Bộ trưởng Trương Minh Tuấn: Công nghệ bưu chính viễn thông phải là ngành mũi nhọn

VietTimes -- Phát biểu tại lễ trao bằng của Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông (BCVT), Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn đánh giá công nghệ BCVT sẽ phải là mũi nhọn đi đầu trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đưa Việt Nam trở thành nước mạnh về CNTT trong khu vực và trên thế giới.
Tiến sĩ Trương Minh Tuấn, Bộ trưởng Bộ TT&TT phát biểu tại buổi lễ.
Tiến sĩ Trương Minh Tuấn, Bộ trưởng Bộ TT&TT phát biểu tại buổi lễ.

Đánh giá rất cao sự cố gắng, nỗ lực của Học viện, Tiến sĩ Trương Minh Tuấn, Bộ trưởng Bộ TT&TT cho biết: “Trong những năm vừa qua, Học viện Công nghệ BCVT đã có những biến  động, chuyển cơ quan chủ quản từ Tập đoàn VNPT về Bộ TT&TT. Dù vậy, Học viện vẫn nỗ lực, cố gắng để đảm bảo chất lượng dạy và học”.

Chúc mừng thành quả của 3 tân Tiến sĩ và 82 tân Thạc sĩ đạt được, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn hy vọng kết quả vừa đạt được này không chỉ là sự ghi nhận nỗ lực, cố gắng của các Tiến sĩ, Thạc sĩ trong con đường nghiên cứu khoa học của mình mà sự cố gắng, nỗ lực đó sẽ được đền đáp bằng kết quả hoạt động thực tiễn của các Tiến sĩ, Thạc sĩ.

"Hãy là người đi đầu, đi tiên phong trên con đường nghiên cứu khoa học, ứng dụng vào thực tiễn để đưa công nghệ BCVT Việt Nam phát triển lên tầm cao mới, đưa Việt Nam trở thành nước mạnh về CNTT trong khu vực và trên thế giới", Bộ trưởng gửi gắm sự kỳ vọng tới các Tân Tiến sĩ, Thạc sĩ.

3 tân Tiến sĩ và 82 tân Thạc sĩ của Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông đã được nhận bằng.
3 tân Tiến sĩ và 82 tân Thạc sĩ của Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông đã được nhận bằng.

Năm 2016, Học viện đã tổ chức bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ cấp cơ sở cho 12 nghiên cứu sinh và cấp Học viện cho 5 NCS. Trong 5 NCS này có 3 tân Tiến sĩ các chuyên ngành Kỹ thuật Viễn thông, Hệ thống thông tin và Kỹ thuật điện tử được Học viện trao bằng hôm nay.

Nhiều luận văn tốt nghiệp được đánh giá có hàm lượng nghiên cứu khoa học, ý nghĩa thực tiễn cao, có thể áp dụng triển khai vào hoạt động thực tế tại đơn vị nghiên cứu, sản xuất kinh doanh như: Đánh giá hiệu năng hệ thống FSO sử dụng kỹ thuật  điều chế cường độ sóng mạng phụ; Dự đoán chuyển động của bàn tay sử dụng bộ lọc KALMAN; Nghiên cứu các phương pháp học máy và ứng dụng trong phát hiện xâm nhập trái phép; Ứng dụng khai phá dữ liệu để tư vấn học tập tại trường Đại học Sư phạm Thể dục thể thao Hà Nội; Rủi ro hoạt động tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và phát triển Việt Nam.

Với 2 cơ sở đào tạo tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, 3 Viện nghiên cứu đầu ngành và 2 Trung tâm Đào tạo bồi dưỡng, đến nay Học viện đã triển khai 05 chương trình đào tạo tiến sĩ, gồm có: Kỹ thuật viễn thông; Kỹ thuật điện tử; Kỹ thuật máy tính; Hệ thống thông tin và Quản trị kinh doanh và đã có 76 nghiên cứu sinh đã bảo vệ thành công luận án trước Hội đồng chấm luận án Tiến sĩ cấp Nhà nước, cấp Học viện và số nghiên cứu sinh đang học tập và nghiên cứu tại Học viện là 95 người. Năm 2016, Học viện đã tổ chức bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ cấp cơ sở cho 12 nghiên cứu sinh và cấp Học viện cho 05 nghiên cứu sinh.

Đối với đào tạo Cao học, Học viện đã tổ chức đào tạo 5 chuyên ngành. Mỗi năm, Học viện tuyển khoảng 300 học viên cao học. Hiện có 522 học viên cao học đang được đào tạo tại 02 cơ sở đào tạo Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.