Bệnh nhân ung thư phổi đuối sức sụt 8kg vì ăn rau xanh thải độc, tập theo giáo phái lạ trên internet

VietTimes – Các bác sĩ tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 vừa tiếp nhận một bệnh nhân nữ ung thư phổi tự ngừng điều trị để ăn rau xanh thải độc, tập theo giáo phái lạ trên internet dẫn đến hậu quả bị đuối sức, sụt 8kg.
Bác sĩ khám bệnh cho bệnh nhân H. (Ảnh: Bệnh viện Trung ương Quân đội 108)
Bác sĩ khám bệnh cho bệnh nhân H. (Ảnh: Bệnh viện Trung ương Quân đội 108)

Bỏ điều trị vì thông tin trôi nổi trên internet


Theo Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, chị N.T.T.H., 46 tuổi sống ở Nghệ An, được chẩn đoán mắc ung thư biểu mô tuyến thùy trên phổi phải di căn xương đa ổ giai đoạn IV vào tháng 4/2019. Chị H. đã đột biến gen EGFR âm tính, xạ giảm nhẹ khớp háng phải, được chỉ định điều trị hóa chất 4 chu kỳ (tháng 10/2019) tại Khoa Nội Hô hấp của Bệnh viện.

Trước đó, chị H. có dấu hiệu chân đau như viêm khớp nên đã đến các bệnh viện khác để kiểm tra. Sau khi khám bệnh, chị được chẩn đoán bị thoát vị đĩa đệm. Sau 2 tháng điều trị cả đông tây y kết hợp bệnh không đỡ mà càng đau đớn hơn khiến chân chị H. không đi lại được. Vì thế, gia đình đã đưa chị H. tới Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 để chữa trị.

Sau khi khám sàng lọc ban đầu nhận thấy bệnh nhân bất ổn, bác sĩ đã chỉ định chị H. thực hiện xét nghiệm và phát hiện chị có khối u ở phổi với khả năng là ung thư và đã di căn xương. Sau đó, chị H. được chuyển lên khoa Nội Hô hấp của Bệnh viện để thực hiện xác chẩn và điều trị.

Sau khi quay lại Bệnh viện điều trị, sức khỏe của chị H. đã ổn định (Ảnh: Bệnh viện Trung ương Quân đội 108)
Sau khi quay lại Bệnh viện điều trị, sức khỏe của chị H. đã ổn định (Ảnh: Bệnh viện Trung ương Quân đội 108) 

Thời gian đầu, bệnh nhân đã đáp ứng rất tốt với điều trị hóa chất, cân nặng tăng, các triệu chứng giảm rõ rệt, khối u trên phim chụp cắt lớp vi tính cũng xóa gần hết. Tuy nhiên, do dịch COVID-19 bùng phát, cả nước thực hiện giãn cách xã hội đã tác động không nhỏ tới tâm lý và tư tưởng của chị H.

Do mắc bệnh khi còn trẻ, gánh nặng kinh tế gia đình đè trên vai, lại thêm đại dịch làm suy thoái kinh tế, hạn chế đi lại đã khiến chị H, không tới Bệnh viện để tiếp tục điều trị mà chỉ uống thuốc được kê, lên mạng để mày mò thông tin về bệnh ung thư phổi.

Trong số các thông tin trôi nổi, chị H. đã tìm hiểu và tin tưởng vào phương pháp chỉ ăn rau xanh thải độc kết hợp tập theo giáo phái lạ. Với phương pháp này, chị đã gặp gỡ trao đổi và tập cùng với một nhóm người tại địa phương để tập 1 tuần 1 lần.

Những lời truyền miệng “thần thánh hóa” về phương pháp luyện tập chữa bách bệnh và chỉ ăn rau xanh sẽ có thể thanh lọc giải độc đã khiến cơ thể chị H. thiếu sức đề kháng chống chọi với bệnh tật. Sau 3 tháng ăn rau xanh thải độc kết hợp với việc tập luyện theo giáo phái lạ, chị H. đã bị đuối sức.

Trở lại Bệnh viện trong tình trạng sụt 8kg, bệnh của chị H. đã trở nên trầm trọng. Ngay lập tức, các bác sĩ Khoa Nội hô hấp, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã kịp thời tiếp tục liệu trình chữa trị. Đến thời điểm hiện tại, sức khỏe của bệnh nhân đã tiến triển tốt, cân nặng dần cải thiện, tâm lý ổn định.

Nhớ lại quãng thời gian ở nhà luyện tập, chị H. chia sẻ: “Tôi cũng là người cẩn thận và cân nhắc những thông tin trên mạng. Tôi lựa chọn phương pháp ăn rau xanh này bởi vì có hơn ngàn người cùng tham gia vào nhóm. Rất nhiều người đã chia sẻ hiệu quả của phương pháp này một cách nhiệt tình. Tuy nhiên, đến giờ tôi đã hiểu ra rằng phương pháp hiệu quả khi phù hợp với cơ địa của mỗi người và trong tình trạng bệnh khác nhau. Còn khi tình trạng bệnh nặng, cần phải điều trị một cách khoa học bằng phương pháp tây y và không nên để gián đoạn thời gian. Bản thân tôi rất ân hận, qua đây cũng gửi lời cảm ơn các bác sĩ của Khoa Nội hô hấp rất nhiều vì đã luôn quan tâm, chăm sóc cũng như chia sẻ với mình trong thời gian chữa bệnh”.

Kịp thời điều trị, tránh “tiền mất, tật mang”

Nắm bắt tâm lý người Việt Nam thường tin tưởng vào các phương pháp điều trị cổ truyền nên nhiều thành phần, nhóm lợi ích đã mạo danh cổ truyền vì vụ lợi mà sẵn sàng lừa lọc tiền bạc và bán thuốc giả, gây nên hậu quả lớn, làm mất cơ hội điều trị hiệu quả của người bệnh.

Những nhóm lừa đảo thường có nhiều phương pháp tiếp cận bà con như điều trị miễn phí, điều trị đông y qua mạng không cần đến thăm khám, tiếp thị thuyết phục tại nhà, dùng hình mạo danh Bệnh viện tới các địa phương tổ chức khám bệnh và bán thuốc.

Thông tin giả mạo bác sĩ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 trên Facebook về tặng thuốc miễn phí (Ảnh: Bệnh viện Trung ương Quân đội 108)
Thông tin giả mạo bác sĩ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 trên Facebook về tặng thuốc miễn phí (Ảnh: Bệnh viện Trung ương Quân đội 108) 

BS. Bùi Thị Thanh – Khoa Nội Hô hấp, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 - bác sĩ điều trị trực tiếp cho chị H. chia sẻ: Với tâm lí có bệnh thì vái tứ phương nên các bác sĩ rất hiểu và thông cảm cho người bệnh. Ung thư làm nhiều người hoang mang lo lắng, nên bất cứ thông tin gì về điều trị họ đều kết hợp.

Trong khi đó, thông tin bên ngoài tràn lan, không có cơ sở khoa học nhưng lại viết rất thuyết phục khiến nhiều người sẵn sàng từ bỏ tây y để đến với phương pháp khác dù bác sĩ đã thuyết phục rất nhiều. Đến khi quay lại thì nhiều bệnh nhân đã bỏ đi cơ hội điều trị chỉ tính bằng tháng.

Điển hình là trường hợp của chị H. khi ăn uống thiếu dinh dưỡng và gián đoạn quá trình điều trị, sức khỏe của người bệnh đã trở nên xấu đi và cơ thể suy kiệt nhanh chóng. Chính vì vậy, BS. Thanh hy vọng đây sẽ là bài học không chỉ dành cho chị H. mà còn là lời khuyên chân thành đến tất cả người bệnh kịp thời tới Bệnh viện để điều trị, tránh tình trạng “tiền mất, tật mang”.

Theo BS. Thanh, điều trị đích là biện pháp sử dụng các thuốc có khả năng tác dụng vào tế bào ung thư dựa trên cơ sở của sự xuất hiện các đột biến gen như EGFR, ALK, ROS1,… để điều trị ung thư mà hầu như không có tác dụng lên tế bào lành.

Đây là biện pháp có thể được chỉ định dù thể trạng của bệnh nhân kém, nhưng chỉ có một tỉ lệ nhỏ bệnh nhân có được cơ hội này. Điều trị miễn dịch gần đây nổi lên như một biện pháp đầy hứa hẹn để điều trị nhiều loại ung thư trong đó có ung thư phổi. Nhưng bên cạnh việc cần xét nghiệm biểu lộ của PD-1 hoặc PD-L1 thì đây cũng là một biện pháp điều trị đắt tiền với đa số bệnh nhân ung thư tại Việt Nam và chưa được bảo hiểm y tế chi trả. Vì vậy, hóa trị liệu vẫn là một biện pháp được sử dụng nhiều hơn cả, khi đó, đòi hỏi bệnh nhân cần có một thể trạng tốt để có thể dung nạp được liệu pháp này.

BS. Thanh nhấn mạnh: Vấn đề rất lớn hiện nay đó là nhiều bệnh nhân dù thể trạng còn rất tốt, nhưng vì “có bệnh thì vái tứ phương”, nghe theo người này mách bảo, người kia chỉ lối mà từ bỏ các biện pháp điều trị đặc hiệu để sử dụng các phương thức khác như điều trị đông y, thực dưỡng hoặc tập pháp luân công để khỏi bệnh. Đây là những phương pháp chưa có bằng chứng khoa học về việc điều trị khỏi ung thư.

Đa số bệnh nhân sau một thời gian điều trị bằng các biện pháp không đặc hiệu này, ung thư tiếp tục tiến triển, thể trạng yếu đi, suy kiệt và khi quay trở lại bệnh viện thì đã “trễ” với các biện pháp điều trị đặc hiệu. Thống kê cho thấy, có tới 30% bệnh nhân ung thư tử vong vì suy kiệt, suy dinh dưỡng trước khi tử vong vì căn bệnh ung thư.

Ung thư phổi là loại ung thư thường gặp nhất và cũng là nguyên nhân tử vong hàng đầu trên Thế giới cũng như ở Việt Nam.

Theo Globocan (dự án của cơ quan nghiên cứu ung thư quốc tế), trong năm 2018, ở Việt Nam ung thư phổi đứng hàng thứ 2 sau ung thư gan với 23,667 ca mắc.

Mặc dù đã có những tiến bộ vượt bậc trong sàng lọc, chẩn đoán và điều trị, nhưng vẫn có đến 80% bệnh nhân ung thư phổi nhập viện khi đã ở giai đoạn cuối của bệnh với các triệu chứng như ho dai dẳng, ho ra máu, đau ngực, khó thở, sút cân hay triệu chứng của các cơ quan bị di căn như não, xương, gan, thượng thận,… Khi đó, điều trị toàn thân bằng hóa chất, điều trị đích hay điều trị miễn dịch có hay không có kết hợp với xạ trị chỉ được xem xét sử dụng nhằm cải thiện triệu chứng, cải thiện chất lượng cuộc sống và kéo dài thời gian sống thêm cho người bệnh.