Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long: Các nguồn vaccine phòng COVID-19 về Việt Nam rất chậm

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Mặc dù Bộ Y tế đã nỗ lực cố gắng tiếp cận các nguồn vaccine phòng COVID-19 để đảm bảo tiêm cho 70% dân số nhằm tạo miễn dịch cộng đồng, nhưng đến nay, các nguồn vaccine về Việt Nam rất chậm.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long làm việc với bà Rana Flowers - Trưởng Đại diện UNICEF Việt Nam - về việc cung ứng vaccine phòng COVID-19 (Ảnh - Trần Minh)
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long làm việc với bà Rana Flowers - Trưởng Đại diện UNICEF Việt Nam - về việc cung ứng vaccine phòng COVID-19 (Ảnh - Trần Minh)

Đây là ý kiến của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long tại buổi làm việc với bà Rana Flowers - Trưởng Đại diện UNICEF Việt Nam – về việc tăng cường trao đổi với COVAX để cung ứng vaccine phòng COVID-19 về Việt Nam càng sớm càng tốt.

Nỗ lực tiếp cận nguồn vaccine

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết: Việt Nam đang đối mặt với đợt dịch COVID-19 thứ 4 với biến chủng Delta của SARS-CoV-2 có khả năng lây lan nhanh và rộng. Vì thế, Việt Nam đang quyết liệt chỉ đạo các biện pháp phòng, chống dịch để sớm ổn định tình hình.

Một trong những ưu tiên trong phòng chống COVID-19 của Việt Nam là có vaccine phòng COVID-19 sớm và thực hiện bao phủ tiêm chủng rộng hơn cho người dân. Song song với nỗ lực tìm kiếm, đàm phán và trao đổi với các đối tác, nhà sản xuất vaccine để đưa vaccine về Việt Nam, Bộ Y tế và các bộ, ngành liên quan cũng phát triển vaccine trong nước để dần đảm bảo tự chủ vaccine và tham gia cơ chế cung ứng vaccine toàn cầu của COVAX.

“Mặc dù Bộ Y tế đã và đang nỗ lực cố gắng tiếp cận các nguồn vaccine để đảm bảo từ nay đến cuối năm tiêm đủ 70% dân số nhằm tạo miễn dịch cộng đồng, nhưng đến thời điểm hiện tại các nguồn vaccine về Việt Nam rất chậm” – ông Long nói.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long (Ảnh - Trần Minh)

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long (Ảnh - Trần Minh)

Chính vì thế, Bộ Y tế đã làm việc với COVAX và gửi thư tới UNICEF mong muốn UNICEF tăng cường thúc đẩy, trao đổi với COVAX để các nguồn vaccine phòng COVID-19 về Việt Nam nhanh nhất, nhiều nhất.

Lắng nghe ý kiến của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, bà Rana Flowers cho hay: Các đợt vaccine chuẩn bị chuyển về cho các quốc gia tham gia được cung ứng bởi một cơ sở sản xuất mới đang được xem xét phê duyệt đưa vào danh sách sử dụng trong trường hợp khẩn cấp của WHO. Ngay sau khi được phê duyệt, các liều vaccine này sẽ được chuyển về cho các quốc gia bao gồm Việt Nam vào tháng 7.

Về việc đặt hàng mua dây chuyển lạnh bảo quản vaccine phòng COVID-19, bà Rana Flowers cho biết: Lô hàng 1.910 tủ lạnh công suất lớn sẽ được chuyển về Việt Nam trong cuối tháng 7. Đây là đợt trang thiết bị đầu tiên trong gói hỗ trợ dây chuyền lạnh thông qua ngân sách hỗ trợ của Chính phủ Australia. Cùng với đó, UNICEF cyngxx đã đặt hàng 5 xe tải lạnh chuyên dụng vận chuyển vacicne và lô hàng này cũng sẽ về Việt Nam trong tháng 8 và 9. Song song đó, UNICEF đã đặt hàng và sẽ sớm chuyển cho Việt Nam 5 triệu bơm kim tiêm bằng đường hàng không.

Bà Rana Flowers - Trưởng Đại diện UNICEF Việt Nam (Ảnh - Trần Minh)

Bà Rana Flowers - Trưởng Đại diện UNICEF Việt Nam (Ảnh - Trần Minh)

Trẻ em là đối tượng ưu tiên hàng đầu trong phòng, chống COVID-19

Trước sự quan tâm của Trưởng Đại diện UNICEF Việt Nam về vấn đề cách ly đối với trẻ em để phòng, chống COVID-19, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long chia sẻ: Cách ly chống dịch là bài học kinh nghiệm trong chống dịch COVID-19 của Việt Nam. “Một trong những bài học thành công của Việt Nam trong phòng chống dịch là cách ly tập trung. Đối với đợt dịch này, chủng virus Delta có tính chất lây lan nhanh, tất cả các thành viên trong gia đình (bao gồm cả người cao tuổi có bệnh mãn tính) có thể đều bị lây nhiễm nếu như có nguồn lây trong gia đình. Do đó, Bộ Y tế chọn cách ly tập trung để ngăn chuỗi lây nhiễm trong cộng đồng, bảo vệ sức khoẻ cho cộng đồng” – ông Long nói.

Trẻ nhỏ ở khu cách ly phòng, chống COVID-19 (Ảnh - BYT)

Trẻ nhỏ ở khu cách ly phòng, chống COVID-19 (Ảnh - BYT)

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, trẻ em luôn là đối tượng được ưu tiên ở Việt Nam, tất cả mọi vấn đề về chăm sóc, chi phí cách ly,…đều được nhà nước bảo trợ. Mới đây, Bộ Y tế đã điều chỉnh quy định cách ly, theo đó trẻ em dưới 5 tuổi được thực hiện cách ly tại nhà. Đối với trẻ em trên 5 tuổi, tới đây sẽ có người nhà hoặc người bảo trợ cách ly cùng.

“Bộ Y tế sẽ điều chỉnh quy định về cách ly đối với trẻ em phù hợp với thực tiễn phòng chống dịch, đồng thời, tôn trọng quyền trẻ em theo công ước quốc tế. Bên cạnh đó, Bôk Y tế cũng mong muốn tiếp cận vacicne phòng COVID-19 của Pfizer để có thể tiêm cho trẻ em Việt Nam từ 12-18 tuổi”- ông Long khẳng định.