Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nêu 3 việc cần làm trước và làm nhanh để đưa chuyển đổi số vào cuộc sống

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Có việc Bộ TT&TT đã thực hiện, có những việc đang trong quá trình triển khai thử nghiệm tiến tới đánh giá và mở rộng mô hình. Quá trình thí điểm ghi nhận có nơi thu nhập của người dân tăng 3-4 lần.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng trả lời chất vấn trước Quốc hội tại phiên họp ngày 9/11.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng trả lời chất vấn trước Quốc hội tại phiên họp ngày 9/11.

Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn hôm nay (9/11), ĐBQH Cầm Thị Mẫn (Thanh Hóa) đặt vấn đề với Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: "Tháng 6/2020 Thủ tướng phê duyệt chương trình chuyển đổi số quốc gia để phát triển đất nước trong cuộc CMCN 4.0. Xin Bộ trưởng cho biết trách nhiệm quản lý nhà nước và hành động của bộ để triển khai chương trình hiệu quả, nhanh chóng để đưa chuyển đổi số vào cuộc sống?".

Trả lời chất vấn, người đứng đầu ngành TT&TT cho biết, ngay sau khi đề án chuyển đổi số quốc gia được Thủ tướng phê duyệt, Bộ TT&TT triển khai rất quyết liệt. "Có ba việc chúng tôi nghĩ cần làm trước và làm nhanh là: Công tác lập kế hoạch, nâng cao nhận thức, tạo các nền tảng để chuyển đổi số” – Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói.

Về công tác kế hoạch, người đứng đầu ngành TT&TT cho biết, trong ngay trong tháng 6/2020, Bộ đã ban hành khung về nội dung chuyển đổi số. Dựa trên khung này, các bộ, ngành, địa phương sẽ xây dựng đề án chuyển đổi số của mình.

Đến nay, đã có 20 bộ ngành và địa phương đã ban hành chương trình chuyển đổi số. Có một số nơi làm rất nhanh, rất sớm như TP.HCM, Thừa Thiên - Huế, thậm chí có một số tỉnh, Tỉnh ủy đã ra nghị quyết chuyên đề.

Về nâng cao nhận thức, Bộ đã chỉ đạo các cơ quan báo chí thành lập chuyên mục về chuyển đổi số và Bộ TT&TT đã xuất bản bộ cẩm nang về chuyển đổi số dưới dạng câu hỏi đơn giản, dễ hiểu ở cả phiên bản giấy và điện tử.

“Chúng tôi nghĩ rằng một trong những cách để nâng nhận thức làm thí điểm một số xã. Vì khi thí điểm thành công, nhất là với người châu Á rất trực quan, trên cơ sở đó sẽ nhân rộng rất nhanh", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.

Dẫn chứng thực tế một số xã miền núi đã triển khai thí điểm chuyển đổi số, Bộ trưởng Hùng nêu kết quả bước đầu ghi nhận tại xã Vi Hương ở Bắc Kạn: Nhờ việc đưa công nghệ số để quảng bá sản phẩm trên sàn thương mại, thu nhập bà con trong HTX đã tăng từ 1 - 1,5 triệu đồng/tháng thành 3 - 3,5 triệu đồng/tháng.

Tại Yên Mô, Ninh Bình, ứng dụng phần mềm y tế từ xa để hỗ trợ khám, tư vấn, chăm sóc sức khỏe đã giúp tiết kiệm thời gian đi lại cho bà con và bà con có thể tiếp cận bác sĩ trên toàn quốc.

“Một trong những giải pháp đột phá thúc đẩy chuyển đổi số nhanh, giảm chi phí, tăng hiệu quả là phát triển các nền tảng số cũng như nền tảng số Việt Nam. Một nền tảng ra đời thì hàng triệu người dân và hàng ngàn doanh nghiệp có thể chuyển đổi số được.

Bộ TT&TT đã thúc đẩy các doanh nghiệp Việt Nam triển khai xây dựng làm chủ các nền tảng số cho chuyển đổi số đất nước. Gần đây, cứ mỗi thứ Sáu hàng tuần, Bộ tổ chức ra mắt các nền tảng Make in Việt Nam với mục tiêu kép là vừa thúc đẩy chuyển đổi số, vừa phát triển doanh nghiệp số Việt Nam. Đến nay, đã cho ra mắt trên 30 nền tảng số Việt Nam” – người đứng đầu ngành TT&TT khẳng định.

Cuối cùng, ông cho rằng để mọi người biết mình đi có đúng hướng không, cũng như biết mình đang ở đâu, Bộ đã ban hành bộ tiêu chí đánh giá chuyển đổi số. Bộ TT&TT sẽ đo đạc công bố xếp hạng các địa phương và các bộ.

“Cái gì đo được thì sẽ quản lý được và thúc đẩy được” – Bộ trưởng Hùng nói thêm.