Biển Đông lại “nổi bão” do Trung Quốc ngang ngược cấm đánh bắt cá

Lệnh cấm đánh bắt cá Trung Quốc đơn phương áp đặt hàng năm trên Biển Đông lại bắt đầu được thực hiện. Tân Hoa Xã đã nhắc lại quyết định ban hành từ năm 1999, theo đó không một hoạt động đánh cá nào được phép trong «vùng biển thuộc quyền tài phán của Trung Quốc» ở Biển Đông.
Tàu cá của ngư dân Việt Nam bị tàu Trung Quốc đâm hư hại nặng trên biển Hoàng Sa
Tàu cá của ngư dân Việt Nam bị tàu Trung Quốc đâm hư hại nặng trên biển Hoàng Sa

Vấn đề là lệnh cấm của Trung Quốc trùm lên cả những vùng biển mà các láng giềng của Trung Quốc tuyên bố chủ quyền, gây nên tình trạng căng thẳng giữa lực lượng hải cảnh Trung Quốc với tàu cá của nước khác, trên nguyên tắc không cần phải tuân theo mệnh lệnh của Bắc Kinh.

Theo Bộ Nông nghiệp Trung Quốc vào đầu tháng 5 vừa qua, phạm vi áp dụng lệnh cấm đánh cá cực rộng, vì chạy từ vĩ tuyến 12 ngược lên phía bắc, đến tận vùng biển ở giữa hai tỉnh Phúc Kiến và Quảng Đông. Nguồn tin trên xác định vùng cấm đánh cá bao hàm cả khu vực bãi cạn Scaborough mà Trung Quốc đã chiếm của Philippines năm 2012.

Tác động của lệnh cấm này đối với ngư dân Việt Nam rất lớn vì khu vực Vịnh Bắc Bộ và toàn bộ quần đảo Hoàng Sa, vùng đánh cá truyền thống của cư dân miền Trung Việt Nam, mặc nhiên nằm trong vùng bị Trung Quốc cấm đánh bắt.

Một vấn đề đáng quan ngại là ngày 5/5 vừa qua, chính quyền Trung Quốc đã liên tiếp cảnh cáo rằng năm nay lệnh cấm đánh cá sẽ được thực thi một cách nghiêm khắc hơn, kể cả với các tàu thuyền nước ngoài. Theo thứ trưởng phụ trách ngư nghiệp tại bộ Nông nghiệp Trung Quốc Dư Hân Vinh, thì lực lượng lực lượng hải cảnh và các cơ quan chức năng đã được lệnh đảm bảo sao cho lệnh cấm được thực thi nghiêm khắc hơn.

Cùng giọng điệu, Triệu Hưng Vũ, cục trưởng Cục Ngư nghiệp, Bộ Nông nghiệp Trung Quốc cũng tuyên bố là Bắc Kinh sẽ «đẩy mạnh hoạt động thực thi pháp luật ở Biển Đông» không chỉ với tàu cá Trung Quốc mà cả với tàu cá nước ngoài.

Khi áp đặt lệnh cấm đánh cá ở Biển Đông, Bắc Kinh lập luận rằng điều đó sẽ cho phép nguồn cá hồi phục sau khi bị khai thác quá mức. Tuy nhiên, theo nhiều nhà phân tích, dưới vỏ bọc bảo vệ môi trường và phát triển bền vững là một biện pháp dùng để áp đặt chủ quyền Trung Quốc tại Biển Đông.

Giới quan sát đang lo ngại rằng nếu căn cứ vào các tuyên bố cứng rắn của các quan chức Trung Quốc, tình hình Biển Đông sẽ lại căng thẳng thêm lên do việc Bắc Kinh mượn cớ «thực thi pháp luật» chống lại các hoạt động đánh bắt cá bị họ cho là bất hợp pháp, hòng khẳng định thêm quyền kiểm soát thực tế trên những khu khu vực Biển Đông mà Trung Quốc cho là thuộc chủ quyền của họ.

Rất có thể sắp tới, những hành vi bắt bớ, tịch thu, thậm chí đâm chìm tàu cá nước ngoài trong thời gian sắp tới đây có nguy cơ gia tăng, mà nạn nhân đa số sẽ là ngư dân Việt Nam, chủ yếu là ở vùng miền Trung vốn quen đánh bắt tại ngư trường truyền thống vùng quần đảo Hoàng Sa, chỉ cách đảo Lý Sơn của tỉnh Quảng Ngãi khoảng vài trăm cây số.

Ngư dân Philippines quen đánh bắt tại khu vực bãi cạn Scarborough cũng sẽ lâm vào tình cảnh tương tự. Trong bối cảnh các nước có tàu cá bị tàu hải cảnh Trung Quốc hay tàu ngư chính Hải Nam sách nhiễu cũng có thể dùng đến lực lượng cảnh sát biển của mình để bảo vệ ngư dân có thể dẫn tới nảy sinh xung đột