Bộ Ngoại giao: Nhóm tàu địa chất Hải Dương 8 đã rời khỏi vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam

VietTimes -- Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết: “Chiều ngày 7/8 nhóm tàu địa chất Hải Dương 8 của Trung Quốc đã dừng khảo sát địa chấn và rời khỏi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa phía đông nam Việt Nam được xác định theo Công ước của LHQ về Luật biển (UNCLOS) 1982. Các cơ quan chức năng của Việt Nam đang tiếp tục theo dõi”.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết nhóm tàu địa chất Hải Dương 8 của Trung Quốc đã dừng khảo sát địa chấn và rời khỏi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa phía đông nam Việt Nam.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết nhóm tàu địa chất Hải Dương 8 của Trung Quốc đã dừng khảo sát địa chấn và rời khỏi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa phía đông nam Việt Nam.

Thông tin này được trao đổi tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao, vừa diễn ra vào chiều nay (8/8).

Người phát ngôn nhấn mạnh, trong thời gian qua, Việt Nam đã nhiều lần bày tỏ ý kiến và triển khai các biện pháp ở các cấp, dưới nhiều hình thức phù hợp với luật pháp quốc tế và Công ước của LHQ về Luật biển 1982.

Trong đó, “Việt Nam luôn nhấn mạnh việc đề nghị các nước tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán phù hợp với luật pháp quốc tế của Việt Nam. Việt Nam luôn thể hiện, khẳng định thiện chí, sẵn sàng thông qua đối thoại, trao đổi với các nước liên quan để  đóng góp vào việc duy trì hòa bình, ổn định, phát triển tại biển Đông cũng như thúc đẩy quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa các quốc gia”, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao cho biết.

Về câu hỏi Việt Nam sẽ có biện pháp gì nếu nhóm tàu Trung Quốc quay lại, bà Hằng khẳng định Việt Nam luôn kiên quyết bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của mình phù hợp với luật pháp quốc tế bằng các biện pháp hòa bình.

Trước đó, trong khuôn khổ hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 52 (AMM-52), Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đã lên án hoạt động của tàu khảo sát HD-08 của Trung Quốc trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam đe dọa nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các quốc gia ven biển, làm xói mòn lòng tin, gia tăng căng thẳng, không có lợi cho hòa bình và ổn định ở khu vực.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh nhấn mạnh: "Tình hình Biển Đông diễn biến phức tạp, trong đó có các hành động đơn phương như quân sự hóa, gia tăng tập trận quân sự, đặc biệt là tàu khảo sát HD-8 của Trung Quốc được các tàu hải cảnh và dân binh hộ tống xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, tiến hành các hoạt động khảo sát trái phép".

Cũng tại đây, ông đề nghị ASEAN giữ vững đoàn kết và tiếng nói chung; tái khẳng định các nguyên tắc và cam kết đối với hòa bình và ổn định; lên tiếng kêu gọi kiềm chế; không có các hành động đơn phương làm phương hại tiến trình đối thoại và hợp tác khu vực, cản trở hoạt động kinh tế hợp pháp của các nước ven biển và nỗ lực xây dựng một COC hiệu lực, thực chất.