết định.

Vì vậy, nếu để chung 2 loại giấy này với nhau sẽ có nhiều bất cập. Nếu điều chỉnh một nội dung ở bên nào thì phải chờ lâu, cho nên cần phải tách ra Giấy đăng ký kinh doanh cấp luật quy định chỉ có 3 ngày, Giấy chứng nhận đầu tư trước quy định 45 ngày bây giờ chỉ còn tối đa không 15 ngày. Như vậy nếu làm cả hai thủ tục chỉ mất tối đa 18 ngày.

Thứ hai, theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, doanh nghiệp FDI đầu tư vào Việt Nam phải có dự án, không thể vào cứ thành lập doanh nghiệp rồi mới đi tìm dự án. Yêu cầu tách hai loại giấy đó ra để khi điều chỉnh giấy đầu tư thì không liên quan đến giấy thành lập doanh nghiệp và không phải chờ đợi lâu, nhằm tạo sự minh bạch thuận lợi cho doanh nghiệp và trong quản lý nhà nước.

“Khi đàm phán TPP với Hoa Kỳ, họ cũng nói rằng đó là quyền của mỗi quốc gia. Vì vậy, các doanh nghiệp FDI muốn đầu tư vào Việt Nam phải có dự án được cấp thẩm quyền cho phép, ngay sau đó họ sẽ được cấp Giấy chứng nhận đầu tư và giấy thành lập doanh nghiệp” – Bộ trưởng Vinh nói.

Ngoài ra, đề cập đến vấn đề quá tải trong thực hiện đăng ký kinh doanh, Bộ trưởng Vinh lý giải, đây là sự quá tải của cơ quan đăng ký kinh doanh nhà nước ở Sở kế hoạch Đầu tư hay ở Phòng đăng ký kinh doanh. Bởi trước đây họ không phải làm những công việc như bây giờ, chuyển những công việc của doanh nghiệp cho họ làm, các công việc của các cơ quan khác cũng được chuyển về cho họ.

"Qua cuộc điều tra toàn bộ trên 63 tỉnh thành cả nước, bình quân đăng ký kinh doanh của cả nước chỉ có 2,6 ngày; chưa đến 3 ngày và đúng quy định" - Bộ trưởng Vinh khẳng định.

Theo Trí thức trẻ