“Bình” PPP, “rượu” BOT và nỗi lo thu phí

 Với các dự án hạ tầng giao thông, vấn đề cần làm hiện nay là kiểm soát chi phí xây dựng và công khai, minh bạch điều đó, chứ không phải chọn hình thức đầu tư nào, vì đầu tư theo hình thức nào thì vẫn phải để nhà đầu tư thu hồi vốn.
Dự án đường cao tốc nối cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) với TPHCM cũng vừa được đề nghị xây dựng theo phương thức BOT
Dự án đường cao tốc nối cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) với TPHCM cũng vừa được đề nghị xây dựng theo phương thức BOT

Trong khoảng hai năm trở lại đây, hình thức đầu tư BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) giao thông nở rộ, riêng tuyến quốc lộ 1A đã có hàng chục dự án BOT được khởi công. Vì sao vậy? Tiến sĩ Phạm Sanh, nguyên Tổ trưởng Tổ điều hành xây dựng cầu Phú Mỹ (TPHCM), lý giải: vì phần đi vay ngân hàng theo lãi suất thương mại cũng được đưa vào để tính thời gian thu phí hoàn vốn. Với cách thức tính như vậy, chủ đầu tư chỉ cần ít vốn cũng làm được. Điển hình là các dự án BOT trên quốc lộ 1A, nhà đầu tư chỉ có 15% vốn, 85% còn lại là đi vay ngân hàng. Với tuyến đường độc đạo như quốc lộ 1A mà thời gian thu phí lại từ 20-25 năm thì nhà đầu tư không bao giờ lo rủi ro.

Từ ngày 10-4-2015, Nghị định 15 về đầu tư theo hình thức PPP có hiệu lực. Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đang đẩy mạnh việc xây dựng các dự án theo hình thức hợp tác công - tư (PPP).

Luật sư Lương Văn Lý, cố vấn kiêm Trưởng bộ phận đầu tư và thương mại của Công ty Luật Việt Long Thăng, nói rằng theo nghị định 15, BOT là một dạng thức của PPP. Nghị định này bao gồm nhiều hình thức đầu tư đã có từ trước như BOT, BT... và một số hình thức mới như hợp đồng xây dựng - chuyển giao - thuê dịch vụ (BTL) và hợp đồng xây dựng - thuê dịch vụ - chuyển giao (BLT)...

Nghị định này còn có quy định về việc Nhà nước có thể góp vốn để hỗ trợ xây dựng công trình đối với dự án có hoạt động kinh doanh, thu phí từ người sử dụng, nhưng khoản thu không đủ để thu hồi vốn đầu tư và lợi nhuận.

Nên có thể thấy, dù là dự án BOT “thế hệ cũ” hay BOT trong chiếc bình mới PPP thì cả hai đều phải hoàn vốn cho nhà đầu tư, mà đối với dự án giao thông thì thông qua hình thức thu phí sau khi dự án hoàn thành.
Cầu Cổ Chiên vừa được thông xe hồi giữa tháng 5-2015. Trong dự án này, phần cầu chính dài gần 1,6 ki lô mét với bốn làn xe có tổng mức đầu tư 2.308 tỉ đồng (vốn nhà đầu tư BOT là 1.244 tỉ đồng, vốn ngân sách nhà nước là 1.044 tỉ đồng). Còn phần đường dẫn dài 9,39 ki lô mét được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước, với tổng mức đầu tư 997 tỉ đồng. Dù Nhà nước góp tổng cộng tới hai phần ba tổng số vốn nhưng sau khi hoàn thành, nhà đầu tư vẫn được thu phí hoàn vốn trong thời gian tới 19 năm 3 tháng.

Rồi sẽ có những con đường nữa được làm theo hình thức PPP, có tiền ngân sách góp vào, nghĩa là tiền thuế của dân góp vào. Có hợp lý không, khi mà sau khi hoàn thành, đi trên đó, người dân vừa phải đóng phí BOT trong thời gian dài, vừa phải đóng phí bảo trì đường bộ trên đầu phương tiện mỗi năm, trong khi vẫn phải nộp thuế đều đều?

Theo chuyên gia Phạm Sanh, ở các nước, các dự án BOT được thẩm tra rất kỹ và công khai, minh bạch thông tin, nhất là thông tin về phần thu của nhà đầu tư. Ví dụ, họ công khai, minh bạch các thông tin như lượng xe đi trung bình trên con đường một ngày là bao nhiêu, một ngày thu phí được bao nhiêu, thu bao nhiêu năm là để thu hồi vốn xây dựng, thu bao nhiêu năm là để nhà đầu tư lấy lãi.

Ở Việt Nam những nội dung này không được công khai, minh bạch. Có chăng chỉ là công bố số vốn đầu tư và thời gian thu phí. Những thông tin khác (như vừa nói trên) thì chỉ có nhà đầu tư và một số cơ quan thẩm định biết với nhau. Người dân không biết những con số này nên không thể giám sát được. “Chính vì/nhờ sự thiếu minh bạch này mà các dự án BOT giao thông hiện nay không có nhà đầu tư nước ngoài nào tham gia, chỉ có các công ty trong nước, trong đó phần lớn là các Tổng công ty của Bộ GTVT”, ông Sanh nói.
Xét trên cái lợi chung của xã hội, luật sư Lương Văn Lý, cho rằng vấn đề cần làm hiện nay là kiểm soát chi phí xây dựng con đường và công khai, minh bạch điều đó chứ không phải chọn hình thức đầu tư nào, vì đầu tư theo hình thức nào thì vẫn phải để nhà đầu tư thu hồi vốn.

Ông nói thêm: “Chi phí xây dựng các tuyến đường hiện nay rất cao. Vì chi phí cao nên thời gian hoàn vốn dài. Những chi phí này cuối cùng người dân, xã hội phải gánh vác. Việc người dân phải gánh chi phí cao này có chính đáng hay không? Nhà nước phải trả lời cho họ những câu hỏi này”.

Vừa qua, khi dư luận và đại biểu Quốc hội lên tiếng về việc các trạm thu phí BOT mọc lên như nấm thì mới lộ ra chuyện các trạm thu phí này không hề theo quy hoạch. Lẽ ra, Bộ GTVT phải có quy hoạch các dự án BOT trước rồi mới thực hiện. Đồng thời, phải trao cho người dân sự lựa chọn. Các con đường quốc lộ phải được đầu tư bằng vốn ngân sách, bằng tiền thuế của dân đóng góp. Hình thức đầu tư BOT nên làm đối với các dự án đường cao tốc. Khi đó, ai muốn đi đường đẹp thì phải đóng phí. Hiện nay, nhiều tuyến quốc lộ cũng bị “chặt khúc” để làm BOT nên người dân không có lựa chọn nào khác.

Theo TBKTSG