Bộ trưởng Cao Đức Phát: Không kỳ vọng giá thu mua cao mãi được

Sáng nay 11-6, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát đăng đàn đầu tiên trả lời chất vấn trước Quốc hội.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát

Đăng đàn trả lời chất vấn đầu tiên, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát tập trung trả lời vào các vấn đề về nông thôn mới, giải pháp đầu ra ổn định các loại nông nghiệp, liên kết “bốn nhà” trong việc phát triển bền vững loại cây công nghiệp và các sản phẩm có liên quan, khả năng hỗ trợ khai thác nguồn lợi thủy hải sản, nhất là bảo vệ phát triển ngư trường trong tình hình phức tạp hiện nay. Tổng cộng đã có 26 câu hỏi của 14 đại biểu quốc hội gởi đến chất vấn vị bộ trưởng.  

Với câu hỏi của đại biểu Nguyễn Minh Hoàng (Cà Mau) về vấn đề liên kết "bốn nhà" (nhà nước, nhà khoa học, nhà nông và nhà doanh nghiệp) chưa phát huy được tác dụng, tình trạng "được mùa mất giá" ngày một lan rộng ở nhiều sản phẩm nông sản, ông Phát tỏ ra rất lúng túng, thậm chí "ngắc ngứ" nhiều lần cho phần trả lời của mình. 

Bộ trưởng Phát cho rằng nền nông nghiệp trong nước đang thực hiện theo  cơ chế thị trường nên tổ chức sản xuất nông nghiệp cũng phải phù hợp với cơ chế thị trường và phải định hướng sản xuất phù hợp với thị trường thế giới.

"Mà thị trường thế giới thì luôn có sự thay đổi. Chúng ta không thể kỳ vọng luôn có một thị trường ổn định về giá, với mức giá thu mua cao mãi được. Nên cần tìm cách thích ứng với thị trường", ông Phát phân trần.

Ông Phát khẳng định: "Hơn 20 năm qua nông nghiệp nước ta liên tục phát triển với cách tiếp cận nói trên. Và trước diễn biến mới, Việt Nam hội nhập sâu sắc hơn thị trường quốc tế, chúng ta vẫn theo cách tiếp cận này". Nhưng ông Phát cũng thừa nhận cần tiếp tục hỗ trợ nông dân nâng cao chất lượng nông sản, đặc biệt là thị trường có những biến động bất lợi. Một mặt giúp doanh nghiệp tiêu thụ nông sản một cách thuận lợi, mặt khác giúp bà con nông dân duy trì mức giá không giảm quá sâu.

Xuất khẩu gạo thấp cấp, nhập gạo chất lượng cao, trách nhiệm thuộc về ai?

Đại biểu Lê Công Định (Long An) đặt vấn đề xuất khẩu hiện nay chủ yếu là xuất gạo thấp cấp, trung bình. Trong khi nhu cầu nhập khẩu lại muốn nhập loại gạo chất lượng cao. "Để xảy ra tình trạng này trong một thời gian rất dài, trách nhiệm này thuộc về ai? Bộ trưởng có giải pháp gì để người nông dân làm giàu được từ nghề trồng lúa?".

Ông Phát thông tin trong năm 2014, Việt Nam đã xuất khẩu được hơn 1 triệu tấn gạo jasmine trên tổng sản lượng sản xuất 6,5 triệu tấn. Năm tháng đầu năm 2015, cũng đã xuất được trên 500.000 tấn, nên "tương lai chúng ta sẽ nâng được sản lượng xuất khẩu các loại cao cấp, đang từng bước chiếm lĩnh thị trường". 

Giải quyết vấn đề nông nghiệp là đảm bảo lợi ích của 70% đồng bào

Phát biểu khai mạc phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho biết, sự lựa chọn 4 chủ đề để chất vấn và trả lời chất vấn của Quốc hội trong kỳ họp này là rất đúng với thực tế hiện nay.

Quốc hội tập trung vào công nghiệp, nông nghiệp là 2 vấn đề cơ bản của nền kinh tế; Khoa học, Giáo dục là 2 vấn đề quốc sách để tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, đây là những vấn đề chiến lược, giải quyết vấn đề nông nghiệp, nông thôn, nông dân không có mục đích gì khác là nhằm bảo đảm lợi ích của trên 70% đồng bào. Giải quyết được vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn, vấn đề công nghiệp cho nông thôn là nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, giảm giá thành, qua đó thu nhập của người dân lợi hơn, đời sống nâng cao hơn.

Ông đề nghị các đại biểu đặt câu hỏi thì đi thẳng vào vấn đề, ngắn, gọn, rõ.

Ông cũng đề nghị Bộ trưởng, thành viên Chính phủ trả lời thẳng vào vấn đề, đưa ra được kiến giải, giải pháp thiết thực, hiệu quả, nêu rõ nhiệm vụ, trách nhiệm, giải pháp, thời gian thực hiện, và có như vậy Quốc hội mới ban hành được nghị quyết về chất vấn bảo đảm chất lượng.

Theo Tuổi trẻ