Bộ GTVT: “Số phận” Uber, Grab do UBND các tỉnh, thành phố quyết

VietTimes -- Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ diễn ra vào chiều 3/10, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Ngọc Đông cho biết, Thủ tướng Chính phủ cũng đã đồng ý cho thí điểm Grab và Uber, tuy nhiên về thẩm quyền theo Luật Giao thông đường bộ thì UBND các tỉnh, thành phố sẽ quyết định dừng cấp hay tiếp tục cấp phép loại hình vận tải Grab, Uber trên địa bàn.
Ảnh minh họa: Dân trí.
Ảnh minh họa: Dân trí.

Thứ trưởng Đông cho biết, loại hình vận tải có sử dụng các công nghệ đã được phổ biến ở Việt Nam nhiều năm nay, hiện nay đã có 10 hãng áp dụng công nghệ kết nối đưa vào khai thác dịch vụ vận tải.

Vấn đề này Thủ tướng Chính phủ cũng đã đồng ý cho thí điểm, tuy nhiên về thẩm quyền theo Luật Giao thông đường bộ thì UBND các tỉnh, thành phố có chức năng, nhiệm vụ quản lý giao thông trên địa bàn trong đó có phát triển hạ tầng giao thông, tổ chức quản lý giao thông, quản quy hoạch giao thông về phát triển hạ tầng, quản lý về lượng xe, tổ chức các loại hình vận tải. Từ đó các địa phương sẽ xác định được lượng xe phân bổ phù hợp nhất cho phát triển giao thông đô thị của mỗi địa phương.

Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Ngọc Đông khẳng định, “việc kiểm soát số lượng cho từng loại hình giao thông nào thuộc thẩm quyền của địa phương, vì vậy đây là kiến nghị của Hiệp hội taxi Hà Nội thì các địa phương phải xem xét và tùy theo điều kiện hạ tầng giao thông để quyết định dừng cấp hoặc tiếp tục cấp trên cơ sở đáp ứng được nhu cầu đi lại, quy hoạch và điều kiện hạ tầng của từng địa phương”.

Mới đây, Hiệp hội taxi Hà Nội đã có văn bản gửi các bộ ngành báo cáo về kế hoạch thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng, kiểu như Grab, Uber.

Theo đó, Hiệp hội kiến nghị cho dừng khẩn cấp kế hoạch thí điểm trong tháng 9/2017, đồng thời tiến hành tổng kết đánh giá các hệ lụy của kế hoạch thí điểm được cho là đang gây ra nhiều bất an cho xã hội.

Hiệp hội taxi Hà Nội cho rằng, bản chất của Uber, Grab là kinh doanh dịch vụ phần mềm tham gia hoạt động vận tải là loại hình kinh doanh có điều kiện (xe dưới 9 chỗ hoạt động như taxi). Uber, Grab phải thành lập công ty tại Việt Nam, có giấy phép cung cấp dịch vụ hoạt động vận tải và tuân thủ các điều kiện kinh doanh vận tải tại Việt Nam.

Hiệp hội kiến nghị việc quản lý đối với xe kinh doanh vận tải hành khách đến 9 chỗ ngồi ứng dụng công nghệ thông tin như taxi về số lượng, chất lượng, phạm vi hoạt động và đưa vào trong quy hoạch vận tải hành khách bằng taxi tại Hà Nội đến năm 2030. Theo Hiệp hội taxi Hà Nội việc không giới hạn số lượng xe của đề án đã làm cho số xe hoạt động như taxi tăng vọt, ùn tắc giao thông là điều khó tránh khỏi.

Tại Hà Nội hiện có 19.265 taxi và khoảng 25.000 xe hợp đồng hoạt động như taixi. Trong khi đề án quy hoạch đến năm 2020 mới là 25.000 xe và 2030 là 30.000 xe.

Được biết, Sở Giao thông vận tải TP. HCM cũng vừa đề xuất các giải pháp quản lý loại hình kinh doanh xe hợp đồng điện tử lên UBND TP.HCM, trong đó có đề nghị Uber, Grab tạm ngưng kết nối thêm xe mới.