Bệnh án điện tử: Người dân được tiếp cận các dịch vụ cấp cứu nhanh hơn

VietTimes - Sáng 17/6, Bộ Y tế phối hợp với Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) tổ chức “Hội thảo toàn quốc về việc đẩy mạnh triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử” tại TP.HCM, nhằm mang đến nhiều thuận lợi cho người dân trong việc theo dõi và chăm sóc sức khỏe.
Hồ sơ sức khỏe điện tử tăng cường khả năng kết nối liên thông giữa các cơ sở y tế (Ảnh minh họa)
Hồ sơ sức khỏe điện tử tăng cường khả năng kết nối liên thông giữa các cơ sở y tế (Ảnh minh họa)

Việc triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử cá nhân mang lại nhiều thuận lợi cho người bệnh. Hệ thống sẽ lưu giữ thông tin, dữ liệu của một cá nhân từ lúc trong bụng mẹ cho đến lúc mất. Mỗi bệnh nhân có một mã số ID riêng, do đó có thể theo dõi tiến triển sức khỏe cho dù điều trị ở bất cứ bệnh viện nào trên cả nước.

Y tế điện tử không chỉ cung cấp thông tin theo dõi bệnh nhân từ xa, mà còn hỗ trợ chăm sóc bệnh nhân trực tiếp, cải thiện việc tiếp cận tư vấn sức khỏe, cũng như tiếp cận với các dịch vụ cấp cứu nhanh hơn.

Trong công tác quản lý tại các cơ sở y tế, ứng dụng công nghệ thông tin giúp tiết kiệm thời gian, nhân lực; đơn giản hóa các thủ tục hành chính, loại bỏ bớt các hoạt động trung gian; tạo điều kiện cho các dịch vụ khám chữa bệnh nhanh chóng, thuận tiện. Đồng thời, sổ sách quản lý y tế được đảm bảo chính xác về số liệu, tăng cường khả năng kết nối liên thông giữa trạm y tế xã với bảo hiểm xã hội và các tuyến y tế cao hơn.

Ông Nguyễn Trường Sơn - Thứ trưởng Bộ Y tế
Ông Nguyễn Trường Sơn - Thứ trưởng Bộ Y tế phát biểu tại hội thảo

Theo Cục Công nghệ thông tin (CNTT), hiện đã có 31 tỉnh/ thành phố triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử và 10 tỉnh/ thành phố chưa triển khai. Tuy nhiên, một số địa phương còn lúng túng khi triển khai phần mềm hồ sơ sức khỏe và các phần mềm chưa liên thông với nhau.

Liên quan đến vấn đề trên, PGS.TS Trần Quý Tường - Cục trưởng Cục CNTT, Bộ Y tế - cho biết: "Việc triển khai hồ sơ điện tử có nhiều thuận lợi bởi sự các đơn vị y tế đều hưởng ứng. Tuy nhiên, cơ chế chính sách chưa đồng bộ và chưa hoàn thiện. Các doanh nghiệp vẫn còn hạn chế trong việc tiếp cận phần mềm đạt chuẩn”.

Ông Quý Tường cho hay: “Khi Bộ Y tế chỉ đạo, các doanh nghiệp cứ tập trung triển khai, nhưng không quan tâm đến các tiêu chuẩn, tiêu chí. Vì vậy, các doanh nghiệp địa phương cần rút kinh nghiệm. Để tiết kiệm thời gian, tiền bạc, thì chúng ta cần phải đạt chuẩn ngay từ đầu”.

PGS.TS Trần Quý Tường - Cục trưởng Cục CNTT, Bộ Y tế
PGS.TS Trần Quý Tường - Cục trưởng Cục CNTT, Bộ Y tế

Tại hội thảo, đại diện của Sở Y tế Nghệ An đã nêu ra những vướng mắc trong việc ứng dụng hồ sơ sức khỏe điện tử. Cụ thể, dữ liệu XML của một số phần mềm khám, chữa bệnh và phần mềm hồ sơ sức khỏe chưa đồng bộ nên khi kết nối, liên thông giữa các phần mềm phát sinh một số lỗi, như: hồ sơ trùng do đẩy hồ sơ nhiều lần mặc dù hồ sơ lỗi vẫn có, phần mềm không có chức năng xóa hồ sơ.

Với những khó khăn, thách thức được đưa ra tại hội thảo, ông Trần Quý Tường cho biết: “Chúng tôi cũng nhận thức rõ vấn đề này và đang xây dựng hoàn thiện, như: Xây dựng chuẩn kết nối định danh giữa các phần mềm với nhau; xây dựng cơ chế tài chính; xây dựng quy chế, quy định về cập nhật phần mềm điện tử; xây dựng quy chế, quy định về quản lý phần mềm; xây dựng quy định về an toàn thông tin sức khỏe của người dân cùng rất nhiều chính sách cần phải xây dựng”.

Trong “Hội thảo toàn quốc về việc đẩy mạnh triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử”, PGS.TS Nguyễn Trường Sơn - Thứ trưởng Bộ Y tế - nhấn mạnh: “Để xây dựng nền y tế thông minh cần có một hệ thống quản trị thông minh, hệ thống bệnh viện thông minh và hệ thống quản lý hồ sơ sức khỏe thông minh cho người dân.

Đa số khi triển khai hồ sơ y tế điện tử tại các cơ sở, các doanh nghiệp tự bỏ chi phí để làm mẫu và chứng minh tiềm năng, sức mạnh, lợi ích mà hồ sơ điện tử mang lại.

Trong quá trình thực hiện Đề án triển khai ứng dụng CNTT tại trạm y tế xã, phường giai đoạn 2018-2020, chúng tôi đã xem một số hồ sơ sức khỏe điện tử ở các doạnh nghiệp như VNPT, Viettel... Đây được xem là nỗ lực rất lớn của các tập đoàn doanh nghiệp viễn thông”.