Bộ mặt thật của Trung Quốc trên trường quốc tế

Tờ South China Morning Post của Hồng Kông vừa có bài viết "Hình ảnh Trung Quốc trên trường quốc tế ra sao?", chỉ ra rằng, các nước ASEAN cần hết sức cảnh giác với bộ mặt thật của Trung Quốc và những chiến lược trên các mặt trận chính trị, ngoại giao, kinh tế của họ. 
Không loại trừ khả năng Mỹ và Trung Quốc xảy ra xung đột quân sự, thậm chí “Chiến tranh thế giới thứ ba”
Không loại trừ khả năng Mỹ và Trung Quốc xảy ra xung đột quân sự, thậm chí “Chiến tranh thế giới thứ ba”

Hiện tại Trung Quốc đã ý thức được rằng, sự trỗi dậy mạnh mẽ của họ đã khiến các quốc gia trong khu vực cảm thấy bất an. Song song với đó, ông Tập Cận Bình đang cố gắng cải thiện mối quan hệ hai bờ eo biển nên ám thị đã chuẩn bị xong xuôi, có thể triển khai phương thức đối thoại mới trong hoàn cảnh cả hai bên cùng thống nhất.

Để xoa dịu bầu không khí căng thẳng và làn sóng phản đối từ nhiều phía, Bắc Kinh đã cố xây dựng cho mình hình ảnh ôn hòa trước cộng đồng quốc tế, tuy nhiên ở nhiều sự vụ chiến lược quan trọng vẫn quá cứng rắn, dẫn đến nhiều lời chỉ trích. Ví dụ mới nhất là những yêu sách về chủ quyền của Trung Quốc tại biển Đông.

HÌnh ảnh biếm họa đăng trên tờ South China Morning Post 

Từ cấp độ rộng có thể thấy, Đông Nam Á đang phải đối mặt với một Trung Quốc hoàn toàn mới – một quốc gia có thái độ cứng rắn hơn, đồng thời áp dụng nhiều sách lược, ngoài vận dụng biện pháp ngoại giao, còn sử dụng thế mạnh về kinh tế và sức mạnh quân sự.

Ngoài ra, Trung Quốc cũng biết lợi dụng mọi diễn đàn quốc tế quan trọng như Liên hợp quốc, diễn đàn khu vực, thậm chí tự mình xây dựng diễn đàn mới, như Diễn đàn an ninh Hương Sơn để đối chọi với Hội nghị thượng đỉnh An ninh châu Á (Đối thoại Shangri-La) của Singapore. Thế kỷ XXI, khu vực châu Á – Thái Bình Dương sẽ trở thành trung tâm của thế giới, rõ ràng nhiệm vụ hàng đầu hiện nay của Trung Quốc là đối đầu với các quốc gia lân cận với nước này ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Trong bối cảnh này, mới đây, nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã triển khai hàng loạt hoạt động ngoại giao tại Đông Nam Á. Đầu tiên là sang thăm Việt Nam, sau đó lại sang Singapore, tuần này còn tham gia hội nghị thượng đỉnh quan trọng của khu vực – Hội nghị thượng đỉnh APEC tổ chức tại Manila và Hội nghị cấp cao Đông Á tổ chức tại Kuala Lumpur. Trong thời gian diễn ra các cuộc hội nghị này, Trung Quốc đều trở thành đối tượng được quan tâm.

Dường như chiến lược mới nhất của ông Tập Cận Bình bao gồm hai mục tiêu có liên quan. Một là tạo thế cân bằng với chiến lược kiềm chế của Mỹ. Hầu hết các nước châu Á – Thái Bình Dương cho rằng, sở dĩ Mỹ đề ra chiến lược này là do hành vi thách thức tuyên bố chủ quyền phi lý tại biển Đông mà Trung Quốc đưa ra. Điều khiến dư luận cảm thấy bất an nhất là, Trung Quốc đang gấp rút xây dựng các đảo nhân tạo ở những khu vực đang diễn ra sự tranh chấp về chủ quyền.

Thứ hai, Bắc Kinh đề ra mục tiêu lớn hơn – thông qua kế hoạch “Một vành đai, một con đường”, mở rộng không gian phát triển chính trị, ngoại giao và kinh tế cho mình. Trung Quốc đưa ra chiến lược “Một vành đai, một con đường” là để tái cân bằng trật tự thế giới mà Mỹ đóng vai trò chủ đạo.

“Một vành đai, một con đường” có hai nét đáng chú ý: Một là, Đông Nam Á và Nam Á đóng vai trò chiến lược; Hai là cố tình đẩy Mỹ ra rìa.

Một hoạt động ngoại giao quan trọng của ông Tập Cận Bình là tham gia Hội nghị diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) trong tuần này. Ông Tập sẽ tranh thủ tổ chức lại hệ thống thương mại và kinh tế toàn cầu. Một tiêu điểm trong đó là: Sự đối đầu giữa Hiệp định quan hệ đối tác xuyên Thái Bình Dương do Mỹ đóng vai trò chủ đạo và Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) mà Trung Quốc đóng vai trò dẫn dắt.

Liệu ông Tập Cận Bình có định vị lại được cho RCEP, tránh được sự cạnh tranh với TPP, giúp hai hiệp định này bổ trợ được cho nhau, để Hội nghị APEC đạt được mục tiêu cuối cùng, từ đó thực hiện được tham vọng xây dựng khu vực mậu dịch tự do châu Á – Thái Bình Dương?

Đây là điểm đáng chú ý. Xây dựng khu vực mậu dịch tự do lớn nhất châu Á – Thái Bình Dương là mục tiêu lâu dài của APEC từ bấy lâu nay; Một thời gian Trung Quốc tụt hậu trong phương diện mậu dịch tự do, nhưng hiện tại cũng đang tìm mọi cách để xây dựng khu vực mậu dịch tự do trong khu vực. Năm 2014, khi tổ chức Hội nghị APEC, Bắc Kinh đã đưa ra lời đề nghị này. Từ đó có thể thấy, tham vọng của Trung Quốc là không có điểm dừng.

Sau khi tham dự  Hội nghị APEC vào thứ 4 và thứ 5 tuần này, các nhà lãnh đạo sẽ dịch chuyển sang Kuala Lumpur để tham dự Hội nghị Trung Quốc và ASEAN, tiếp đó là Hội nghị cấp cao Đông Á. Dự đoán vấn đề biển Đông sẽ trở thành một trong nội dung quan trọng của chương trình nghị sự.

Vấn đề biển Đông là khủng hoảng mới nhất trong khu vực, có thể sẽ châm ngòi cho cuộc xung đột mới vào bất cứ thời điểm nào. Mỹ là quốc gia đã xác lập độ ảnh hưởng tại châu Á – Thái Bình Dương từ lâu, hiện tại vấp phải sự thách thức lớn từ Trung Quốc tại biển Đông. Các nước châu Á khác cũng vì thế mà bị cuốn vào vòng xoáy đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc, họ cảm thấy vô cùng bất an hoặc lo ngại sẽ bị ảnh hưởng.

Ví dụ mới nhất cho thấy cuộc khủng hoảng trên biển Đông leo thang là Mỹ dựa trên danh nghĩa bảo vệ quyền tự do hàng hải và tự do không phận ở vùng biển này, đưa tàu chiến Lassen và máy bay oanh tạc B-52 vào vùng biển và không phận ở các khu vực Trung Quốc tuyên bố sở hữu chủ quyền một cách phi lý (không được Mỹ và cộng đồng quốc tế công nhận).

Giáo sư Tosh-Minohara của trường Đại học Kobe và một số nhà phân tích bi quan cho rằng, không loại trừ khả năng Mỹ và Trung Quốc xảy ra xung đột quân sự, thậm chí “Chiến tranh thế giới thứ ba” sẽ nổ ra. Giáo sư Tosh-Minohara và một số nhà nghiên cứu cho rằng, chiến lược địa chính trị của Đông Á đang dịch chuyển theo một trật tự mới trong khu vực. Mặc dù cục diện cuối cùng thế nào vẫn là ẩn số, nhưng ông không loại trừ khả năng xuất hiện một cục diện mới: Trung Quốc đóng vai trò chủ đạo trong trật tự thế giới mới.

Trung Quốc đang ủ mưu cân bằng lại trật tự khu vực và toàn cầu, đồng thời đẩy nhanh bước đi của mình trong nhiều phạm trù: Lợi dụng nhiều diễn đàn hợp tác như 5 nước trong khối BRICS và chiến lược “Một vành đai, một con đường” để thực thi chiến lực ngoại giao hòa bình, đồng thời thông qua Ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) và đầu tư nước ngoài (ví dụ nước Anh) để thực thi chiến lược ngoại giao kinh tế.

Tuy nhiên, các nước trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương vẫn đang cố gắng lý giải một hình ảnh cực kỳ mâu thuẫn của Trung Quốc – Thiết lập khu vực nhận diện phòng không ở Đông Á để thể hiện sức mạnh quân sự, đồng thời bất chấp mọi chỉ trích, xây dựng đảo nhân tạo trên biển Đông.

Dưới sự điều hành của nhà lãnh đạo Tập Cân Bình, cái mà thế giới nhìn thấy là hai bộ mặt của Trung Quốc – vừa là đối tác tốt đề cao sự hòa bình, đồng thời cũng là nước lớn cấu thành nên mối đe dọa cho các nước khác. Kế hoạch “Một vành đai, một con đường” của Trung Quốc và thành lập Ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á mặc dù giành được sự ủng hộ, nhưng đồng thời cũng làm mất lòng một số nước trong khu vực, khiến các quốc gia này mất đi lòng tin với Bắc Kinh.

Một số nước ở Đông Nam Á vì thế mà càng cảm thấy bất an, đồng thời nội bộ khu vực xuất hiện những bất đồng lớn. Tháng 11 này, Hội nghị Bộ trưởng quốc phòng ASEAN tổ chức tại Kuala Lumpur, nhưng sau khi kết thúc, hội nghị cũng không ra được tuyên bố chung. Đây là lần thứ hai kể từ năm 2012 xảy ra tình huống này, nguyên nhân là do giữa các nước vẫn tồn tại những bất đồng về vấn đề biển Đông.

Mặc dù Indonesia không phải là nước đưa ra tuyên bố chủ quyền, nhưng cũng tự cảm thấy họ đang bị đe dọa. Jakarta đã cảnh cáo Trung Quốc rằng: Có thể họ sẽ nhờ trọng tài quốc tế can thiệp như Philippines đã làm.

Một thời gian, Malaysia  hết sức nể mặt Trung Quốc, nhưng hiện tại cũng công khai chỉ trích yêu sách phi lý về chủ quyền lãnh thổ của Bắc Kinh. Các nước Đông Nam Á cũng bắt đầu nghi ngờ về mục đích cuối cùng của chiến lược “Một vành đai, một con đường” của Trung Quốc: Rốt cuộc là dự án hợp tác cùng có lợi hay nhằm ý đồ làm suy yếu mối quan hệ đã được củng cố giữa các nước trong khu vực?

Hai tuần tới đây, các nước ASEAN sẽ phải đối mặt với thách thức lớn: Làm thế nào để đoàn kết nhất trí kiểm soát cục dịch để cục diện mới đang xuất hiện trong khu vực không đẩy họ vào tình thế bất lợi. Do đó, cho dù là tại Hội nghị các nhà lãnh đạo ASEAN và Trung Quốc hay Hội nghị cấp cao Đông Á có sự tham gia của Mỹ, khi giải quyết vấn đề này đều cần bàn tay cực kỳ khéo léo . Những vấn đề được đề cập trong các cuộc hội nghị khu vực sắp tới sẽ càng khó giải quyết hơn, đồng thời sẽ đem lại sự ảnh hưởng sâu sắc. 

Theo QPAN