Blockchain thổi làn gió mới cho công nghiệp game Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Năm 2021, ngành công nghiệp game Việt Nam đã có ít nhiều thay đổi với sự trỗi dậy của trò chơi blockchain. Sự thành công của Axie Infinity cho thấy game Việt có khả năng chiếm lĩnh thị trường thế giới.
CEO Sky Mavis Nguyễn Thành Trung - cha đẻ của game blockchain Axie Infinity
CEO Sky Mavis Nguyễn Thành Trung - cha đẻ của game blockchain Axie Infinity

Người trong cuộc chuyển trạng thái từ "phòng thủ" sang "tấn công"

Trước đây, Việt Nam thường được biết đến là quốc gia "gia công" trong chuỗi giá trị toàn cầu của game. Cụ thể, Việt Nam thường thực hiện các công đoạn thiết kế game hoặc chỉ tiêu thụ game từ nước ngoài mà chủ yếu là game của Trung Quốc. Theo số liệu của Bộ Thông tin và Truyền thông, có đến 80% game được phát hành trên thị trường Việt Nam là game Trung Quốc. Tuy nhiên, với blockchain, Việt Nam đang dần trở thành điểm sáng trên toàn cầu về năng lực sản xuất lẫn phong trào làm game.

CEO Sky Mavis Nguyễn Thành Trung[1], cha đẻ của Axi Infinity - game blockchain đắt giá nhất mọi thời đại, đánh giá blockchain giống như một luồng gió mới đối với những nhà phát triển game ở Việt Nam. Nếu như trước kia phải xoay xở, vật lộn với thị trường game truyền thống rất cạnh tranh thì hiện giờ mọi người có rất nhiều động lực để làm những sản phẩm game lớn để phục vụ thị trường.

Đối với doanh nghiệp thì không chỉ là doanh nghiệp game, mà kể cả doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ blockchain và khởi nghiệp nói chung đều tiếp nhận được luồng gió này. Họ rất sôi sục để thực hiện những sản phẩm mới để đưa ra thị trường, tiến đánh thị trường quốc tế.

Ông Trung cho rằng đây là một sự thay đổi cực kỳ lớn, bắt đầu từ trong các thức suy nghĩ, tiếp cận vấn đề của những nhà phát triển game Việt, doanh nghiệp game Việt. Họ mạnh dạn đem các sản phẩm của mình, đem những kế hoạch lớn để tiến đánh thị trường quốc tế thay vì cách tiếp cận phòng thủ rằng "làm sao để mà hoạt động được?".

Có thể thấy đây là tín hiệu đáng mừng đối với ngành game Việt Nam, những người hoạt động trong lĩnh vực này đủ tự tin để dám nghĩ và dám làm, dám cạnh tranh với các đối thủ quốc tế. Đây cũng là dấu hiệu của sự phát triển, chúng ta sẽ không so sánh chúng ta với chính mình ngày hôm qua và dám sánh ngang với bạn bè quốc tế.

Game blockchain đem lại nhiều trải nghiệm với công nghệ

Người Việt không còn xa lạ với khẩu ngữ "học mà chơi, chơi mà học" để thấy rằng kiến thức khô khan nếu được kết hợp trong các trò chơi thì người tiếp nhận sẽ dễ ghi nhớ và nhớ lâu hơn đồng thời cảm thấy vui vẻ, thoải mái hơn.

Tương tự, game blockchain là hình thức cực kì hiệu quả để đưa mọi người, kể cả những người biết rất ít về công nghệ tiếp xúc với NFT, blockchain, tiền mã hóa và thấy rằng công nghệ mới không hề khó hiểu. Chẳng hạn thông qua game, mọi người có ví điện tử, có vật phẩm trong game và trao đổi, mua bán với nhau.

Theo CEO Sky Mavis, Nguyễn Thành Trung [2], trong trò chơi blockchain, mọi người đã được tiếp cận với những công cụ tài chính như ví điện tử và mua bán online dễ dàng. Trong khi đó, bình thường, để được cấp một cái thẻ credit card thì công đoạn thực hiện tốn nhiều thời gian công sức của rất nhiều bên, trong đó trọng điểm là ngân hàng.

Game blockchain cho phép người tham gia trực tiếp trải nghiệm các giao dịch số và hưởng lợi từ đó mà nếu chỉ tìm hiểu thông qua sách báo thì có thể mất nhiều năm mới có thể hiểu về chúng. Trong tương lai, khi công nghệ 5G trở thành hiện thực trên thế giới, game blockchain kết hợp cùng với vũ trụ ảo hứa hẹn đem đến cho người dùng nhiều trải nghiệm thực tế với công nghệ.

---------------------------

[1] Ý kiến được trích dẫn lại từ Tọa đàm ‘Xây dựng chính sách pháp luật thúc đẩy sự phát triển của trò chơi điện tử trực tuyến tại Việt Nam’, Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông, 28/12/2021, Hà Nội.

[2] Ý kiến được trích dẫn lại từ Tọa đàm ‘Xây dựng chính sách pháp luật thúc đẩy sự phát triển của trò chơi điện tử trực tuyến tại Việt Nam’, Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông, 28/12/2021, Hà Nội.