Bộ Công thương bác tin Mỹ và EU ngưng nhập khẩu dệt may Việt Nam

VietTimes -- Bộ trưởng Bộ Công thương, ông Trần Tuấn Anh, khẳng định chưa có bất kỳ hạn chế nào từ Mỹ, EU về việc nhập khẩu hàng dệt may từ Việt Nam. Việc hủy, hoãn đơn hàng chỉ là quyết định của một số doanh nghiệp khi thị trường khó khăn vì dịch Covid-19.
Ông Trần Tuấn Anh - Bộ trưởng Bộ Công thương (Ảnh: moit.gov.vn)
Ông Trần Tuấn Anh - Bộ trưởng Bộ Công thương (Ảnh: moit.gov.vn)

Theo truyền thông trong nước, chiều ngày 20/3, Bộ Công thương đã tổ chức cuộc họp nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp dưới tác động của dịch Covid-19.

Các báo cáo tại cuộc họp cho thấy, ngành dệt may chịu tác động khá lớn do tác động của dịch Covid-19 khi 2 tháng chỉ tăng 0,9%, trong khi cùng kỳ tăng 10,6%. Khi nguồn cung nguyên liệu từ Trung Quốc vừa kịp nối lại thì ngành dệt may tiếp tục gặp khó ở đầu ra tại các thị trường lớn như Mỹ, EU.

Các động thái đóng cửa biên giới mới đây, cùng tình trạng hủy đơn hàng ở một số doanh nghiệp dẫn đến mối lo ngại Mỹ và EU ngừng nhập hàng Việt Nam.

“Đây đơn thuần là quyết định của các nhà mua hàng tại các thị trường này” - tờ VnExpress dẫn lời Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho hay. Đồng thời, người đứng đầu Bộ Công thương khẳng định chưa có hạn chế nào của cơ quan chức năng EU và Mỹ về dừng nhập hàng dệt may ở Việt Nam.

Chia sẻ thêm tại cuộc họp, ông Tạ Hoàng Linh - Vụ trưởng Vụ châu Âu, châu Mỹ cho biết, ngay khi có thông tin một số đối tác EU, Mỹ thông báo dừng nhập hàng dệt may, cơ quan này đã làm việc với Phái đoàn liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam và Đại sứ quán Mỹ.

Theo đó, phái đoàn liên minh châu Âu khẳng định, việc EU đóng cửa biên giới chỉ là biện pháp kiểm dịch để bảo đảm sức khỏe của người dân.

Các hàng hóa, dịch vụ tới EU vẫn tiếp tục lưu thông, nhất là các mặt hàng thiết yếu như thực phẩm, thuốc men... Tương tự, Đại sứ quán Mỹ cũng khẳng định không áp dụng bất kỳ biện pháp nào ngăn chặn tiếp cận thị trường của hàng Việt Nam sang Mỹ.

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng việc các đơn hàng từ hai thị trường lớn EU, Mỹ đang hoãn, hủy buộc cơ quan chức năng phải tính ngay phương án, giảm bớt thiệt hại cho doanh nghiệp.

Tờ Tuổi trẻ dẫn lời ông Trương Thanh Hoài - cục trưởng Cục Công nghiệp - cho biết tiêu dùng trong nước chỉ chiếm 10% so với năng lực sản xuất của toàn ngành dệt may và da giày. Bên cạnh đó, số lượng lao động hai ngành rất lớn, lên tới hàng triệu lao động, phần đông là lao động nông thôn, công tác an sinh xã hội đặt ra rất lớn. Do đó, cần duy trì sản xuất tối thiểu cho ngành.

Ông Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ Công thương, đánh giá tình trạng rải rác có một số đối tác hủy, giãn đơn hàng với các ngành dệt may, da giày, gỗ và lâm sản diễn ra, về ngắn hạn có thể làm đứt gãy nguồn cung và lưu thông thương mại trong ngắn hạn.

Tuy nhiên, về dài hạn dự báo kinh tế thế giới suy thoái, có thể ảnh hưởng xuất khẩu, nhập khẩu của Việt Nam, do đó, ông Khánh khuyến nghị cần sớm trình lên Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU để phê chuẩn, tận dụng hiệu quả./.