Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Xác định đúng giá trị doanh nghiệp để tránh thất thoát khi cổ phần hoá

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Vấn đề lớn nhất trong công tác định giá doanh nghiệp trước khi cổ phần hóa là xác định giá trị quyền sử dụng đất, theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc.
Toàn cảnh hội thảo “Giải pháp thúc đẩy quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp” (Ảnh: HB)
Toàn cảnh hội thảo “Giải pháp thúc đẩy quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp” (Ảnh: HB)

Phát biểu tại hội thảo “Giải pháp thúc đẩy quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp” diễn ra sáng nay (17/5), Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nhấn mạnh việc đổi mới, cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước là một trong những nhiệm vụ quan trọng của tái cơ cấu nền kinh tế.

Dù việc cổ phần hoá đã đạt nhiều kết quả, song, theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, công tác này vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế, cần tham vấn ý kiến của các chuyên gia, đặc biệt là các lãnh đạo tập đoàn kinh tế và lãnh đạo địa phương để có hướng tháo gỡ.

“Riêng năm 2021, Quốc hội đề ra mục tiêu thu từ cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp Nhà nước là hơn 40.000 tỉ đồng, nhưng hết năm thu chưa đầy 3.000 tỉ đồng”, ông Phớc nói.

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, nguồn thu từ cổ phần hóa, thoái vốn năm 2022 nhiều khả năng sẽ không đạt mục tiêu bởi việc cổ phần hóa, thoái vốn cũng đang rất chậm.

Ông Hồ Đức Phớc đánh giá, việc xác định giá trị doanh nghiệp trước khi cổ phần hóa hiện không chính xác, thường thấp hơn giá trị thực, gây thất thoát, lãng phí, nổi bật là sai lệch lớn trong việc xác định giá trị quyền sử dụng đất.

“Vấn đề xác định giá trị quyền sử dụng đất có nhiều quan điểm. Nếu tiền thuê hàng năm thì không tính vào giá trị doanh nghiệp, còn tiền thuê đất 1 lần lại được xác định vào giá trị doanh nghiệp, điều này gây khó khăn trong công tác định giá doanh nghiệp trước cổ phần hóa”, ông Phớc nói.

Đối với việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất, Bộ trưởng cũng chỉ ra nhiều vướng mắc về quy định pháp luật như Nghị định 140 năm 2020 chưa nói rõ việc có cho chuyển đổi hay không khiến địa phương lúng túng khi triển khai. Theo ông Phớc, vấn đề này cần được nhận diện chính xác, làm rõ cốt lõi của vấn đề để tham mưu Chính phủ sửa đổi nhất quán về luật pháp.

Bộ trưởng cũng chỉ rõ tồn tại về việc sắp xếp nhà đất chưa có quy định rõ ràng, như xác định lợi thế thương mại, xác định quyền sử dụng đất trong liên danh liên kết…

Bên cạnh đó, vai trò của người đứng đầu doanh nghiệp nhà nước thời gian qua quyết tâm chưa cao nên tiến độ chưa đạt yêu cầu… Đây cũng là vấn đề cần tìm giải pháp.

"Đối với các doanh nghiệp đang làm ăn hiệu quả, có nên tiếp tục tái cơ cấu, cổ phần hóa hay không (!?). Khi cổ phần hóa, thoái vốn, có nên giữ lại vốn Nhà nước dưới 55% hay bán hết (!?)", Bộ trưởng Bộ Tài chính đặt vấn đề.

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, đây là những vấn đề cần nghiên cứu, bàn bạc, tìm giải pháp.

“Bộ mong muốn nhận được những ý kiến để tập hợp, nghiên cứu, trình Chính phủ ban hành chính sách thúc đẩy cổ phần hóa, tăng năng lực sản xuất, phát triển doanh nghiệp hiệu quả, bền vững”, ông Hồ Đức Phớc nhấn mạnh./.