Bị táo bón, đi khám phát hiện ung thư đại trực tràng

VietTimes -- Bà Vũ Thị K. (86 tuổi, quê Hải Dương) thường xuyên bị táo bón dù ăn không nhiều. Bà không ngờ, đó lại là biểu hiện của bệnh ung thư đại trực tràng.
Bà Vũ Thị K. được chăm sóc sau phẫu thuật
Bà Vũ Thị K. được chăm sóc sau phẫu thuật

Khi tới khám tại Khoa Ngoại bụng 1 của Bệnh viện K, bà K. được chỉ định phải phẫu thuật ngay. Mặc dù gia đình e ngại bà tuổi cao sức yếu, song các bác sĩ vẫn quyết tâm chữa trị cho bà K.

Kết quả, 4 ngày sau phẫu thuật, bà đã hồi phục, có thể nói chuyện và vận động bình thường.

Theo TS. Phạm Văn Bình - Trưởng khoa Ngoại bụng 1 của Bệnh viện K, các bệnh nhân mắc ung thư trên 80 tuổi không hiếm gặp. Trước đó, Bệnh viện cũng điều trị thành công cho ông Hồ Năng T. (88 tuổi, quê ở Hà Tĩnh), tái phát ung thư dạ dày.

Ông T. đã có tiền sử ung thư dạ dày cách đây 40 năm, nhưng vì đã được phẫu thuật điều trị một lần nên ông chủ quan không đi khám lần nữa. Chỉ tới khi bị ợ chua và trào ngược dạ dày thường xuyên, đau thắt vùng bụng, ông mới tới Bệnh viện K. để khám và phát hiện tái phát ung thư dạ dày phải phẫu thuật sớm.

Tuy nhiên, khi phẫu thuật lần thứ hai cho ông T., kíp bác sĩ rất vất vả bởi ông T. tuổi đã cao, sức yếu, khiến việc thực hiện các kỹ thuật mổ trở nên khó khăn hơn, kíp mổ phải cắt toàn bộ phần dạ dày và tạo hình dạ dày mới.

Song, sau nhiều giờ căng thẳng và nhờ quyết tâm của nhóm bác sĩ phẫu thuật, ca mổ thành công. Chỉ 7 ngày sau, ông T. đã được ra viện.

Bác sĩ Bệnh viện K phẫu thuật cho bệnh nhân.
 Bác sĩ Bệnh viện K phẫu thuật cho bệnh nhân.

Ung thư đường tiêu hóa là bệnh ung thư thường gặp và là nguyên nhân tử vong hàng đầu tại nhiều quốc gia trên thế giới. Đặc biệt, ung thư đại trực tràng và ung thư dạ dày đang có xu hướng tăng lên.

TS. Phạm Văn Bình khuyến cáo, để phòng ngừa ung thư đường tiêu hóa, người dân nên hạn chế ăn thịt, chất béo có nguồn gốc từ đạm động vật. Thay vào đó, người dân nên chú ý bổ sung đầy đủ chất xơ từ lúa mạch, trái cây, rau tươi, các vitamin E, C, và A …và duy trì chế độ sinh hoạt năng động, luyện tập thể dục thường xuyên, chăm sóc sức khỏe thường xuyên.

Đối với nhưng nguời có tiền sử viêm đại tràng, dạ dày mạn tính, trong gia đình có người thân từng mắc ung thư đường tiêu hóa (thực quản, dạ dày, đại tràng), hoặc khi có triệu chứng sụt cân không rõ lý do, táo bón, đầy bụng, đi tiêu ra máu, ói ra máu, TS. Phạm Văn Bình khuyên nên đi khám ngay để tầm soát, phát hiện và điều trị ung thư kịp thời.