Bình tĩnh nào! Kinh tế toàn cầu sẽ không sụp đổ

Kinh tế toàn cầu đang đối mặt với rất nhiều thách thức nguy hiểm nhưng theo CNN Money, vẫn còn chỗ cho sự lạc quan.
Bình tĩnh nào! Kinh tế toàn cầu sẽ không sụp đổ

Việc kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm, Mỹ nâng lãi suất, giá hàng hóa sụt giảm nghiêm trọng và thị trường các nước mới nổi vẫn đang gặp khó khăn đang “đổ thêm dầu vào lửa” cho tình hình hỗn loạn hiện nay. 

Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) ở Davos phát biểu rằng nếu được xử lý tốt thì những sự kiện ngoài mong muốn có thể sẽ thực sự giúp thế giới cân bằng trở lại.

Tình hình kinh tế đang khá hơn so với lần khủng hoảng trước. Tại nhiều thị trường mới nổi - thị trường vẫn đang dẫn dắt tăng trưởng thế giới, nợ nước ngoài đã được cắt giảm, giúp họ miễn dịch hiệu quả hơn với lãi suất cao hơn tại Mỹ.

Hệ thống tài chính cũng đã vững chắc hơn. “Chúng tôi từng có các bảng cân đối dài dằng dặc, chúng tôi từng có khối lượng đòn bẩy lớn, lúc đó, nhà đầu tư rất mạnh dạn, bây giờ thì chúng tôi có thể vượt qua mọi căng thẳng”, theo ông Tidjane Thiam, Giám đốc điều hành tại Credit Suisse, phát biểu tại Davos.

Trong khi nguy hiểm vẫn chưa được giải quyết triệt để ở một vài mặt, giá dầu và hàng hóa tiếp tục giảm đã tạo điều kiện cho đà tăng trưởng kinh tế tại Ấn Độ, Trung Quốc và châu Âu. Người tiêu dùng chào đón giá hàng hóa rẻ hơn và tiêu dùng nhiều hơn. Điều này cho thấy tầng lớp trung lưu trên toàn cầu đang tăng trưởng, và đây là một dấu hiệu lạc quan cho nền kinh tế thế giới.

Đà tăng trưởng ngày càng giảm tốc của Trung Quốc vẫn là điều gây quan ngại nhất, nhưng điều này cũng đồng nghĩa với việc nước này đang tiến lên vững chắc hơn. “Trung Quốc đang phát triển chậm lại nhưng trong tầm kiểm soát và đó là một điều tích cực”, Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Christine Legarde phát biểu tại diễn đàn.

Tuy nhiên, thị trường vẫn còn quan ngại về Trung Quốc và kết quả tồi tệ trong 3 tuần đầu tiên của năm 2016 trên Phố Wall đã cho thấy điều này. Bà Lagarde cho rằng chỉ cần thêm một chút rõ ràng nữa từ phía Trung Quốc có thể giúp giải quyết vấn đề, và nhà đầu tư đang quan ngại do họ không biết nước này đang làm gì và lo lắng về tính chính xác của các con số chính thức được công bố.

Trung Quốc nên học hỏi từ Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed). Việc tổ chức này đã làm rất tốt công việc chấn an thị trường trước khi quyết định chính thức tăng lãi suất trong tháng 12/2015 sau gần một thập kỷ.

Fed bắt đầu nâng lãi suất ngay khi Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) ám chỉ về một gói kích cầu khác. Tuy cả hai đang theo đuổi những chính sách trái chiều, nhưng đây cũng có thể được xem là tin tốt lành với nền kinh tế thế giới.

“Nếu Fed, NHTW Anh (BoE), NHTW châu Âu (BoE), NHTW Nhật Bản (BoJ),... đều chấm dứt các chính sách nới lỏng tiền tệ cùng lúc thì ảnh hưởng sẽ rất lớn so với hiện tại”, nhận định của ông Haruhiko Kuroda, Thống đốc NHTW Nhật Bản (BoJ).

Các vấn đề địa chính trị đang tiếp diễn cũng khiến thị trường quan ngại hơn. Căng thẳng leo thang ở Trung Đông và tranh chấp ở Ukraina vẫn không có tín hiệu tạm dừng. Nguy cơ khủng bố lại vẫn hiện hữu, sau vụ tấn công đẫm máu ở Paris, Libanon, Ai Cập và nhiều nơi khác.

Thông điệp từ Hội nghị Davos lần này là Nhà đầu tư hãy lạc quan hơn nhưng cũng vẫn nên cảnh giác. Rủi ro vẫn còn không nhỏ và sai sót có thể xảy ra.

Châu Âu đang ở thời điểm nhạy cảm khi phải đối phó với cuộc khủng hoảng nhập cư tồi tệ nhất trong vòng 70 năm qua và việc Anh muốn rút khỏi cộng đồng chung châu Âu (EU). Các chính trị gia đang ráo riết chạy đua để cứu vãn châu Âu trước hai nguy cơ trên. Thời hạn trước tháng 2 sắp hết và đến lúc đó, vấn đề của Anh và EU sẽ được quyết định bằng các lá phiếu.

Lãi vay tại hầu hết các nước phát triển vẫn còn thấp và thậm chí có nơi còn bằng 0%, thế giới vẫn đang mắc kẹt trong dòng tiền rẻ và các chính trị gia cần đẩy mạnh các chính sách cải tổ của mình.

Theo Vietstock