Bộ sách Cánh diều có sách điện tử và phim, chú trọng rèn nhân cách cho học sinh

VietTimes – Bộ sách Cánh diều ngoài sách giấy có đính kèm sách điện tử với rất nhiều phim hoạt hình dành cho trẻ, như một kịch bản hoạt động để rèn kỹ năng, nhân cách cho học sinh.
GS Nguyễn Minh Thuyết có buổi trao đổi với 220 giáo viên đến từ nhiều trường tại TP.HCM về bộ sách Cánh diều (Ảnh: Hòa Bình)
GS Nguyễn Minh Thuyết có buổi trao đổi với 220 giáo viên đến từ nhiều trường tại TP.HCM về bộ sách Cánh diều (Ảnh: Hòa Bình)

Sáng nay 30/7/2020, tại trường Tiểu học Phạm Hữu Lầu (Quận 7, TP.HCM) GS. Nguyễn Minh Thuyết có buổi trao đổi với 220 giáo viên đến từ nhiều trường tại các quận 1, quận 4, quận 7, quận Tân Bình… trên địa bàn TP.HCM về bộ sách Cánh diều.

Bộ sách Cánh diều ngoài sách giấy còn có sách điện tử đính kèm với rất nhiều phim hoạt hình, đưa ra hai phương pháp: tiếp cận mục tiêu và tiếp cận đối tượng học.

GS. Nguyễn Minh Thuyết khái quát: “Quan điểm của các tác giả biên soạn bộ sách Cánh diều là các tác giả tiếp cận chương trình giáo dục phổ thông, chuyển chương trình thành sách giáo khoa tiếng Việt Cánh diều, với hai cách, tiếp cận mục tiêu và tiếp cận đối tượng” – GS Thuyết nói.

Tại buổi tập huấn, GS Thuyết chia sẻ với VietTimes: “Tiếp cận mục tiêu dựa vào mục tiêu của chương trình để lựa chọn, tổ chức nội dung cho phù hợp với học sinh. Quan điểm tiếp cận mục tiêu lấy mục tiêu phát triển năng lực ngôn ngữ, cụ thể là 4 kỹ năng: đọc, viết, nói, nghe làm trục chính để phát triển” – GS Thuyết nhấn mạnh – “Để phát triển kỹ năng và xây dựng nhân cách cho học sinh, bộ sách thống nhất các chủ điểm và chủ đề để phục vụ bồi dưỡng kiến thức đời sống, giáo dục kỹ năng sống và giáo dục các phẩm chất chủ yếu cho học sinh. Mỗi học sinh đều được hoạt động để kỹ năng có thể hình thành và phát triển nhanh chóng”.

GS Nguyễn Minh Thuyết nói về bộ sách Cánh diều (Thực hiện video: Hòa Bình)

“Vì tiêu chí của bộ sách là tiếp cận đối tượng, nghĩa là dựa vào đặc điểm của đối tượng để lựa chọn nội dung học tập phù hợp. Đối tượng học ở đây đã nói và nghe tiếng Việt trước khi vào trường, nên trọng tâm của lớp 1 là phải rèn kỹ năng đọc, viết được chuẩn hóa trước, rồi đến kỹ năng nói, nghe sẽ được tiếp tục phát triển” – GS Thuyết giải thích.

Bộ sách Cánh diều không chỉ là bộ sách giáo khoa cung cấp kiến thức, mà còn giáo dục cho học sinh những phẩm chất chủ yếu và trang bị kỹ năng sống. Được biết bộ sách này đã đến với khoảng 40% học sinh tiểu học trên toàn quốc, trong đó có nhiều tỉnh thành phía Nam như Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Hậu Giang, Cần Thơ… và khoảng 25.000 học sinh tiểu học ở TP.HCM.

“Muốn hình thành và phát triển các năng lực của học sinh một cách vững chắc, không gì hơn là phải đưa học sinh vào các hoạt động. Phải làm sao cho mỗi học sinh đều được hoạt động. Bộ sách Cánh diều như một kịch bản hoạt động để rèn các em những kỹ năng, đồng thời cũng xây dựng nhân cách cho trẻ”.

Buổi trao đổi của GS Nguyễn Minh Thuyết với 220 thầy cô đến từ nhiều trường tại TP.HCM sáng 30/7 (Ảnh: Hòa Bình)
Buổi trao đổi của GS Nguyễn Minh Thuyết với 220 thầy cô đến từ nhiều trường tại TP.HCM sáng 30/7 (Ảnh: Hòa Bình)


“Học sinh là những đối tượng rất đa dạng và học trong những điều kiện rất khác nhau, nên bộ sách Cánh diều mang tính “mở” sẽ giúp thầy cô có thể lựa chọn, phân bổ thời lượng phù hợp với điều kiện của thầy cô và học sinh” – GS Thuyết nói.

GS Thuyết đưa ví dụ về các thần đồng thơ Trần Đăng Khoa hay tài năng toán học Ngô Bảo Châu, là những người đã phát lộ tài năng từ lứa tuổi còn rất nhỏ. Nhưng, ông khẳng định rằng để có được các tài năng như thế, bắt buộc phải có những phương pháp giáo dục đúng, khơi dậy tiềm năng và khắc phục hạn chế của học sinh.

“Khi phụ huynh trao con cho các thầy cô, không khác gì họ đã trao một kho báu chưa được khai mở. Chính thầy cô là người giúp làm cho kho báu được khai mở, định hướng và giúp phát triển, thành đạt và có đóng góp cho xã hội. Còn nếu cứ tiếp tục nền giáo dục “đồng phục” thì sợ rằng sẽ làm cho năng khiếu của học sinh bị cùn mòn đi” – GS Thuyết nhấn mạnh.