Bệnh đậu mùa khỉ đang tăng nhanh ở nhiều quốc gia không thuộc vùng lưu hành

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Bệnh đậu mùa khỉ lan ra trên 19 quốc gia triển khai tiêm chủng hạn chế. Cơ quan y tế cho hay, cần tăng cường cảnh giác tại các cửa khẩu nhập cảnh.
Bệnh đậu mùa khỉ đang lây lan nhanh tại nhiều quốc gia
Bệnh đậu mùa khỉ đang lây lan nhanh tại nhiều quốc gia

Bệnh lây từ động vật sang người

Thông tin từ HCDC cho hay, hiện đã có 237 ca mắc bệnh đậu mùa khỉ được ghi nhận từ 19 quốc gia, bao gồm các trường hợp đã được xác nhận lẫn nghi nhiễm và theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đáng chú ý là con số này được dự báo sẽ tiếp tục tăng. WHO đưa cảnh báo mạnh mẽ về việc ở giai đoạn này, bệnh đậu mùa khỉ bắt đầu xuất hiện tại các quốc gia không thuộc vùng lưu hành bệnh.

CDC Hoa Kỳ cho biết, bệnh đậu mùa khỉ từng bùng phát ở Mỹ 19 năm trước. CDC Hoa Kỳ kết luận đợt dịch đậu mùa khỉ bùng phát trước đây là do một lô hàng cầy thảo nguyên nhập khẩu nhiễm virus, giao phối với các con khỏe mạnh khác, sau đó lây cho người ở các môi trường khác nhau.

Theo một nguồn thông tin khác từ WHO, khi lần đầu tiên bệnh đậu mùa khỉ bùng phát tại Mỹ, CDC Hoa Kỳ điều tra nguồn lây từ động vật hoang dã, cách ly các ca nhiễm và tiêm chủng cho người dân.
Cụ thể, tháng 7/2003, CDC Hoa Kỳ được báo cáo về 71 ca mắc đậu mùa khỉ bất thường. Sau các cuộc điều tra, CDC kết luận đợt dịch đậu mùa khỉ bùng phát là do một lô hàng cầy thảo nguyên nhập khẩu nhiễm virus, giao phối với các con khỏe mạnh khác, sau đó lây cho người ở các môi trường khác nhau.

Trước đó, bệnh đậu mùa khỉ được xác định từ năm 1970 tại Châu Phi. Bệnh đậu mùa khỉ do vi rút truyền sang người từ động vật. Bệnh có các triệu chứng rất giống với những triệu chứng đã thấy ở bệnh nhân đậu mùa trước đây, mặc dù bệnh này ít gây bệnh nghiêm trọng hơn.

Bệnh do vi rút đậu mùa khỉ thuộc giống Orthopoxvirus và thuộc họ Poxviridae gây ra. Có hai nhóm vi rút đậu mùa khỉ gồm nhóm Tây Phi và nhóm lưu vực Congo (Trung Phi). Tên bệnh đậu mùa khỉ bắt nguồn từ phát hiện ban đầu về vi rút trên khỉ trong phòng thí nghiệm ở Đan Mạch vào năm 1958. Trường hợp đầu tiên trên người được xác định là ở một đứa trẻ tại Cộng hòa Dân chủ Congo vào năm 1970.

Da nổi mụn khi nhiễm bệnh đậu mùa khỉ

Da nổi mụn khi nhiễm bệnh đậu mùa khỉ

Tăng cường cảnh giác từ các cửa khẩu nhập cảnh

Kể từ ngày 13/5/2022, các trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ đã được báo cáo cho WHO từ 12 quốc gia thành viên trên thế giới.
Được biết, 12 quốc gia này không phải là vùng lưu hành của virus đậu mùa khỉ.

Các cuộc điều tra dịch tễ vẫn đang được tiến hành, các trường hợp được báo cáo cho đến nay chưa ghi nhận có tiền sử du lịch đến các khu vực lưu hành bệnh. Tình hình đang tiến triển và WHO dự kiến sẽ có thêm nhiều trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ được xác định do việc giám sát mở rộng ở các nước không có dịch bệnh.

Bệnh lây truyền từ người này sang người khác khi tiếp xúc gần với tổn thương, dịch cơ thể, giọt bắn đường hô hấp và các bề mặt bị nhiễm vi rút như chăn, ga, gối, đệm, ... từ người bệnh. Thời gian ủ bệnh của bệnh đậu mùa khỉ thường từ 6 đến 13 ngày nhưng cũng có thể từ 5 đến 21 ngày.

Theo CDC Hoa Kỳ, triệu chứng phát ban liên quan đến bệnh đậu mùa khỉ liên quan đến mụn nước hoặc mụn mủ nằm sâu, chắc hoặc cứng, các tổn thương có thể lõm xuống hoặc tụ lại và tiến triển thành vảy theo thời gian. Các triệu chứng biểu hiện thường bao gồm sốt, ớn lạnh, phát ban đặc biệt hoặc nổi hạch mới, … Bệnh đậu mùa khỉ thường tự giới hạn nhưng có thể nghiêm trọng ở một số người, chẳng hạn như trẻ em, phụ nữ có thai hoặc những người bị suy giảm miễn dịch do các tình trạng sức khỏe khác.

Tính đến tháng 5/2022, thế giới đã ghi nhận bệnh đậu mùa khỉ tại 12 quốc gia bao gồm: Anh, Pháp, Đức, Ý, Tây Ban Nha, Bỉ, Úc, Mỹ, … và đã được báo cáo cho WHO. Dựa trên thông tin hiện có, các trường hợp bệnh chủ yếu phát hiện ở những người nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM). Đến nay, không có trường hợp tử vong liên quan về bệnh này được báo cáo.

Bệnh đậu mùa khỉ hiếm gặp xuất hiện ở châu Âu, Mỹ và nhiều nước

Bệnh đậu mùa khỉ hiếm gặp xuất hiện ở châu Âu, Mỹ và nhiều nước

Qua đó, WHO đã đưa ra một số lời khuyên nhằm phòng ngừa và kiểm soát bệnh đậu mùa khỉ bao gồm:

Phòng ngừa: Tránh tiếp xúc trực tiếp với người bệnh bao gồm tránh tiếp xúc da với da hoặc mặt đối mặt với bất kỳ ai có triệu chứng, thực hiện các biện pháp quan hệ tình dục an toàn, giữ tay sạch bằng nước và xà phòng hoặc dung dịch rửa tay có cồn. Đồng thời cần duy trì các biện pháp phòng ngừa lây truyền qua đường hô hấp.

Phát hiện và chăm sóc: Bất kỳ ai có các biểu hiện nghi ngờ như phát ban không rõ nguyên nhân, sốt, nổi hạch, suy nhược, … cần liên hệ với cở sở y tế để được chẩn đoán xác định bệnh. Trong trường hợp nghi ngờ hoặc được xác nhận là mắc bệnh đậu mùa khỉ, người bệnh nên được cách ly cho đến khi các tổn thương của người bệnh đóng vảy và vảy bong ra.

Trong giai đoạn này, bệnh nhân có thể được điều trị hỗ trợ để giảm bớt các triệu chứng bệnh đậu mùa khỉ. Bên cạnh đó, bất kỳ ai chăm sóc một người bị bệnh đậu mùa khỉ nên sử dụng các biện pháp bảo vệ cá nhân thích hợp bao gồm đeo khẩu trang, lau chùi các đồ vật và bề mặt mà người bệnh đã chạm vào.

Báo cáo: Bất kỳ các trường hợp nghi ngờ như phát ban liên quan đến du lịch phải được báo cáo ngay cho chuyên gia y tế, bao gồm thông tin về tất cả các chuyến du lịch gần đây, tiền sử tình dục và tiền sử chủng ngừa bệnh đậu mùa. Người dân và khách du lịch đến các quốc gia lưu hành bệnh đậu mùa ở khỉ nên tránh tiếp xúc với động vật có vú bị bệnh như động vật gặm nhấm, thú có túi, động vật linh trưởng không phải người (chết hoặc sống) có thể chứa vi rút đậu mùa khỉ và không nên ăn hoặc tiếp xúc với động vật hoang dã.

Ngày 18/5/2022, CDC Hoa Kỳ cũng đã ghi nhận một trường hợp có kết quả dương tính với bệnh đậu khỉ sau khi du lịch từ Canada trở về Hoa Kỳ. CDC Hoa Kỳ đang kêu gọi các cơ sở y tế tại Mỹ cảnh giác với những bệnh nhân có biểu hiện phát ban nghi ngờ liên quan đến bệnh đậu mùa khỉ. Tại Việt Nam, Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho biết sẽ theo dõi và giám sát chặt chẽ căn bệnh này nhằm ngăn ngừa và kịp thời ứng phó khi bệnh xâm nhập.

HCDC cho hay, ngành Y tế TP.HCM đang theo dõi diễn biến về bệnh này trên những kênh thông tin chính thức từ WHO, CDC Hoa Kỳ… Vì là dịch bệnh có nguy cơ xâm nhập nên công tác giám sát các triệu chứng nghi bệnh của người nhập cảnh tại các cửa khẩu tiếp tục được tăng cường.

Cho đến hiện nay, WHO đang nghiên cứu hướng dẫn mới cho các quốc gia về chiến lược tiêm chủng và đang triệu tập thêm các cuộc họp nhằm hỗ trợ các quốc gia thành viên giải quyết tình hình.

Vaccine ngừa đậu mùa ở người chính là thứ đồng thời ngăn chặn được đậu mùa khỉ. Từng có giả thuyết cho rằng tác dụng dần mờ đi trong cộng đồng của vaccine này góp phần vào sự lây lan. Bởi lẽ sau khi bệnh đậu mùa bị triệt tiêu toàn cầu, WHO đã ngừng khuyến cáo tiêm chủng mở rộng loại vaccine này vào năm 1980.