Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Tầm nhìn chúng ta toàn cơi nới, mở rộng

VietTimes -- Công trình nào cũng chậm, làm tăng chi phí, đội vốn rất nhiều. Nhiều sân bay vừa làm xong đã xin nâng cấp, riêng Tân Sơn Nhất cải tạo 17 lần từ khi giải phóng đến giờ. Đoạn Pháp Vân – Cầu Giẽ cải tạo ba lần chỉ 10 năm qua. Tư duy, tầm nhìn của chúng ta quá ngắn quá, toàn cơi nới, mở rộng. Song, điều đáng nói hơn là làm lỡ bao cơ hội phát triển. Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng chia sẻ những trăn trở của ông về chuyện đầu tư, và nhiều chuyện khác.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng - Ảnh: VT
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng - Ảnh: VT

Có đầu tư mới có tăng trưởng

Thưa bộ trưởng, ông vừa được giao nhiệm vụ tính thêm khu vực phi chính thức vào GDP với hàm ý tăng nợ công cho đầu tư. Ông nói gì về chuyện này?

Tỷ lệ nợ công tính trên GDP đã bị cái trần 65% khống chế rồi, không thể tăng thêm được nữa. Câu hỏi đặt ra, tại sao không tiếp cận theo hướng làm sao để giá trị GDP to ra, lớn lên để nợ công nhỏ đi. Mọi người chỉ bàn không được vượt cái trần đó, mà không bàn làm sao để tăng GDP. Như thế thì chúng ta rơi vào vòng luẩn quẩn: không có đầu tư thì không tạo được việc làm, không có tăng trưởng, không có nguồn thu và nợ công cứ suốt đời to ra.

Cách tiếp cận của tôi không theo hướng đó. Cứ bảo nợ công cao rồi, không được đầu tư nữa thì muôn đời không phát triển được.

Vấn đề là ở chỗ, Nhà nước không thể thu thuế được khu vực phi chính thức đó, cho dù khu vực này được ước tính lên tới 20-35% GDP. Làm sao thu thuế được từ buôn lậu? Nợ thì nợ thật, khả năng trả nợ cũng là vấn đề. Đó là chưa nói, như ông biết, đầu tư của Nhà nước thì nhiều chỗ rất kém hiệu quả.

Trong bối cảnh ở Việt Nam, điều quan trọng là phải tiếp tục đầu tư vì đầu tư mới có phát triển, có tăng trưởng. Nhà nước phải đầu tư những dự án hiệu quả, có kiểm soát chứ không đầu tư ồ ạt như trước đây. Đất nước đang rất cần những dự án lớn lan tỏa, ví dụ như trong Nghị quyết 01 đã nêu.

Tôi hoàn toàn đồng ý với cách đặt vấn đề của bạn, nhưng không phải vì thế mà không đầu tư. (Chính sách) sai thì phải sửa, thiếu thì phải thêm vào cho đủ, và làm láo thì phải trị.

Có những cơ hội bỏ lỡ

Là bộ trưởng phụ trách đầu tư, ông nhìn xem hạ tầng giao thông của ta như thế nào…

Phát triển cơ sở hạ tầng là một trong ba khâu đột phá chiến lược. Chúng ta có các nghị quyết nhưng triển khai còn chậm, nhiều thể chế chưa được hoàn thiện, chất lượng chưa cao. Phát triển hạ tầng chững lại do nguồn lực, do chính sách. 

Tôi vừa chỉ đạo Vụ kết cấu hạ tầng rà soát lại tất cả các công trình giao thông những năm qua. Công trình nào cũng chậm, làm tăng chi phí, đội vốn rất nhiều. Nhiều sân bay như Cát Bi, Nha Trang vừa làm xong đã xin nâng cấp. Riêng nhà ga Tân Sơn Nhất từ khi giải phóng đến giờ cải tạo 17 lần. Đoạn Pháp Vân – Cầu Giẽ 10 năm qua cải tạo 3 lần. Chủ tịch Hà Nội than phiền với tôi, người dân nói là trong 10 năm qua nhà của họ bị chặt ba lần rồi.

Tôi muốn nói tư duy, tầm nhìn của cơ quan tư vấn, cơ quan quyết định đầu tư, các cơ quan liên quan. Chúng ta có tầm nhìn ngắn quá, toàn cơi nới, mở rộng.

Tư duy như thế làm thiệt hại cho đất nước bao nhiêu tiền, nhưng điều đó chưa nguy hiểm bằng mất cơ hội phát triển. Nếu chúng ta có một hệ thống giao thông đồng bộ, hiện đại thì nền kinh tế sẽ hiệu quả hơn, sức cạnh tranh cao hơn chứ. Thật sự là tôi rất trăn trở.

Tôi được biết, cách đây 8 năm, trước khi Quốc lộ 1 A được mở rộng, ông từng trình bày cả ở bên Đảng và Chính phủ một đề án xây dựng đường cao tốc Bắc Nam vừa được thông qua kỳ trước. Cụ thể việc này như thế nào?

Lúc đó vừa Đại hội X xong, tôi trình bày đề án cần làm đường cao tốc Bắc Nam dài 2.000 km có đầy đủ các phương án vốn ở đâu, làm bằng cách nào. Tôi nhớ từng khẳng định, nếu mở rộng Quốc lộ 1A thì như lấy đá ghè chân mình… Dù được nhiều người ủng hộ song rất tiếc là đề án không được thông qua.

Tôi rất băn khoăn là trước đó còn xem xét đầu tư đường sắt cao tốc Bắc Nam gần 55 tỷ đô la, mà lại bỏ qua đường bộ cao tốc hơn 10 tỷ đô la. Lẽ ra, nếu hồi đó quyết làm thì nay chúng ta đã có cả tuyến  đường bộ cao tốc Bắc Nam rồi.

Thưa bộ trưởng, ông nghĩ như thế nào về chủ trương huy động nguồn lực từ khu vực tư cho phát triển cơ sở hạ tầng?

Chúng ta đã làm được một số công trình BOT tốt, nhưng cũng có một số khuyết điểm, hạn chế nên bây giờ đầu tư của tư nhân chững lại. Nếu các cơ quan, kể cả báo chí không ủng hộ, hay ít nhất là phản ánh một cách khách quan mang tính xây dựng thì rất nguy hiểm. Đây là một chủ trương đúng, chắc chắc chắn chúng ta không thể trông chờ vào đầu tư của riêng nhà nước được. Còn sai ở đâu thì phải sửa, cá nhân sai thì xử lý, luật pháp thiếu thì xây dựng. Nghị định 15 về hợp tác công tư (PPP) sẽ được nâng lên thành luật.

Nhiều lãnh đạo tỉnh nói với tôi giờ họ rất ngại, các bộ cũng thế. Các nhà đầu tư thì vô cùng ngại; ngân hàng làm sao dám cho vay. Chúng ta không thể huy động được vốn trong thời gian tới nếu chúng ta không có cái nhìn tích cực khách quan.

Lấy đá ghè chân

Liên quan đến chuyện phân bổ vốn đầu tư, Bộ trưởng có biết người ta nói cơ quan ông là cơ quan xin cho?

Có người tiếp cận theo cách tiêu cực nói Bộ Kế hoạch và Đầu tư là siêu bộ, là cơ quan xin-cho. Thực chất là công việc được phân công thì chúng tôi làm. Tôi đã nói nhiều lần, cần phải dũng cảm vượt qua chính mình. Vấn đề này rất thấm thía đối với chúng tôi.

Trước đây, Bộ tham gia rất cụ thể, trực tiếp vào việc phân bổ vốn, nhưng bây giờ không còn làm như thế nữa. Hiện nay, chúng tôi chỉ còn thực hiện việc quản lý nhà nước thông qua việc xây dựng các nguyên tắc và tiêu chí phân bổ vốn, báo cáo Chính phủ để trình ra Quốc hội theo kế hoạch đầu tư 5 năm. Trên tiêu chí đó, các bộ ngành địa phương về tự phân bổ cho dự án nào, dự án nào mới, dự án nào tiếp tục, dự án nào dừng. Sau khi bộ ngành địa phương quyết định xong, gửi lại danh sách thì Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm nhiệm vụ là tổng hợp, rà soát lại tiêu chí xem đúng không, nếu đúng thì trình Chính phủ giao vốn. Quy trình này rất khác so với ngày xưa. Cái vượt lên chính mình chính là chỗ đó, vì anh đã từ bỏ quyền lực của anh.

Tôi nói với nhiều anh em: quyền lực hay lợi ích chỉ ở một vài cơ quan, đơn vị, con người nào đó thôi, chứ không phải tất cả anh em ở bộ. Có một vài chuyên viên, cán bộ cấp vụ đang nhầm rất lớn, tưởng rằng ta có quyền rất lớn, cho người này cái này cái kia. Đừng nghĩ như thế. Đừng nhầm để  biến quyền lực của nhà nước, mà thực chất của nhân dân thành quyền lực của cơ quan đơn vị hay cá nhân. Các đồng chí không có quyền, tôi cũng không có quyền đó. Chỉ là một bộ phận rất nhỏ thôi, nhưng nhưng có tư tưởng như thế, tôi chia sẻ rất thật. Tinh thần phải vì cái chung, làm những cái có ích cho đất nước và cho người dân.

Tôi vừa đi thăm hệ thống máy chủ rất đồ sộ quản lý dự án đầu tư công cả nước. Phải nói là rất ấn tượng…

Trước đây chúng tôi quản lý các dự án đầu tư công hoàn toàn bằng thủ công, bằng phần mềm excel. Nhiều cán bộ 11 giờ đêm mới về, đợt cao điểm làm đến 3 giờ sáng, mà kéo dài suốt từ tháng 8 đến tháng 12. Ai cũng chỉ loanh quanh với mấy con số, sai là sửa chóng cả mặt mà chả tạo ra giá trị gì.

Giờ tôi cho xây dựng hệ thống quản lý đầu tư bằng phần mềm, bạn đã thấy. Các bộ, ngành và địa phương báo cáo trực tiếp lên hệ thống, nếu sai là hệ thống báo ngay lập tức. Bây giờ chỉ cần 1 tuần là xong tất cả, không còn cảnh làm đêm.

Cái hay nhất của hệ thống này là không một ai can thiệp được, dù vô tình hay cố ý. Can thiệp là chúng tôi biết ngay. Tôi nói thế để thấy, chúng tôi luôn hướng tới chuyên nghiệp, hiệu quả hơn. Nhưng phải nói thật, bên ngoài cũng có nhiều ý kiến ngược, không đồng tình ủng hộ đâu. Bên trong cũng thế. Nhưng tôi nói, cứ cái đúng mà làm.

Cơ quan cải cách

Làm việc với Bộ gần đây, Thủ tướng đã nhắn nhủ Bộ phải là Bộ cải cách và phát triển. Ông nhìn nhận điều này như thế nào?

Chúng tôi đã chuẩn bị đề án cho việc này. Chúng tôi nghĩ đã đến lúc phải cải tổ lại Bộ theo hướng tập trung vào những vấn đế chiến lược, định hướng phát triển. Thực tế, chúng tôi là bộ tổng hợp, đa ngành, liên quan đến rất nhiều ngành nghề lĩnh vực khác nhau. Chúng tôi phải chịu một áp lực rất lớn là toàn làm những điều mới, những điều đụng chạm.

Tôi luôn nói với cán bộ là cần phải động não xem việc đó có cần không, có tốt cho xã hội, cho đất nước không; nếu cần thì phải thay đổi thế nào, thuyết phục mọi người ra sao.

Con người chúng ta có 5 chức năng mà nhiều người hỏng mất. Đọc – không đọc vì lười. Nghe – không nghe vì vô cảm, có nhiều thứ hay mà không chịu nghe. Nghĩ – không nghĩ, không động não, cái gì đã thành thói quen cứ thế mà làm, vừa nhanh, vừa lành; tư duy đó thì chết, bao nhiêu cái hay của thế giới hay thực tiễn của đất nước thì phải nghĩ để làm làm chứ. Nói – có nhiều người nói mà chẳng có nội hàm nào, lại có người còn không nói được. Cuối cùng là viết. Trước còn viết tay, nhiều người còn viết còn tốt, nay dựa vào máy tính, lười viết, không viết nổi. Khi mới làm bộ trưởng, họp 800 người ở Bộ, tôi yêu cầu mỗi người lấy giấy và bút trả lời ba câu hỏi, đất nước đang như thế nào, bộ phải làm gì, và đơn vị phải làm gì. Tôi muốn kiểm tra trình độ, năng lực và tâm huyết của cán bộ đến đâu. Kết quả là không có bài nào xuất sắc, nhiều bài buồn cười.

Thực tế là chúng tôi phải thay đổi hơn nữa. Tôi ý thức bộ phải có bản lĩnh, nói thật đúng, thật thuyết phục. Đúng rồi thì phải bảo vệ. Còn cứ giữ thái độ thờ ơ, bình bình với sự phát triển của đất nước thì chúng ta còn tụt hậu.