Biển Đông: Philippines sẽ cứng rắn với Trung Quốc về vấn đề hạt nhân và chủ quyền

VietTimes -- Philippines sẽ không từ bỏ chủ quyền và kiên quyết phản đối Trung Quốc triển khai hạt nhân ở Biển Đông. Nội bộ Philippines có quan điểm cho rằng chia sẻ tài nguyên dầu khí với Trung Quốc là phản quốc.
Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana. Ảnh: ABS-CBN News.
Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana. Ảnh: ABS-CBN News.

Phản đối triển khai hạt nhân
Gần đây, Lầu Năm Góc Mỹ đã đưa ra một báo cáo đề cập đến việc Trung Quốc sẽ triển khai nhà máy điện hạt nhân di động trên Biển Đông. Điều này tiếp tục động chạm đến dây thần kinh nhạy cảm giữa Trung Quốc và Philippines.
Báo cáo thường niên của Lầu Năm Góc cho rằng: "Trong năm 2017, Trung Quốc đã cho biết kế hoạch phát triển có thể đang tiến hành, sử dụng nhà máy điện hạt nhân di động để cung cấp điện cho các đảo trên Biển Đông. Kế hoạch này được thực hiện trước năm 2020".
Đối với vấn đề này, ngày 27/8, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana cho biết Philippines sẽ "kiên quyết phản đối" Trung Quốc triển khai hạt nhân ở Biển Đông trong tương lai.
Ông Delfin Lorenzana nói: "Chúng tôi sẽ kiên quyết phản đối, chúng tôi không cho phép Trung Quốc triển khai vũ khí hạt nhân hoặc nhà máy điện hạt nhân ở vùng biển có tranh chấp".
Theo ông Delfin Lorenzana: "Philippines đang xử lý tranh chấp thông qua phương thức ngoại giao, Trung Quốc không cần quân sự hóa đến mức này".
Trước đó, trong cuộc họp báo của Phủ Tổng thống, người phát ngôn Tổng thống Philippines Harry Roque cũng nhấn mạnh: "Chúng tôi lo ngại mọi vũ khí hạt nhân đưa vào lãnh thổ Philippines, bởi vì Hiến pháp của chúng tôi quy định chúng tôi là một khu vực phi hạt nhân. Hiến chương ASEAN cũng tuyên bố cả ASEAN là một khu vực phi hạt nhân. Tất cả các nước đều nên tuân thủ chính sách phi hạt nhân này".
Kiên quyết “bảo vệ chủ quyền”
Gần đây, quan hệ Trung Quốc - Philippines có xu hướng phát triển tốt đẹp do chính sách “thân Trung Quốc” của Tổng thống Rodrigo Duterte, thậm chí hai nước đang hướng tới những thỏa thuận hợp tác cùng khai thác dầu khí trên Biển Đông. Tuy nhiên, nội bộ Philippines vẫn xảy ra mâu thuẫn, tranh cãi xung quanh chính sách đối với Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông.

Tổng tham mưu trưởng Các lực lượng vũ trang Philippines Carlito Galvez Jr. Ảnh: Sina.
Tổng tham mưu trưởng Các lực lượng vũ trang Philippines Carlito Galvez Jr. Ảnh: Sina.

Mạng tin tức GMA Philippines ngày 13/8 dẫn lời Tổng tham mưu trưởng Các lực lượng vũ trang Philippines Carlito Galvez Jr cho biết hàng ngày tàu chiến và máy bay quân sự Philippines đều bị Trung Quốc cảnh cáo xua đuổi bằng vô tuyến điện khi hoạt động trên Biển Đông.
Ngày 13/8, người phát ngôn Phủ Tổng thống Philippines Harry Roque Jr cũng nhấn mạnh, Trung Quốc sẽ không thể ngăn chặn Philippines “bảo vệ chủ quyền”. Nếu cần thiết, phi công Philippines có thể hy sinh.
Ngày 23/7, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte mặc dù đánh giá cao hợp tác với Trung Quốc trên các lĩnh vực, nhưng ông cho biết sự cải thiện của quan hệ Philippines - Trung Quốc sẽ không có nghĩa là Philippines từ bỏ quyền lợi ở Biển Đông.
Ngày 1/8, cựu Tổng thống Philippines Benigno Aquino cho rằng Philippines “không có nghĩa vụ chia sẻ tài nguyên với Trung Quốc”. Ông thúc giục chính phủ Philippines giữ cảnh giác khi mặc cả với Trung Quốc (trong việc chia chác tài nguyên dầu khí ở vùng đặc quyền kinh tế của Philippines).
Ngày 2/8, đảng Magdalo Philippines ra tuyên bố cho rằng hợp tác khai thác Biển Đông sẽ tăng cường yêu sách chủ quyền (vô lý, phi pháp) của Trung Quốc, không phải là vấn đề chia chác (lợi ích) đơn giản. Chính quyền ông Rodrigo Duterte cần ý thức được quyết định này không những ảnh hưởng đến quan hệ Philippines - Trung Quốc, mà còn ảnh hưởng đến quan hệ giữa Philippines với các nước khác.
Một số người trong nội bộ Philippines vẫn luôn luôn nhắc đến sự “toàn thắng” của Philippines trong vụ kiện Trung Quốc liên quan đến vấn đề Biển Đông mà Tòa trọng tài thường trực (PCA) ở The Hague, Hà Lan đã đưa ra phán quyết ngày 12/7/2016.
Trong đó, có một nghị sĩ Philippines nhấn mạnh, chia sẻ dầu khí Biển Đông với Trung Quốc là một hành động “phản quốc”, “nó đã lật đổ chiến thắng trong vụ trọng tài lịch sử, từ bỏ chủ quyền của Philippines”.

Cựu Tổng thống Philippines Benigno Aquino. Ảnh: INQUIRER.
Cựu Tổng thống Philippines Benigno Aquino. Ảnh: INQUIRER.

Trung Quốc luôn tuyên truyền họ kiên trì con đường phát triển hòa bình, thực hiện chính sách quốc phòng mang tính phòng vệ, nhưng họ lại quyết áp đặt cái gọi là yêu sách "đường lưỡi bò" vô lý, phi pháp cho cộng đồng quốc tế, nhất là các nước xung quanh Biển Đông. Đồng thời những năm qua, Trung Quốc đã ra sức tiến hành quân sự hóa trái phép Biển Đông, đe dọa hòa bình, an ninh khu vực, gây lo ngại đặc biệt cho cộng đồng quốc tế.