Biển Đông có thể lại nóng, Mỹ điều 4 máy bay E/A-18G Growler tới trợ giúp Philippines

Tuyên bố của Hạm đội 7 cho biết phi đội E/A-18G Growler sẽ đào tạo phi công quân sự Philippines cũng như hỗ trợ Manila trong lĩnh vực hàng không và hàng hải dựa trên luật pháp quốc tế.
E/A-18G Growler.
E/A-18G Growler.

Hải quân Mỹ hôm 15-6 đã điều 4 máy bay E/A-18G Growler cùng 120 nhân viên quân sự tới căn cứ không quân Clark để giúp Philippines tuần tra lãnh hải trong bối cảnh căng thẳng dâng cao ở biển Đông.

Tuyên bố của Hạm đội 7 cho biết phi đội E/A-18G Growler sẽ đào tạo phi công quân sự Philippines cũng như hỗ trợ Manila trong lĩnh vực hàng không và hàng hải dựa trên luật pháp quốc tế.

120 nhân viên quân sự Mỹ đến từ quân đoàn viễn chinh VAQ-138. Đây là đội quân thứ hai đến hỗ trợ Philippines kể từ khi Bộ chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ thông qua một chương trình phát triển mới dành cho không quân nước này.

Động thái trên của Washington diễn ra trong bối cảnh Manila lo ngại Bắc Kinh nhắm mục tiêu vào bãi cạn Scarborough ở biển Đông khi toà án PCA chuẩn bị đưa ra phán quyết về vụ kiện đang thu hút sự quan tâm của dư luận.

Bãi cạn này nằm cách đảo Luzon của Philippines khoảng 225 km, do Manila tuyên bố chủ quyền và khẳng định nó nằm trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của mình.

Chuẩn đô đốc John Richardson của Hải quân Mỹ hồi tháng 3 nói với Reuters rằng Scarborough có thể trở thành mục tiêu tiếp theo bị Trung Quốc cải tạo, sau một loạt hành động tương tự của Bắc Kinh đối với 7 đảo nhân tạo thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Trung Quốc đã đổ tổng cộng 3.000 tấn đất để xây dựng các trạm radar, đường băng quân sự, cơ sở hạ tầng... trên một số đảo nhân tạo ở khu vực quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam). 

Các quan chức Trung Quốc còn xem xét thiết lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) tại vùng biển quốc tế ở biển Đông nhưng bị Mỹ và các quốc gia trong khu vực phản đối kịch liệt.

Washington đã thảo luận về việc giúp đỡ Manila xây dựng “khả năng răn đe cần thiết” nhằm bảo vệ và giám sát biên giới nước này.

Theo các nhà phân tích an ninh khu vực, Philippines cần nhiều tàu và máy bay hơn để bao quát vùng biển xung quanh các đảo.

Hồi tháng 1-2016, Tòa án Tối cao Philippines ký Hiệp định Hợp tác Quốc phòng nâng cao, cho phép Mỹ điều động quân đội tới các căn cứ của Philippines. Tuy nhiên, Manila đặt điều kiện không cho Washington kiểm soát căn cứ quân sự nằm trong lãnh thổ mình.

Trong quá khứ, Mỹ kiểm soát căn cứ không quân Clark và căn cứ hải quân Vịnh Subic của Philippines cho đến đầu thập niên 90.

Theo NLĐ