Bi, hài với phí và lệ phí

Hiện tượng phí chồng phí dân kêu rất nhiều nên phải quy định rõ trách nhiệm từng vùng, từng mảng và nên quy vào một đầu mối quản lý...
Bi, hài với phí và lệ phí

Mặc dù dự án Luật Phí và lệ phí đã bỏ một số loại phí và lệ phí ra khỏi danh mục nhưng thảo luận về dự án luật này, đại biểu Quốc hội vẫn chỉ ra được những khoản thu bi, hài và phàn nàn về sự thập diện mai phục của các loại phí để tận thu tiền của dân.

Đại biểu Tp.HCM, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm phản ánh “nhiều người dân than với tôi là quá vô lý khi họ mua cái xe máy chỉ để chạy đi chợ, đón con, đường do chính họ và cư dân xung quanh tự cắt đất, tự bỏ tiền ra làm. Thế nhưng họ phải đóng phí đường bộ cho cái xe máy”.

Chia sẻ thêm về sự quá vô lý này, đại biểu Trương Thị Ánh (Tp.HCM) cho biết tại các cuộc họp của HĐND Thành phố, các đại biểu cũng bày tỏ nhiều băn khoăn về phí đường bộ với xe máy vì chạy xe máy người dân phải đổ xăng. Khi mua xăng, người dân đã trực tiếp đóng một khoản phí cho Nhà nước. Giờ lại thu thêm phí đường bộ nữa, đó là tận thu của dân. 

“Hiện nay đi đâu cũng thấy dân kêu về phí BOT”, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai nói, “vì vậy, ở vùng sâu, vùng xa làm BOT hạn chế để người dân không cảm thấy quá khó chịu. Bộ Giao thông Vận tải dù thường xuyên giải thích nhưng người dân vẫn không đồng tình”.

Đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng), thì thấy rằng, không phải cái gì Nhà nước làm cũng bắt dân phải đóng góp. Việc thu nhiều khoản phí vô lý sẽ tạo ra bộ máy cồng kềnh, tăng biên chế, sách nhiễu, rất phiền phức cho dân.

“Trong dự luật có nhiều loại phí đọc lên thấy rất buồn cười, thấy cái gì cũng có thể đặt ra thành lệ để thu được, thu chồng, thu chéo”, đại biểu Lê Đình Khanh (Hải Dương) nêu ý kiến, “khi tàu thuyền chạy trên sông thì phải đóng phí luồng lạch. Vào cảng thì lại phải đóng thêm phí cập cảng, phí neo đậu, phí lưu trú. 

Nhiều phí quá, đã nộp phí cập cảng rồi thì nên thôi phí neo đậu. Người ta vào cảng thì phải neo đậu chứ. Rồi lệ phí hoa hồng chữ ký là cái lệ phí gì? Tôi đọc mà không thể hiểu nổi. Đó có phải đó là hình thức ‘bo’ chữ ký không, hay ‘hoa hồng’ là ‘hoa hồng’ cho chữ ký của ‘sếp’?”.

Vẫn chưa nguôi bức xúc, ông Khanh dẫn thêm ví dụ về quy định thu phí phòng chống dịch bệnh và cho rằng, đã sinh ra bảo hiểm y tế thì phải phòng chống tốt để người dân không bị bệnh, bảo hiểm y tế không mất tiền. Thế mà lại còn quy định bắt dân đóng “phí phòng chống dịch bệnh”. “Như thế là ‘phí chồng phí’ rồi còn gì nữa. Ông muốn đỡ tốn tiền bảo hiểm y tế thì ông phải phòng chống tốt, chứ sao lại bắt dân đóng?”, ông Khanh cật vấn.

Còn đại biểu Trần Du Lịch -Tp.HCM nhấn mạnh tới việc thu phí môi trường hiện nay là không phù hợp và nói, “ngư dân chạy ngoài biển sao lại bắt họ phải đóng phí môi trường? Có quá nhiều điều quy định vô lý nhưng chúng ta vẫn cứ làm”. 

Nhận xét dự thảo luật cần tránh tình trạng mở rộng quá nhiều khoản phí, lệ phí sẽ thêm gánh nặng cho dân, đại biểu Bùi Đức Thụ (Lai Châu) phân tích, danh mục 51 khoản phí và 39 khoản lệ phí được quy định trong dự thảo luật thực tế mới chỉ là những quy định chung chung, theo lĩnh vực. Còn nếu tính cụ thể của luật này thì phải có đến hơn trăm khoản phí và vài trăm lệ phí... 

Cũng nỗi lo trường ca về phí, đại biểu Trần Quang Chiểu (Nam Định) bày tỏ “băn khoăn nhất là trong tờ trình của Chính phủ chưa nêu được đầy đủ danh mục phí và lệ phí. Danh mục trình mới chỉ là danh mục khung, chứ còn đằng sau mỗi cái tên phí, lệ phí ấy lại là một danh mục dài các khoản thu, mức thu”. 

Nêu lên thực tế ở Quốc hội các nước người ta ban hành cụ thể từng khoản, mức cụ thể và người dân chỉ nhìn vào đó để nộp, ông Chiểu dự cảm, nếu lần này không quy định cụ thể, đặc biệt là thẩm quyền của Quốc hội, để kiểm soát vấn đề này thì rất có thể lại rơi vào tình trạng như trước đây là người dân oằn mình cõng phí và Quốc hội từng phải bãi bỏ tới 374 khoản thu không hợp lý.

Một “khiếm khuyết” nữa của dự án Luật Phí và lệ phí là dự luật chưa quy định rõ phí và lệ phí, có cái gọi là phí cũng đúng mà nói lệ phí cũng đúng, theo đại biểu Bùi Thị An (Hà Nội), trước hết phải phân biệt thế nào là phí, thế nào là lệ phí bằng khái niệm rõ ràng để rà soát xem vùng nào, địa phương nào, lĩnh vực nào mà phí và lệ phí chồng chéo thì phải giảm, quy định lại. 

Hiện nay, hiện tượng phí chồng phí dân kêu rất nhiều nên phải quy định rõ trách nhiệm từng vùng, từng mảng và nên quy vào một đầu mối quản lý. 

Ví dụ, liên quan đến các phương tiện dùng xăng dầu thì nên đánh vào xăng dầu. Như vậy, sẽ khắc phục được tình trạng bội thu, dân không phải gánh nhiều phí và bộ máy hành chính bớt cồng kềnh.

Theo TBKTVN