Bộ Quốc phòng Nga: Chiến tranh với NATO có thể xảy ra

Nga phải đối mặt với nhiều thách thức địa chính trị, đặc biệt là "xung đột quân sự tiềm năng" với các nước NATO, tình hình khó khăn trong khu vực Biển Azov-Biển Đen.
Lực lượng NATO ngày càng áp sát biên giới Nga
Lực lượng NATO ngày càng áp sát biên giới Nga
Truyền thông đã nắm được một số chi tiết từ báo cáo của Bộ Quốc phòng về việc đánh giá tình trạng an ninh quốc gia của Nga trong lĩnh vực hoạt động hàng hải.
Các tác giả của tài liệu chỉ ra rằng đất nước phải đối mặt với nhiều thách thức địa chính trị, đặc biệt là "xung đột quân sự tiềm năng" với các nước NATO, tình hình khó khăn trong khu vực Biển Azov-Biển Đen, tham vọng chủ quyền của Nhật Bản đối với quần đảo Kuril, cũng như kế hoạch của Na Uy đơn phương xét lại thỏa thuận quốc tế liên quan đến quần đảo Spitsbergen. Một số nguồn thân cận Bộ Quốc phòng đã nói điều này với Kommersant.

Ngoài ra, báo cáo nhấn mạnh rằng, trong quan hệ quốc tế, "vai trò của yếu tố sức mạnh" đang gia tăng. "Do đó, Nga đang tăng cường tiềm năng biển của mình nhằm "răn đe chiến lược" đối với kẻ thù tiềm năng, đó cũng là "yếu tố quan trọng cho sự ổn định quốc tế." Các mối đe dọa đang nổi lên nhất định sẽ được đáp trả, các tác giả báo cáo khẳng định. Tuy nhiên, họ không tin khả năng có "hành động quân sự quy mô lớn" chống Nga từ phía biển và đại dương.

Trong khi đó, trung tướng Ben Hodges chỉ huy quân đội Mỹ tại châu Âu cho rằng các nước châu Âu cần thỏa thuận thành lập một “Schengen quân sự” để kiềm chế Nga hiệu quả hơn.
Theo lời viên tướng Mỹ, khi vận chuyển vũ khí và hàng quân sự qua biên giới các nước châu Âu cần phải có hiệu lực  của quy tắc đặc biệt cho phép điều chuyển lực lượng NATO nhanh chóng hơn.

Tướng Hodges tuyên bố: "Liên minh phải có khả năng di chuyển mau lẹ, thậm chí là nhanh hơn lực lượng vũ trang Nga nếu chúng ta muốn tiềm năng kiềm chế của chúng ta đạt hiệu quả".

Những cáo buộc khẳng định có "mối đe dọa từ Nga" và sự cần thiết phải "kiềm chế" Matxcơva thì trước đây cũng đã nhiều lần vang lên trong phát biểu của các chính trị gia, giới quân sự và truyền thông phương Tây. Theo nhận xét của Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov, trong NATO người ta biết rõ rằng Nga không sửa soạn tấn công bất cứ ai, tuy nhiên liên minh này cần cái cớ để bố trí thêm thiết bị quân sự và lực lượng của họ sát gần biên giới Nga.