Bí thư Ninh Bình nói gì về dự án “nở dần, nở dần” từ 72 tỷ đồng lên 2.595 tỷ đồng?

VietTimes -- Bà Nguyễn Thị Thanh, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Ninh Bình cho rằng, “đây là lỗi hỗn hợp, bắt đầu từ cơ chế chung của chúng ta”…
Bà Nguyễn Thị Thanh, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Ninh Bình
Bà Nguyễn Thị Thanh, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Ninh Bình

Liên quan đến Dự án nạo vét, xây kè, bảo tồn cảnh quan sông Sào Khê, tỉnh Ninh Bình điều chỉnh tổng mức đầu tư tăng 36 lần (từ 72 tỷ đồng lên 2.595 tỷ đồng) được Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc nêu ra trong Báo cáo kiểm toán quyết toán ngân sách Nhà nước, ngày 23/5, bà Nguyễn Thị Thanh, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Ninh Bình đã có trao đổi ngắn với phóng viên bên hành lang Quốc hội về vấn đề này.

Theo bà Thanh, do vốn của địa phương ít thì phải làm dự án nhỏ, khi được phê duyệt triển khai thì lại muốn làm “đến nơi đến chốn”. Vì thế, vốn dự án phát sinh ra, mà phát sinh ra thì lại phải điều chỉnh lại dự án, lai phải phê duyệt, nên nó cứ “nở dần, nở dần”.

Khi được hỏi về trách nhiệm của chủ đầu tư, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình cho rằng, đây là lỗi hỗn hợp, bắt đầu từ cơ chế chung của chúng ta như việc xác định dự án, danh mục dự án, khống chế tổng mức đầu tư cho địa phương, dự án nhóm A, nhóm B, nhóm C…Khi đó, chủ đầu tư xem khả năng của mình ở nhóm nào để được đưa vào danh mục, khi vào triển khai thì yêu cầu thực tế thì lại phát sinh ra, lại báo cáo các cấp có thẩm quyền ,vì thế mới dẫn đến đội vốn. “Tất nhiên, trách nhiệm của chủ đầu tư là chính, còn các cơ quan khác phải có trách nhiệm liên quan”- bà Thanh nói.

Trước đó, như VietTimes đã đưa tin, ngày 21/5, trình bày trước Quốc hội, ông Hồ Đức Phớc, Tổng Kiểm toán Nhà nước cho biết, tình trạng phê duyệt dự án đầu tư khi chủ trương đầu tư chưa được phê duyệt, chưa đủ thủ tục , không phù hợp với quy hoạch vùng, không thuộc giai đoạn 2016-2020 hoặc trùng lắp với dự án khác đã được phê duyệt.

Có trường hợp phê duyệt vượt định mức; quyết định đầu tư chưa xác định rõ nguồn vốn , thời gian thực hiện dự án; xác định tổng mức đầu tư còn sai sót, thiếu chính xác , phải điều chỉnh nhiều lần với giá trị lớn.

“Cá biệt, Dự án nạo vét, xây kè, bảo tồn cảnh quan sông Sào Khê, tỉnh Ninh Bình điều chỉnh tăng 36 lần (từ 72 tỷ đồng lên 2.595 tỷ đồng)” – ông Phớc nêu ví dụ.

Được biết, dự án nạo vét bảo tồn cảnh quan sông Sào Khê được lập và triển khai từ cách đây gần 20 năm, cụ thể là từ năm 2001. Trong suốt quá trình triển khai, kéo dài hàng chục năm, dự án từng được đổi nhiều chủ đầu tư.

Theo tìm hiểu của VietTimes, một trong những đơn vị đã trúng thầu xây lắp dự án này là  Công ty Xây dựng Xuân Trường. Một DN có tiếng tại Ninh Bình, gắn liền với tên tuổi “đại gia” Xuân Trường.

Trao đổi với VietTimes qua điện thoại, ông Trường xác nhận DN của ông đã trúng thầu Dự án nạo vét, xây kè bảo tồn cảnh quan sông Sào Khê. Nhưng “dự án này thì nhiều bên trúng thầu, mà Xuân Trường (Công ty Xây dựng Xuân Trường) làm cách đây 10 năm, mỗi năm làm một ít mà đến nay vẫn còn dang dở”- vị "đại gia" đất Ninh Bình nói.

Bên cạnh đó, ông Trường cho rằng, thẩm quyền điều chỉnh dự án là của UBND tỉnh và Bộ Nông Nghiệp còn các nhà thầu như ông chỉ thi công. Ông đánh giá, dự án bị đình trệ nhiều năm vì người dân không giao đất để giải phóng mặt bằng cũng như không bố trí được nguồn vốn. "Dự án mới được phê duyệt chứ đã có tiền đâu và người dân cũng có giao đất đâu".

"Khả năng nó tăng là do giải phóng mặt bằng thôi. Sông Sào Khê đi giữa cố đô, như phố Huế giữa Hà Nội ấy, nên giải phóng mặt bằng rất tốn kém", ông Trường nhận định.

Theo ông, mọi người cũng nên xem xét và có một cái nhìn toàn diện, đầy đủ hơn về dự án này./

Dự án nạo vét, xây kè, bảo tồn cảnh quan sông Sào Khê

Dự án này được lập và triển khai từ cách đây gần 20 năm, cụ thể là từ năm 2001. Trong suốt quá trình triển khai, kéo dài hàng chục năm, dự án từng được đổi chủ đầu tư.

Ngày 20/9/2001, UBND tỉnh Ninh Bình có Văn bản số 194/UB-VP3 về việc bàn giao chủ đầu tư dự án nạo vét, xây kè bảo vệ cảnh quan sông Sào Khê từ Sở Văn hóa Thông tin sang Ban Quản lý Dự án Thủy lợi tỉnh Ninh Bình.

Sông Sào Khê được bắt nguồn từ cống Trường Yên nơi tiếp giáp với sông Hoàng Long và điểm cuối là giao với sông Vân khi đổ vào sông Vân để chảy ra sông Đáy với tổng chiều dài khoảng 14km.

Theo công tác quy hoạch, dự án này được chia thành 4 giai đoạn đầu tư.

Giai đoạn 1: Thời gian thực hiện từ năm 2001 - 2003 với tổng mức đầu tư là 72 tỷ đồng bằng nguồn vốn ngân sách Trung ương.

Giai đoạn 2: Phê duyệt lại dự án, thời gian thực hiện từ năm 2003 - 2005 với tổng mức đầu tư là 189 tỷ đồng bằng nguồn vốn Trung ương cấp qua Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Chương trình Kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long Hà Nội của Chính phủ.

Giai đoạn 3: Phê duyệt lại dự án. Đồng thời với việc tổ chức thi công công trình dự án tiếp tục được điều chỉnh bổ sung với tổng mức đầu tư là 399,695 tỷ đồng bằng nguồn vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ, thời gian thực hiện từ năm 2005 - 2007.

Giai đoạn 4: Phê duyệt lại dự án, chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án Thủy lợi thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Ninh Bình, thời gian thực hiện từ năm 2005 - 2012 bằng nguồn vốn ngân sách Trung ương.

Cập nhật tại Báo cáo về tình hình phát triển kinh tế - xã hội tỉnh năm 2016, phương hướng nhiệm vụ năm 2017 và kết quả thực hiện 3 tháng đầu năm 2017 của UBND tỉnh Ninh Bình cho thấy: Dự án nạo vét bảo tồn cảnh quan sông Sào Khê, tổng mức đầu tư là 2.595 tỷ đồng, vốn đã bố trí là 1.255 tỷ đồng, vốn còn thiếu để hoàn thành dự án là 1.340 tỷ đồng