Bộ ảnh "thành phố ma" của nhiếp ảnh gia người Mỹ mắc kẹt tại Trung Quốc

Thượng Hải - thành phố 24 triệu dân bỗng chốc vắng tanh đến lạ thường trước ống kính máy của của nhiếp ảnh gia người Mỹ do đại dịch bùng phát của virus corona.

Theo cập nhật của SCMP, tính chung cả Trung Quốc đại lục, chỉ riêng ngày 12/2 có 248 người tử vong, gần 15.000 người nhiễm mới. Tính đến hết ngày 12/2, Trung Quốc ghi nhận 1.361 người tử vong, hơn 59.000 người nhiễm bệnh.

Tuy nhiên, nếu chỉ nhìn trên những con số, chúng ta có lẽ chưa thể thấy hết sự tàn khốc của dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán - thứ đã làm thay đổi cả một đất nước. Thay vào đó, người ta tìm thấy hình ảnh mới là thứ truyền được cảm xúc và lột tả chính xác nhất những gì đang diễn ra tại nơi đây.

Bộ ảnh "Thành phố một người" (One Person City) của Nicole Chan - một nhiếp ảnh gia người Mỹ, là một series tài liệu ảnh được thực hiện tại thành phố Thượng Hải - nơi mệnh danh là "thành phố không ngủ", là trung tâm thương mại hiện đại bậc nhất đất nước tỷ dân, đã đổi thay như thế nào vì đại dịch virus corona.

Thành phố đông đúc, nhộn nhịp bỗng chốc không một bóng người.
Thành phố đông đúc, nhộn nhịp bỗng chốc không một bóng người.
Những địa điểm là công viên, khu du lịch nổi tiếng từng
Những địa điểm là công viên, khu du lịch nổi tiếng từng "chật kín" người dịp đầu năm thì nay cũng quạnh hiu khó tả.
Càng đáng chú ý hơn khi đây là dịp Tết Nguyên Đán cổ truyền tại Trung Quốc vốn ngập tràn tiếng cười, tiếng pháo, tiếng nhạc.
Càng đáng chú ý hơn khi đây là dịp Tết Nguyên Đán cổ truyền tại Trung Quốc vốn ngập tràn tiếng cười, tiếng pháo, tiếng nhạc.

Được nghe nói nhiều về Thượng Hải, nơi tập trung rất đông người nhân dịp đầu năm mới, song những gì Nicole đón nhận đã hoàn toàn trái ngược: Nó hoàn toàn trống rỗng, chứa đầy nỗi sợ hãi. "Trải nghiệm của tôi khi sống ở Thượng Hải trong đợt dịch corona virus có thể được mô tả là sự cô lập hoàn toàn", Nicole chia sẻ trong bài viết cùng với bộ ảnh của mình.

"Không một ai rời khỏi nhà của họ. Khi nhìn lại những bức ảnh này, tôi thậm chí cho rằng nó khủng khiếp hơn cả khi so với dịch SARS từ năm 2002 tại Trung Quốc. Trong nhiều ngày đạp xe, đi bộ và đi tàu điện ngầm quanh thành phố, hầu hết những người tôi thấy là nhân viên bảo vệ, nhân viên an ninh và nhân viên thu ngân. Tất nhiên, họ đều giấu mặt dưới tấm khẩu trang, và dường như bạn sẽ chẳng thấy một khuôn mặt nào ở ngoài đường phố".

"Virus đã cướp đi của người dân Trung Quốc thời điểm hạnh phúc nhất của họ trong năm", Nicole nói. "Mọi người lo lắng về việc bị bệnh, những người thân yêu của họ bị bệnh, thiếu hụt lương thực, mất tiền lương và những thứ rộng, đại loại như một chuỗi những ngày tháng khó khăn có thể xảy ra".

Đây cũng chính là mục tiêu của bộ ảnh "One Person City", như một cách để nắm bắt được nỗi sợ này như thế nào cho đúng: đó là sự vô định và không rõ ràng. "Tôi hắt xì một cái, và một người phụ nữ cách đó hai mét liếc nhìn tôi, rồi lùi lại một bước".

Dành nhiều thời gian để hoàn thiện bộ ảnh cũng khiến Nicole có suy nghĩ khác về tầng lớp lao động tại Trung Quốc khi xảy ra biến cố. "Tôi đi vòng quanh thành phố và thấy chủ yếu là những công nhân lương thấp như nhân viên bán hàng, người gác cổng và nhân viên bảo vệ.

"Tôi nhận ra rằng những người này sẽ được coi là may mắn hơn những người lao động không được trả lương trong thời gian này hoặc đơn giản là đã bị sa thải. Ít nhất, họ cũng có thể kiếm tiền để trang trải cuộc sống, để chăm lo cho gia đình".

"Thế nhưng tới hôm nay (10/2), người dân đã bắt đầu được đi làm. Đường phố đã đông trở lại. Dịch viêm phổi do virus corona vẫn có những diễn biến khó lường, nhưng mọi thứ đang dần trở lại quỹ đạo của nó. Rốt cuộc thì, cuộc sống vẫn sẽ tiếp tục và thành phố cuối cùng sẽ trở lại với màu sắc vốn dĩ của nó".

Theo Dân trí