BIDV rao bán lại khoản nợ 4.800 tỉ đồng của chủ dự án Grand Sentosa?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Dự án Kenton Node sau khi có sự đồng hành của một tập đoàn địa ốc danh tiếng khu vực phía Nam đã đổi tên thành Grand Sentosa. Song, khối nợ xấu của chủ dự án ở BIDV dường như vẫn chưa được xử lý dứt điểm.
Phối cảnh dự án Grand Sentosa tại huyện Nhà Bè, Tp. HCM
Phối cảnh dự án Grand Sentosa tại huyện Nhà Bè, Tp. HCM

Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV – Mã CK: BID) vừa có thông báo về việc lựa chọn tổ chức đấu giá khoản nợ của một khách hàng có tổng dư nợ tạm tính đến ngày 30/4/2022 là 4.837,9 tỉ đồng.

Theo đó, tài sản bảo đảm cho khoản nợ vay là “các quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai thuộc dự án tại xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, Tp. HCM” và “quyền tài sản về khai thác mỏ đá thuộc xã Hòa Thạch và Phú Mãn, huyện Quốc Oai, Tp. Hà Nội”.

Các tài sản vừa nêu trùng khớp với tài sản bảo đảm cho khoản nợ của Công ty TNHH Xây dựng Sản xuất Thương mại Tài Nguyên (Tài Nguyên) tại BIDV mà VietTimes từng đề cập.

Cụ thể, hồi tháng 4/2020, BIDV đã rao bán khoản nợ của Tài Nguyên với dư nợ gốc, lãi tạm tính là 4.063 tỉ đồng.

Khi ấy, BIDV cho biết tài sản thế chấp là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai thuộc dự án Kenton, xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, Tp. HCM (có tên thương mại Kenton Node)

Tài sản liên quan đến dự án Kenton Node còn được thế chấp tại MSB và PVcomBank với giá trị định giá là 7.836,7 tỉ đồng. Trong đó, giá trị tài sản bảo đảm được phân chia, hạch toán tại BIDV là 4.545,5 tỉ đồng, chiếm 58% giá trị tài sản.

Ngoài ra, tài sản bảo đảm cho khoản nợ vay của Tài Nguyên còn có các quyền tài sản của mỏ đá thuộc xã Hòa Thạch và Phú Mãn, huyện Quốc Oai, Tp. Hà Nội, với giá trị định giá lần đầu là 885,5 tỉ đồng.

Tổng cộng, khối tài sản bảo đảm cho khoản nợ vay của Tài Nguyên ở các nhà băng được định giá lên tới 8.722,2 tỉ đồng. Sau khoảng 2 năm, theo tính toán của VietTimes, khối nợ của chủ đầu tư dự án Kenton Node tại BIDV đã tăng thêm gần 775 tỉ đồng.

Dự án Kenton có quy mô 10,8ha, được khởi công vào năm 2009, với tổng vốn đầu tư 300 triệu USD. Sau đợt mở bán giai đoạn 1 vào năm 2010, thị trường bất động sản rơi vào tình trạng đóng băng khiến dự án bị đình trệ.

Đến tháng 5/2017, dự án đổi tên thành Kenton Node và khởi động lại với tổng vốn đầu tư hơn 1 tỉ USD, bao gồm các hạng mục như căn hộ ở, khách sạn, trung tâm dịch vụ, nhà hát, trường học, phòng khám… Tuy nhiên, đến giữa năm 2018, dự án này lại rơi vào trạng thái ‘ngủ đông’.

Đầu năm 2022, sau khi có sự đồng hành của một tập đoàn địa ốc danh tiếng khu vực phía Nam dự án này đã được khởi động lại với tên gọi mới là Grand Sentosa.

Đáng chú ý, buổi lễ khởi động dự án Grand Sentosa (ngày 22/2/2022) có ghi nhận sự xuất hiện của thiếu gia Phan Thành. Ông Thành là Tổng giám đốc Công ty TNHH Thương Mại – Dịch vụ Phan Thành (Công ty Phan Thành), nổi tiếng với khu mua sắm Sài Gòn Square ngay tại nhiều vị trí đắc địa của trung tâm TPHCM.

Tài Nguyên được thành lập từ cuối tháng 3/1996, hiện đăng ký địa chỉ trụ sở chính tại số 10 Nguyễn Huệ, phường Bến Nghé, quận 1, Tp. HCM. Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm người đại diện theo pháp luật là ông Vũ Anh Tâm (SN 1959).

Tháng 9/2018, Tài Nguyên tăng mạnh vốn điều lệ từ 350 tỉ đồng lên 1.450 tỉ đồng. Trong đó, ông Vũ Anh Tâm góp 1.424,75 tỷ đồng, sở hữu 98,26% vốn điều lệ. Số cổ phần còn lại do ông Tô Quang Tùng và Hoàng Văn Luân sở hữu với tỉ lệ lần lượt là 1,5% và 0,24%.

Tới tháng 1/2019, các ông Vũ Anh Tâm và Tô Quang Tùng đã chuyển nhượng toàn bộ số cổ phần nắm giữ cho CTCP Phát triển Bất động sản Tài Nguyên (BĐS Tài Nguyên) – pháp nhân được thành lập từ tháng 7/2016 với quy mô vốn 200 tỉ đồng.

Cũng trong khoảng thời gian này, BĐS Tài Nguyên tăng mạnh vốn lên mức 1.646,5 tỉ đồng. Đến giữa tháng 2/2019, ông Vũ Anh Tâm đảm nhiệm cương vị Chủ tịch HĐQT BĐS Tài Nguyên thay thế cho ông Lâm Quý (SN 1965).

Cập nhật tới tháng 4/2022, vốn điều lệ của Tài Nguyên đã được nâng lên mức 1.950 tỉ đồng, cơ cấu cổ đông bao gồm: BĐS Tài Nguyên (góp 1.946,5 tỉ đồng, sở hữu 99,82% vốn điều lệ) và bà Nguyễn Thị Anh Thư (góp 3 tỉ đồng, sở hữu 0,18% vốn điều lệ)./.