Bộ trưởng Bộ Y tế: Hơn 100 triệu liều vaccine phòng COVID-19 sẽ về Việt Nam từ nay đến cuối năm

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Để đáp ứng nhu cầu tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân, từ nay đến cuối năm, 103,4 triệu liều vaccine phòng COVID-19 sẽ về đến Việt Nam.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long (Ảnh - Dương Giang)
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long (Ảnh - Dương Giang)

Thông tin trên được Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đưa ra tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 diễn ra vào sáng nay, ngày 11/9.

Tăng tốc tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân

Thông tin về tình hình tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết: Hiện Việt Nam đã nhận hơn 34 triệu liều vaccine phòng COVID-19, đã tiêm được hơn 27 triệu liều (số vaccine chưa tiêm còn lại tập trung tại một số địa phương đơn vị, trong đó có khoảng 2 triệu liều mới được phân bổ từ ngày 8/9).

Người dân được tiêm vaccine phòng COVID-19 (Ảnh - SYT HN)

Người dân được tiêm vaccine phòng COVID-19 (Ảnh - SYT HN)

Về tốc độ tiêm ít nhất 1 liều vaccine cho nhóm người từ 18 tuổi trở lên tại các địa phương, Bộ Y tế cho biết TP.HCM đã tiêm 7,4 triệu liều (đạt 100%); Bình Dương đã tiêm 1,5 triệu liều (đạt 82%); Đồng Nai đã tiêm 1,3 triệu liều (đạt 60%); Long An đã tiêm 1,5 triệu liều (đạt 100%); Hà Nội tiêm 4,4 triệu liều (đạt 77%). Riêng số mũi 2 đã tiêm được tại TP.HCM là 896.835 liều (13%) và Hà Nội là 555.481 liều (10%).

Dự kiến từ nay đến cuối năm sẽ có khoảng 103,4 triệu liều vaccine phòng COVID-19 về Việt Nam. Bộ Y tế đã và đang đàm phán và trao đổi với các đơn vị để cung ứng vaccine cho năm 2022 theo nguyên tắc đảm bảo tiêm đủ cho toàn bộ dân số từ 5 tuổi trở lên và thực hiện việc tiêm nhắc lại theo hướng dẫn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).

Đẩy nhanh tiến độ nhập khẩu 1,7 triệu liều thuốc Remdesivir

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, Bộ Y tế đang đẩy nhanh tiến độ nhập khẩu thuốc Remdesivir (1,7 triệu liều) để điều trị cho các bệnh nhân mắc COVID-19 mức độ trung bình, nặng, đồng thời, tiếp tục nhập các thuốc điều trị khác cho các bệnh nhân nặng, giảm tỉ lệ tử vong.

Bộ Y tế đã chỉ đạo hệ thống các công ty dược nhập các nguyên liệu và chủ động sản xuất để chuẩn bị cho chiến lược phòng, chống dịch bệnh lâu dài, triển khai chương trình điều trị có kiểm soát tại cộng đồng với tổng cộng 129.820 người bệnh tham gia, bước đầu đã có kết quả khả quan, giảm nhanh nồng độ vi rút ở người mắc sau điều trị.

Thuốc Remdesivir điều trị COVID-19 (Ảnh - ABC Chicago)

Thuốc Remdesivir điều trị COVID-19 (Ảnh - ABC Chicago)

Về công tác điều trị, đến nay, số ca khỏi bệnh là 338.000 ca (chiếm 59% số mắc); số ca đang theo dõi là 231.426 ca, trong đó điều trị tại bệnh viện 96.839 ca(41,7%), tại khu cách ly tập trung là 52.791 ca (chiếm 22,8%), điều trị tại nhà là 82.246 ca (35,5%). Tỉ lệ tử vong tại các tầng điều trị đã giảm rõ rệt, đặc biệt tại tầng 3 của các Trung tâm hồi sức tích cực; có 28 tỉnh chưa có ca tử vong.

Hiện, các trạm Y tế lưu động tại TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai đã phát huy hiệu quả. TP. HCM đã xây dựng và vận hành 520 trạm y tế lưu động, quản lý 76.352 người nhiễm và 41.740 trường hợp F0 sau xuất viện tiếp tục cách ly, theo dõi tại nhà; lập thêm các tổ, đội, nhóm chăm sóc người nhiễm dựa vào cộng đồng góp phần giảm tải cho các cơ sở điều trị và giảm tử vong.

Bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng

Về công tác xét nghiệm, Bộ trưởng Bộ Y tế thông tin: Trong tuần qua, cả nước đã tiến hành xét nghiệm RT-PCR cho 5,2 triệu lượt người. So với tuần trước, số lượt người được xét nghiệm tăng 7,4%, chủ yếu tại Hà Nội và TP. HCM. Tỷ lệ xét nghiệm trên 1 triệu dân của Việt Nam đứng thứ 107/223 trên thế giới.

So với tuần trước, tỉ lệ ca dương tính trên tổng số người xét nghiệm trong cộng đồng trong cả nước giảm từ 1,9% xuống còn 1,6%. Một số tỉnh có số mắc cao, tỷ lệ này cũng giảm mạnh: TP HCM giảm từ 3,7% xuống 1,4%, Long An giảm từ 2% xuống 0,5%, Tiền Giang giảm từ 1,2% xuống 0,2%.

Xét nghiệm đối với các vùng có nguy cơ cao, nguy cơ rất cao (vùng cam, vùng đỏ): Các địa phương đã triển khai xét nghiệm cơ bản đạt tiến độ theo yêu cầu, TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Long An, Đồng Nai các vùng đỏ đã được quét xét nghiệm đến lần thứ 3 và tỷ lệ hiện nhiễm qua 3 vòng xét nghiệm đã giảm rõ rệt. Riêng Quận 7, Củ Chi, Cần Giờ tại TP.HCM gần như không phát hiện thêm ca nhiễm mới sau 5 vòng xét nghiệm.

“Việc xét nghiệm toàn dân trên diện rộng đã bóc tách được các ca nhiễm ra khỏi cộng đồng đồng thời phát hiện sớm nguồn lây nhiễm để cách ly, khoanh vùng, dập dịch kịp thời; không để tiếp tục lây lan trong cộng đồng; tránh việc giãn cách kéo dài trên phạm vi rộng, ảnh hưởng đến đời sống người dân”- ông Long nói.