Bộ trưởng Tài chính: Áp lực trả nợ gia tăng, nhưng ngân sách đang giảm vay tốt, nợ nước ngoài sát trần do có cả nợ doanh nghiệp

VietTimes – Đây là nội dung giải trình của Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng tại Quốc hội ngày 29/10.
Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng. Nguồn: quochoi.vn
Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng. Nguồn: quochoi.vn

Trước đó, hai vấn đề chủ chốt liên quan tới nợ chính phủ được đại biểu Quốc hội nêu là nợ nước ngoài quốc gia tăng, kéo theo nghĩa vụ trả nợ gốc tăng nhanh

Phần giải trình của Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng sau đó khá ôn tồn, nhưng vẫn giải thích được về nội hàm các vấn đề đã nêu mà dường như đại biểu Quốc hội chưa rõ.

Theo Bộ trưởng Dũng, về nguyên nhân áp lực trả nợ gia tăng, trong giai đoạn 2012 - 2014, Chính phủ đã huy động một lượng lớn trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 3 - 5 năm để có nguồn lực ổn định vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội trước các tác động của khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Do đó, giai đoạn hiện nay cũng đã đến thời hạn trả nợ gốc, dẫn đến nhu cầu trả nợ gốc tăng.

Đồng thời, các khoản vay ODA trong giai đoạn các năm trước đây cũng đã hết thời gian ân hạn về trả nợ gốc. Trong khi hiện Chính phủ cũng đang phải áp dụng điều khoản trả nợ nhanh đối với nguồn vốn vay IDA, ADF.

Những điều này càng gia tăng áp lực lên yêu cầu trả nợ gốc – Bộ trưởng Tài chính xác nhận với Quốc hội.

Tuy nhiên, theo giải trình của Bộ trưởng, huy động cho ngân sách (bao gồm cả vay cho bù đắp bội chi và vay đảo nợ) đang giảm mạnh so với các năm trước. Ông Dũng dẫn chứng, năm 2018 tổng mức vay của ngân sách là 363.000 tỷ đồng, đã giảm 26.000 tỷ đồng so với năm 2016 và 84.000 tỷ đồng so với 2015.

Nguyên nhân là do Chính phủ “đã biết điều này và đang từng bước có giải pháp xử lý, nhằm kiềm chế dần, đẩy đỉnh nợ xuống" – Bộ trưởng Dũng nói

Liên quan tới tỷ lệ nợ nước ngoài đã sát trần 50% GDP, Bộ trưởng Tài chính nói, Luật Quản lý nợ công quy định, nợ nước ngoài quốc gia hiện gồm nợ nước ngoài Chính phủ, các khoản vay nước ngoài được Chính phủ bảo lãnh và nợ nước ngoài tự vay, tự trả của doanh nghiệp.

Về nợ nước ngoài hiện nay, Bộ trưởng Dũng giải thích, nợ tự vay, tự trả của doanh nghiệp chiếm một nửa tổng vay nợ quốc gia, và tăng nhanh. Đây cũng là nguyên nhân chính dẫn tới tăng nợ nước ngoài quốc gia so với GDP.

Chẳng hạn, năm 2017, nợ nước ngoài của doanh nghiệp tăng tới 42%. Trong sự tăng này có đóng góp đáng kể từ khoản vay của ThaiBev mua lại 51% cổ phần Nhà nước ở Sabeco có giá trị 4,8 tỷ USD. Do pháp nhân vay là doanh nghiệp Việt Nam, nên khoản vay của doanh nghiệp này được tính vào nợ quốc gia.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Tài chính giải thích, đây là khoản tự vay, tự trả của doanh nghiệp. “Chính phủ không có nghĩa vụ phải trả” – ông Dũng nhấn mạnh trước Quốc hội.

Người đứng đầu ngành tài chính cũng bổ sung vào ý kiến của ông khi giải trình với Quốc hội. Theo đó, Chính phủ đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu, đề xuất giải pháp nhằm kiểm soát chặt chẽ hoạt động vay nước ngoài theo phương thức tự vay tự trả của doanh nghiệp, tổ chức tín dụng. 

Về các vấn đề liên quan tới cân đối thu - chi ngân sách, giải trình của Bộ trưởng Tài chính xác nhận việc tăng thu ngân sách 3 năm qua chủ yếu là tăng thu tiền sử dụng đất.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Tài chính, tỷ trọng thu tiền sử dụng đất trong thu nội địa đang có xu hướng giảm. Cụ thể là đã từ mức khoảng 11% năm 2016 về mức 10,6% trong năm 2018, dự kiến năm 2020 còn 6,7%.