Bộ trưởng Bộ Y tế: Tiềm ẩn nguy cơ gia tăng F0 sau Tết, dịch lây lan trong cộng đồng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, việc cả nước mở cửa lại các hoạt động, phục hồi kinh tế tiềm ẩn nguy cơ gia tăng số ca nhiễm bệnh sau Tết, dịch lây lan trong cộng đồng, trong đó có biến chủng Omicron.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long (Ảnh - Nhật Bắc/VGP)
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long (Ảnh - Nhật Bắc/VGP)

Số ca mắc mới, chuyển nặng, tử vong có xu hướng giảm

Người đứng đầu Bộ Y tế cho hay: Trong 5 ngày nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần (29/1 - 2/2), trung bình mỗi ngày cả nước có khoảng 12.200 ca mắc COVID-19 và 100 ca tử vong (thấp hơn so với tuần trước đó, mỗi ngày ghi nhận khoảng 15.300 ca mắc và 140 ca tử vong).

So với tuần trước, số ca tử vong trong tuần giảm 22%, số ca đang điều trị tại bệnh viện giảm 15,1% và số ca nặng, nguy kịch giảm 22,4%.

Bác sĩ chăm sóc cho bệnh nhân COVID-19 (Ảnh - Minh Thuý)

Bác sĩ chăm sóc cho bệnh nhân COVID-19 (Ảnh - Minh Thuý)

Bộ Y tế nhận định: Dịch COVID-19 cơ bản đang được kiểm soát trên phạm vi cả nước; công tác phòng, chống dịch từng bước đạt những kết quả khả quan. Số ca mắc mới, chuyển nặng, tử vong có xu hướng giảm. Các hoạt động giao thương, đi lại của người dân trong dịp Tết diễn ra thuận lợi. Đây là dấu hiệu tích cực với công tác kiểm soát, phòng, chống dịch trong thời gian tới, tạo điều kiện cho kinh tế - xã hội phục hồi mạnh mẽ.

Tuy nhiên, ông Long cho hay: Việc cả nước đang dần mở cửa lại các hoạt động, phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội tiềm ẩn nguy cơ gia tăng số ca F0 sau dịp Tết, lây lan dịch bệnh trong cộng đồng, nhất là lây nhiễm biến chủng Omicron. Nếu không kiểm soát dịch, số ca mắc mới tăng nhanh, ca mắc bệnh nặng tăng theo thì hệ thống y tế sẽ quá tải dẫn đến nhiều trường hợp tử vong ngoài ý muốn.

Vì thế, Bộ Y tế yêu cầu các địa phương cần giám sát, quản lý chặt chẽ các trường hợp nhập cảnh để bảo đảm an toàn phòng, chống dịch. Cập nhật, tổ chức triển khai các hướng dẫn phòng, chống dịch, chẩn đoán, điều trị người bệnh COVID-19 của Bộ Y tế.

Ngoài ra, các dịch bệnh khác đang được kiểm soát tốt, không ghi nhận ca tử vong do sốt xuất huyết, tay chân miệng, sởi, bệnh do liên cầu lợn; không ghi nhận các trường hợp mắc MERS-CoV, cúm A(H7N9), cúm A(H5N1), cúm A(H5N6), bại liệt.

30 tỉnh, thành đã tiêm 782.000 liều vaccine COVID-19

Trong 5 ngày nghỉ Tết, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, cả nước đã thực hiện chiến dịch tiêm chủng mùa Xuân. Kết quả, hơn 782.000 liều vaccine COVID-19 đã được tiêm cho người dân tại 30 tỉnh, thành phố; trong đó có 92.689 liều mũi 2; 339.512 liều bổ sung và 311.221 liều mũi 3 (liều nhắc lại).

Một số địa phương có số liều tiêm chủng cao trong dịp Tết gồm: Thái Bình 102.218 liều, Hưng Yên 78.688 liều, Phú Yên 68.444 liều, Hà Nội 55.306 liều, Phú Thọ 51.578 liều, Bình Thuận 41.235 liều, Gia Lai 35.851 liều, Quảng Nam 35.851 liều, Lâm Đồng 24.765 liều, Long An 22.169 liều,…

Học sinh được tiêm vaccine COVID-19 (Ảnh - Hoàng Anh)

Học sinh được tiêm vaccine COVID-19 (Ảnh - Hoàng Anh)

Sắp tới, Bộ Y tế sẽ tiếp tục tổ chức chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 thần tốc mùa Xuân cho toàn bộ trẻ em và người lớn có chỉ định và đến thời gian tiêm trên quy mô toàn quốc tại tất cả các xã, phường, thị trấn đến hết ngày 28/2.

Theo thống kê của Bộ Y tế, kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 2.315.689 ca nhiễm, đứng thứ 31/225 quốc gia và vùng lãnh thổ; với tỉ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 144/225 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 23.463 ca nhiễm).

Trong đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay), số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 2.308.602 ca, trong đó có 2.099.639 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này gồm: TP. HCM 514.390 ca, Bình Dương 292.953 ca, Hà Nội 142.433 ca, Đồng Nai 99.926 ca, Tây Ninh 88.460 ca.