Bộ Tài chính đang tìm đường ra cho trái phiếu chính phủ

Bộ Tài chính đang tìm cách gỡ khó cho kênh huy động vốn bằng trái phiếu Chính phủ nhằm giảm bớt tác động của Thông tư số 36/2014/TT-NHNN. 
Hội nghị thành viên thị trường trái phiếu chính phủ diễn ra đầu năm 2015. Ảnh: Hiệp hội Thị trường trái phiếu - VBMA
Hội nghị thành viên thị trường trái phiếu chính phủ diễn ra đầu năm 2015. Ảnh: Hiệp hội Thị trường trái phiếu - VBMA

Bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính thuộc Bộ Tài chính trao đổi vấn đề trên với TBKTSG Online qua email.

Bà Hiền cho biết, Thông tư số 36/2014/TT-NHNN có quy định tỷ lệ giới hạn đầu tư vào cổ phiếu, trái phiếu Chính phủ của các tổ chức tín dụng (TCTD) theo hướng chặt hơn so với quy định trước đây. Điều này phần nào tác động tới thị trường vốn, thị trường trái phiếu. Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có đánh giá tác động của thông tư này đối với thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu, và báo cáo Thủ tướng các giải pháp điều chỉnh với mong muốn vừa ổn định tiền tệ, tái cơ cấu đầu tư của các TCTD song cũng phải tạo điều kiện để đẩy nhanh lưu chuyển tiền tệ, phát triển thị trường vốn lành mạnh.

TBKTSG Online: Để đảm bảo nhiệm vụ huy động vốn trái phiếu Chính phủ cho ngân sách Nhà nước, Bộ Tài chính còn có giải pháp nào khác ngoài giải pháp  điều chỉnh Thông tư 36 nói trên, thưa bà?

- Bộ Tài chính cũng đang tập trung vào các giải pháp khác như đa dạng hóa công cụ huy động vốn, trong đó tính đến phát hành trái phiếu nội tệ, trái phiếu ngoại tệ, đa dạng hóa kỳ hạn phát hành trái phiếu Chính phủ; cải tiến quy trình tổ chức phát hành trái phiếu.

Thứ hai là tăng cường các giải pháp kỹ thuật tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các thành viên tham gia thị trường trái phiếu Chính phủ như rút ngắn thời gian đăng ký lưu ký niêm yết trái phiếu Chính phủ, tăng cường cơ sở hạ tầng cho giao dịch trái phiếu trên thị trường thứ cấp.

Thứ ba là làm tốt công tác thông tin tuyên truyền, đối thoại chính sách với các nhà đầu tư để nắm bắt kịp thời những vướng mắc trong triển khai thực hiện.

Thứ tư là tiếp tục phối hợp với NHNN trong việc hoạch định, thực thi chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ phù hợp nhằm ổn định kinh tế vĩ mô.

Bộ Tài chính và NHNN đã có sự phối hợp như thế nào trong thời gian qua để thúc đẩy phát hành trái phiếu Chính phủ?

- Từ năm 2012, NHNN và Bộ Tài chính đã ký kết thỏa thuận hợp tác, trong đó phối hợp trao đổi và chia sẻ thông tin trong việc xây dựng và ban hành các chính sách, giải pháp về tài khóa và tiền tệ trong từng thời kỳ nhằm thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế xã hội đã được Quốc hội, Chính phủ quyết định. Đồng thời, giữa hai cơ quan có sự phối hợp trong việc điều hành hoạt động cũng như trong công tác quản lý giám sát thị trường tiền tệ và thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu.

Vấn đề ở đây là cần xác định vai trò của các TCTD khi tham gia thị trường vốn, thị trường trái phiếu. Việc các ngân hàng thương mại tham gia thị trường vốn, thị trường trái phiếu Chính phủ phù hợp với thông lệ quốc tế vì đây là các tổ chức tài chính, là các nhà đầu tư tổ chức quan trọng nhất trong hệ thống tài chính. Khi có nguồn vốn nhàn rỗi, các ngân hàng thương mại mua trái phiếu Chính phủ để sử dụng vốn một cách hiệu quả; khi cần tiền, họ bán trái phiếu trên thị trường thứ cấp hoặc chiết khấu tại NHNN.

Việc NHNN chiết khấu các giấy tờ có giá (bao gồm cả trái phiếu Chính phủ) là chức năng của ngân hàng trung ương, không có nghĩa là cơ quan này bơm vốn cho các TCTD để đầu tư trái phiếu Chính phủ. Do đó, Bộ Tài chính và NHNN sẽ tiếp tục đánh giá và có biện pháp phối hợp giữa chính sách tiền tệ (chính sách lãi suất, tỷ giá, công tác phát hành tín phiếu của NHNN) với chính sách tài khóa (bao gồm cả việc tập trung nguồn thu, kiểm soát chi, công tác huy động vốn cho ngân sách Nhà nước) của Bộ Tài chính để thực hiện các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô do Quốc hội đặt ra.

Việc Bộ Tài chính vừa bán cho Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) một tỉ đô la Mỹ trái phiếu Chính phủ liệu có mở đường cho các giao dịch tương tự hay không?

- Đây là trái phiếu Chính phủ phát hành trong nước bằng ngoại tệ được thực hiện theo quy định tại Luật Quản lý nợ công, Nghị định số 01/2011/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư số 17/2012/TT-BTC hướng dẫn việc phát hành trái phiếu Chính phủ tại thị trường trong nước. Việc phát hành trái phiếu bằng ngoại tệ tại thị trường trong nước được xem là một trong các hình thức huy động vốn cho ngân sách nhà nước và cho đầu tư phát triển.

Liệu chúng ta có đạt kế hoạch phát hành trái phiếu để huy động vốn cho ngân sách năm nay hay không? Nếu không, Bộ Tài chính có điều chỉnh lại chỉ tiêu kế hoạch phát hành trái phiếu chính phủ hay không?

Tính đến ngày 15-5-2015, tổng khối lượng trái phiếu Chính phủ huy động mới đạt 26,7% kế hoạch năm 2015, so với cùng kỳ năm trước đã giảm 48,3%.

Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) cho biết, trong tháng 5-2015, HNX tổ chức 24 phiên đấu thầu, huy động được 3.818 tỉ đồng trái phiếu. So với tháng trước đó, khối lượng trái phiếu huy động giảm 55,2%. Lãi suất trúng thầu cao nhất của kỳ hạn năm năm giảm khoảng 0,08 điểm phần trăm/năm, lãi suất kỳ hạn 15 năm tăng 0,28 điểm phần trăm/năm so với tháng 4.

Kể từ đầu năm 2015 đến ngày 11-6-2015, Kho bạc nhà nước đã huy động được gần 70.000 tỉ đồng qua kênh trái phiếu Chính phủ.

Tính chung các kỳ hạn, tỷ lệ trúng thầu trong các đợt phát hành vài tháng qua ở mức khá thấp, tiếp tục cho thấy sự khó khăn trong việc huy động vốn của ngân sách qua kênh trái phiếu Chính phủ. Thị trường dự đoán nhiều khả năng Kho bạc nhà nước sẽ sớm tăng lãi suất nhằm giúp các đợt đấu thầu sắp tới thành công hơn, phần nào giảm áp lực cho bội chi ngân sách.

Theo TBKTSG