- Bộ trưởng có thể đánh giá về kết quả ngành lao động-thương binh và xã hội đã đạt được trong năm 2016 và nhiệm vụ đặt ra trong năm 2017?
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Năm 2016, ngành lao động-thương binh và xã hội nhận được sự chỉ đạo thường xuyên của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự phối hợp chặt chẽ, ủng hộ của các bộ, ngành, đoàn thể, cùng sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, linh hoạt của Lãnh đạo Bộ, nỗ lực phấn đấu của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, ngành lao động-thương binh và xã hội đã đạt được những kết quả rất tích cực trong triển khai các nhiệm vụ lao động, người có công và xã hội.
Ngay từ đầu năm, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm trong từng lĩnh vực; sâu sát, cụ thể đến từng khâu, từng công đoạn, từng địa bàn, từng đối tượng; tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ lao động, người có công và xã hội thông qua các kế hoạch hành động, chương trình phối hợp công tác; trao đổi ý kiến, cung cấp thông tin, làm việc trực tiếp về các vấn đề liên quan; tổ chức các đoàn thanh, kiểm tra, giám sát thực hiện thường xuyên.
Đồng thời, ngành xây dựng nhiều giải pháp huy động các nguồn lực trong nước và quốc tế để thực hiện tốt các nhiệm vụ đề ra. Nhờ đó, hầu hết các chỉ tiêu kế hoạch năm 2016 đều hoàn thành và vượt mức kế hoạch đề ra từ đầu năm (trừ chỉ tiêu tuyển sinh học nghề); quản lý nhà nước tiếp tục được tăng cường và duy trì tốt trên hầu hết các lĩnh vực của ngành; nhiệm vụ xây dựng, việc ban hành cơ chế, chính sách và hệ thống văn bản quy phạm pháp luật được chú trọng; việc phát triển thị trường lao động, tạo việc làm, đào tạo nghề, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội được triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả.
Năm 2016, cả nước đã giải quyết việc làm cho hơn 1,6 triệu người, trong đó, tạo việc làm trong nước hơn 1,5 triệu người (tăng hơn 1%), xuất khẩu lao động đạt 126.000 người (tăng gần 10%). Ước cả năm tuyển sinh dạy nghề được 1,9 triệu người (đạt 91,8% kế hoạch năm và bằng 99,7% so với thực hiện năm 2015); ước tốt nghiệp học nghề năm 2016 theo các trình độ đào tạo trên 1,8 triệu người (đạt 98,9% so với kế hoạch); tỷ lệ lao động qua đào tạo khoảng 53% (trong đó, có bằng cấp/chứng chỉ đạt 21%).
Tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo cả nước là 15,14%, giảm khoảng 1,3-1,5% so với cuối năm 2015 (còn khoảng 8,58-8,38%); tỷ lệ hộ nghèo các huyện nghèo giảm khoảng 4% (còn khoảng 46,4%), đạt chỉ tiêu Nghị quyết Quốc hội giao...
Năm 2017, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đề ra mục tiêu giải quyết việc làm cho 1,6 triệu người lao động, trong đó, tạo việc làm trong nước cho 1,495 triệu người; xuất khẩu lao động 105 nghìn người. Tỷ lệ tạo việc làm mỗi giới trong tổng số lao động được tạo việc làm đạt tối thiểu 40%; tỷ lệ tham gia bảo hiểm xã hội trong lực lượng lao động đạt 25-27%.
Trong lĩnh vực đảm bảo an sinh xã hội, 99% hộ gia đình chính sách người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của dân cư nơi cư trú; 100% các đối tượng bảo trợ xã hội đủ điều kiện được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng; 82% các đối tượng người khuyết tật được tiếp cận tối thiểu một trong các dịch vụ xã hội; 87% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được trợ giúp; 82% xã, phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em...
- Thưa Bộ trưởng, khi nhận nhiệm vụ vào tháng 4/2016, ông đã phát biểu: "Có nhiều việc người dân đang đợi giải quyết và chúng ta còn nợ dân rất nhiều." Với cương vị là Tư lệnh một ngành liên quan nhiều đến các lĩnh vực đời sống xã hội, Bộ trưởng có thể chia sẻ về "món nợ" đó ở thời điểm hiện nay?
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Câu nói đó xuất phát từ đáy lòng tôi khi nhận trách nhiệm là Bộ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội. Đây là "món nợ" mà tôi cho rằng bất cứ ai giữ cương vị này đều lo lắng. Sau chín tháng nhận nhiệm vụ Bộ trưởng, tôi không ngại nhắc lại "món nợ." Về giải quyết tồn đọng xác nhận người có công với cách mạng, nước ta hiện nay có hơn 8 triệu người có công với cách mạng, nhưng vì nhiều lý do khác nhau, vẫn còn một số nhỏ người có công chưa được hưởng đầy đủ các chính sách như mong muốn của Đảng, Nhà nước; tiếp đó là vấn đề điều chỉnh lương tối thiểu vùng cho người lao động hàng năm, làm sao để hài hòa lợi ích của cả hai bên (giới chủ và người lao động), qua đó tạo sự ổn định, phát triển bền vững...
Trong lĩnh vực giải quyết việc làm, Bản tin Thị trường lao động quý 3/2016 cho biết có 202.300 người có trình độ đại học trở lên thất nghiệp, 122.400 người có trình độ cao đẳng chuyên nghiệp thất nghiệp, 73.800 người có tốt nghiệp trung cấp chuyên nghiệp thất nghiệp. Đó là hệ lụy rất lớn từ việc đào tạo không gắn với nhu cầu việc làm và thị trường lao động.
Để giải quyết tình trạng này, cần tìm kiếm thị trường lao động, tập trung đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo và dạy nghề; dự báo nhu cầu việc làm. Bên cạnh đó, cần tái cơ cấu đổi mới nền kinh tế nhằm phát triển doanh nghiệp, tập đoàn. Có như vậy mới tạo thêm việc làm, giảm tỷ lệ thất nghiệp. Ngoài ra, vấn đề tệ nạn xã hội có chiều hướng gia tăng hay vấn đề xóa đói giảm nghèo áp theo tiêu chuẩn nghèo đa chiều... Tất cả đều là vấn đề "quốc gia đại sự" với người dân mà mọi bộ, ngành và toàn xã hội đều phải chung vai gánh vác, trong đó có trách nhiệm ngành lao động-thương binh và xã hội.
- Vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 76/NQ-CP, trong đó giao cho Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội là cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp. Bộ có giải pháp gì để thực hiện tốt nhiệm vụ này, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp và giao Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội là cơ quan chịu trách nhiệm thực hiện chức năng quản lý Nhà nước lĩnh vực này. Cần hiểu rằng, Chính phủ giao Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp, chứ không phải là Bộ chủ quản của các trường cao đẳng và trung cấp nghề. Các trường nghề, trung tâm giáo dục nghề vẫn thuộc sự quản lý trực tiếp của các bộ, Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố, doanh nghiệp, hội, đoàn thể...
Đồng thời, Chính phủ thống nhất giảm dần sự can thiệp của các bộ, Ủy ban Nhân dân các địa phương vào các cơ sở dạy nghề, từng bước đẩy mạnh tự chủ của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Đây là trách nhiệm nặng nề và Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội phải làm tốt nhiệm vụ này.
Đó là việc tham mưu, xây dựng, triển khai phát triển quy hoạch mạng lưới hệ thống giáo dục nghề nghiệp; ban hành các quy chuẩn đào tạo về chuyên môn, nghiệp vụ; chỉ đạo thanh tra, kiểm tra, xử lý các vi phạm về đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp...
Hiện, Bộ đã chỉ đạo Tổng cục Dạy nghề khẩn trương xây dựng Đề án đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, tập trung vào các vấn đề cốt lõi, như: quy hoạch phát triển mạng lưới; đào tạo phát triển đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên; đổi mới chương trình giảng dạy nghề nghiệp gồm việc học liên thông trong các cơ sở giáo dục nghề, phân luồng học sinh học nghề tới năm 2020, liên kết giáo dục nghề với doanh nghiệp, dự báo thị trường lao động; việc tiếp nhận chuyển giao đưa vào giảng dạy học tập theo 34 chương trình, giáo trình chuẩn quốc tế...
Ngoài ra, Đề án còn hướng tới nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp để người học sau khi học xong, không chỉ có việc làm mà còn có thu nhập cao; giúp những người có đủ điều kiện, có nhu cầu học lên cao, được tiếp tục theo học bằng hình thức liên thông. Xu hướng phát triển mạng lưới dạy nghề là giảm tải, giảm thành lập mới trường công lập, khuyến khích doanh nghiệp, tư nhân đầu tư phát triển dạy nghề, gắn kết chặt chẽ với doanh nghiệp ở mọi khâu đào tạo...
- Xóa đói giảm nghèo là thành tựu rất lớn của Việt Nam trong hơn 15 năm qua, được cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao. Với trách nhiệm là cơ quan thường trực Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020, Bộ trưởng có cảm nhận áp lực trong điều hành công cuộc giảm nghèo giai đoạn mới? Đặc biệt khi áp dụng phương pháp đo lường nghèo từ đơn chiều sang đa chiều?
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Chuẩn nghèo mới là hình thức tiếp cận khác, với yêu cầu cao hơn để nâng cao dân trí, đời sống nhân dân, đặc biệt đối với vùng nông thôn, miền núi. Vì thế, đo lường nghèo theo chuẩn mới tiếp cận đa chiều. Trong bộ tiêu chuẩn này vẫn có tiêu chí về mức thu nhập, tất nhiên phải cao hơn so với tiêu chuẩn cũ; thêm vào đó là các tiêu chí để người nghèo tiếp cận được các dịch vụ cơ bản mà họ còn thiếu hụt như y tế, văn hóa, giáo dục, nước sạch, thông tin... phù hợp hơn với điều kiện phát triển kinh tế-xã hội. Các tiêu chí tiếp cận đo lường nghèo đa chiều này sẽ áp dụng cho giai đoạn 2016-2020.
Xóa đói giảm nghèo là thành tựu rất lớn của Việt Nam trong những năm qua. Dù còn rất nhiều khó khăn nhưng đất nước ta đã đạt được Mục tiêu Thiên niên kỷ (MDGs). Tuy nhiên, bên cạnh đó, công cuộc xóa đói giảm nghèo vẫn còn rất nhiều vấn đề cần phải giải quyết. Qua đánh giá các tiêu chí đã ban hành, tiếp cận tiêu chí nghèo đa chiều, tỷ lệ hộ nghèo của cả nước còn 9,88%, cận nghèo còn 5,22%, 64 huyện nghèo còn trên 50%, có những huyện hộ nghèo tỷ lệ trên 70%. Đó mới thực sự là những thách thức lớn cho những năm tiếp theo khi triển khai Chương trình giảm nghèo bền vững.
Nói không có áp lực thì không đúng, nhưng để hình dung sự gian khó trong quá trình xóa đói giảm nghèo có thể ví như người leo lên đỉnh Fanxipan mà không dùng cáp treo. Đoạn đầu dốc còn thoai thoải, người leo đang hứng khởi, tràn trề sinh lực nhưng chặng còn lại mới là gian khổ, dốc đứng, sức người có hạn, do đó phải rất quyết tâm mới lên tới đỉnh.
Cuộc chiến chống đói nghèo cũng vậy, còn gian nan, ngày càng khó khăn hơn vì có tới 76% hộ nghèo là nghèo thu nhập. Bên cạnh đó, khoảng cách thu nhập giữa đồng bào miền núi, vùng cao với miền xuôi ngày càng giãn ra. Lõi nghèo vẫn tập trung khu vực đồng bào dân tộc, vùng sâu vùng xa, đặc biệt ở vùng Tây Bắc, Tây Nguyên...
Đó là lý do Chính phủ ban hành hai Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo và Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020. Cùng với hai chương trình trên, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội được Chính phủ giao chủ trì hai chương trình Chương trình mục tiêu giáo dục nghề nghiệp-việc làm và an toàn lao động; Chương trình mục tiêu phát triển hệ thống trợ giúp xã hội. Tất cả đều xoay quanh nông thôn, vùng sâu, vùng xa và hướng mạnh vào đồng bào dân tộc miền núi…
- Từ những kinh nghiệm thực tiễn trong công cuộc xóa đói giảm nghèo vừa qua, theo Bộ trưởng, cần có những giải pháp gì để triển khai thực hiện tốt việc giảm nghèo bền vững giai đoạn tới?
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 được xây dựng theo hướng tích hợp hệ thống, tăng cường chính sách cho vay hỗ trợ có điều kiện để các hộ nghèo phát triển sản xuất, giảm tối đa cấp không, khuyến khích hộ nghèo từng bước vươn lên thoát nghèo. Chương trình cũng hướng đến việc nghiên cứu hoàn thiện phương pháp tiếp cận đa chiều, đặc biệt là các tiêu chí thiếu hụt cho phù hợp; tập trung phối hợp với các bộ, ngành xây dựng khung đánh giá nghèo đa chiều theo từng năm, từng giai đoạn. Đây là nhóm vấn đề không đơn giản khi tổ chức triển khai thực hiện...
Thực tiễn giai đoạn vừa qua cho thấy, việc triển khai xóa đói giảm nghèo đã xuất hiện nhiều kinh nghiệm tốt, nhưng cũng nảy sinh một số tồn tại hạn chế. Từng có nhiều năm công tác tại miền núi, tôi nhận thấy: muốn đồng bào miền núi thay đổi nhận thức, thay đổi hành vi cán bộ không nên nói mười, nhưng có khi chỉ làm được một. Phải tạo ra mô hình cụ thể cho đồng bào dân tộc thấy, nói trồng ngô phải có người thực hiện trước để họ xem, thành công rồi mới học theo, việc chăn nuôi cũng vậy, đó là phương thức “cầm tay chỉ việc.” Việc tìm và tạo ra mô hình giảm nghèo bền vững để nhân rộng đóng vai trò rất quan trọng trong giai đoạn tới.
Khi điều hành, chỉ đạo lĩnh vực lao động-thương binh và xã hội, quan điểm của tôi là phải bắt tay vào làm ngay, không chậm trễ, tập trung cao độ tháo gỡ khó khăn vướng mắc... Đó chính là cách tốt nhất để hóa giải các "món nợ" với người dân.
- Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng.