Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: DN muốn tiến ra nước ngoài thì người lãnh đạo phải "lĩnh ấn tiên phong"

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam muốn ra nước ngoài thì chính người lãnh đạo cao nhất phải đi ra tìm hiểu. Thị trường nào khó khăn chính là chỗ ít người, chỗ có nhiều cơ hội - Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nêu quan điểm doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam phải đi con đường của riêng mình thì mới có thể thành công.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nêu quan điểm doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam phải đi con đường của riêng mình thì mới có thể thành công.

Hội nghị “Doanh nghiệp Công nghệ số Việt Nam đi ra thế giới” lần đầu tiên được tổ chức với chủ đề “Doanh nghiệp số Việt Nam: Hợp tác số toàn cầu – Đối tác tin cậy để xây dựng Thế giới số” vừa diễn ra sáng nay (23/2) đã mở đầu cho chuỗi các hoạt động mở đầu chiến dịch Bộ Thông tin và Truyền thông hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đang kinh doanh ở nước ngoài hoặc đi ra nước ngoài trong năm 2023.

Trao đổi với các ý kiến thảo luận tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng “doanh nghiệp muốn tiến ra nước ngoài thì người lãnh đạo cao nhất của doanh nghiệp ấy phải đi ra trước”.

Dẫn câu chuyện của Viettel – nơi ông đã có hơn 30 năm dẫn dắt và đang rất thành công ở hàng loạt thị trường nước ngoài, Bộ trưởng Hùng nêu nguyên tắc đầu tư ra thị trường nước ngoài, rằng nếu không phải là người lãnh đạo cao nhất trực tiếp đi tìm hiểu thị trường thì Viettel sẽ không xúc tiến kinh doanh tại thị trường ở đó. Bộ trưởng nêu quan điểm rằng, cho dù áp dụng triệt để nguyên tắc này thì việc triển khai vẫn rất khó khăn, có khi mở 10 công ty thì được 1 công ty thành công.

Mặc dù vậy, ông vẫn cho rằng cần đích thân người lãnh đạo cao nhất của doanh nghiệp đi tìm hiểu thị trường. Điều này rất khác với các doanh nghiệp đã thành danh ở nước ngoài, “họ thường đưa nhân viên đi trước để tìm hiểu. Chúng ta làm vậy sẽ thất bại” – Bộ trưởng Hùng nói.

Với bề dày kinh nghiệm chinh chiến tại thị trường nước ngoài, Bộ trưởng nêu nghịch lý: Nếu một thị trường mà các doanh nghiệp đều đánh giá là tốt, là thuận lợi thì đó không phải chỗ tốt. Đó sẽ là nơi cạnh tranh cao, cơ hội không nhiều. Còn chỗ mọi người đều thấy có nhiều khó khăn thì đó chính là chỗ ít người, chỗ có nhiều cơ hội.

Nêu thực tế nhiều doanh nghiệp Việt Nam sang đầu tư ở nước ngoài, lấy thương hiệu công ty địa phương mặc dù nắm vốn sở hữu 100%, Bộ trưởng cho rằng doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam phải đi con đường của riêng mình và thường đi ngược lại con đường bình thường thì mới thành công. “Nếu chúng ta vượt qua được chỗ khó nhất thì những chỗ khác chắc không còn khó” – ông Hùng nói.

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, trong năm 2023, Bộ TT&TT sẽ triển khai chiến dịch tổng thể, hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đang kinh doanh ở nước ngoài hoặc đi ra nước ngoài. Bộ cùng với các cơ quan liên quan sẽ mở đường, các doanh nghiệp đã đi ra nước ngoài thành công sẽ hỗ trợ, kéo các doanh nghiệp khác cùng đi.

Việc dịch chuyển ra nước ngoài là rất cần thiết

Đánh giá về thị trường thế giới, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Công nghiệp CNTT và Truyền thông (Bộ TT&TT) Nguyễn Thiện Nghĩa khẳng định, thị trường công nghệ thế giới đang có rất nhiều cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam.

Ông Nghĩa phân tích, hiện doanh thu thị trường phần mềm và dịch vụ CNTT của Việt Nam trong năm 2022 xấp xỉ 2 tỉ USD, tương đương với khối lượng công việc của khoảng 200.000 kỹ sư. Nhưng Việt Nam lại đang có hơn 40.000 doanh nghiệp và 550.000 kỹ sư. Do đó, thị trường trong nước đã quá nhỏ hẹp so với quy mô nhân lực ở thời điểm hiện tại.

Ông Nguyễn Thiện Nghĩa phân tích nhu cầu ra thị trường quốc tế của doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam và đề nghị các doanh nghiệp cần “đi cùng nhau”.

Ông Nguyễn Thiện Nghĩa phân tích nhu cầu ra thị trường quốc tế của doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam và đề nghị các doanh nghiệp cần “đi cùng nhau”.

Cũng trong năm 2022, doanh thu xuất khẩu CNTT của Việt Nam là 2,2 tỉ USD do 1.000 doanh nghiệp và 80.000 kỹ sư thực hiện. Con số này là rất nhỏ khi tổng doanh thu của dịch vụ CNTT và phần mềm trên thế giới đang là 1.803 tỉ USD. Từ đó có thể thấy, với lượng nhân lực như hiện nay và sẽ tăng mạnh trong những năm tới, cơ hội của doanh nghiệp Việt ở quốc tế là không giới hạn và có khoảng không rất lớn để phát triển.

Cũng theo ông Nguyễn Thiện Nghĩa, lợi thế lớn nhất mà doanh nghiệp Việt có được khi đi ra toàn cầu là nhân sự giá rẻ nhưng chất lượng cao. Nếu xét về mặt bằng thế giới, lương kỹ sư CNTT của Việt Nam chỉ bằng 1/10 nhưng chất lượng sản phẩm làm ra lại được đánh giá rất cao. Hiện Việt Nam đang xếp thứ 6 trong các quốc gia về nhân lực BPO/ITO, Top 2 điểm đến ở Đông Nam Á về xu hướng và giá IT gia công.

Từ các bài học của các thương hiệu CNTT Việt đã thành công như Viettel, FPT hay CMC, có thể thấy có nhiều cách để doanh nghiệp tiến ra nước ngoài, như đạt được thành công trong nước và sau đó tiến ra nước ngoài; Phát triển ngay tại thị trường nước ngoài dựa trên các kỹ sư người Việt đang sống và làm việc tại nước bản địa; Đầu tư thẳng vào các công nghệ mới như Blockchain, IoT …

Để mang lại hiệu quả tổng thể khi tiến ra toàn cầu, các doanh nghiệp CNTT cần “đi cùng nhau”. Doanh nghiệp lớn dẫn dắt doanh nghiệp nhỏ hơn, doanh nghiệp đi trước dẫn dắt doanh nghiệp đi sau. Bí quyết và chiến lược chinh phục thị trường thế giới của các doanh nghiệp tiên phong là những bài học quý giá, mở hướng cho các doanh nghiệp công nghệ trong nước tự tin bước ra thị trường quốc tế - Phó Cục trưởng Nguyễn Thiện Nghĩa chia sẻ.

Cũng tại Hội nghị lần này, Bộ TT&TT chính thức thành lập và ra mắt “Tổ tư vấn hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ số đi ra nước ngoài” nhằm phối hợp các cơ quan liên quan triển khai các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ Việt Nam đi ra nước ngoài và phát triển hoạt động kinh doanh tại nước ngoài.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chúc mừng “Tổ tư vấn hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ số đi ra nước ngoài” vừa được thành lập.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chúc mừng “Tổ tư vấn hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ số đi ra nước ngoài” vừa được thành lập.