Bế mạc phiên tòa OceanBank: Kiến nghị làm rõ trách nhiệm một số cá nhân thuộc NHNN

VietTimes -- Tuyên xử phiên tòa sơ thẩm “đại án” OceanBank – Hà Văn Thắm, Thẩm phán Trần Nam Hà – Chủ tọa – đã kiến nghị cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an làm rõ trách nhiệm của các cá nhân thuộc cơ quan thanh gia giám sát Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong việc thanh tra giám sát Ngân hàng Đại Dương.
HĐXX đã kiến nghị cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an làm rõ trách nhiệm của các cá nhân thuộc cơ quan thanh gia giám sát NHNN. (ảnh: Internet)
HĐXX đã kiến nghị cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an làm rõ trách nhiệm của các cá nhân thuộc cơ quan thanh gia giám sát NHNN. (ảnh: Internet)

Cụ thể, theo Hội đồng Xét xử (HĐXX): Quá trình điều tra và khởi tố, tranh luận công khai tại phiên tòa xác định, Ngân hàng Đại Dương thực hiện việc thu phí và chi lãi ngoài trái pháp luật đã diễn ra trong một thời gian dài, liên tục, công khai chiếm đoạt một số tiền rất lớn. Trong thời gian này, NHNN tổ chức nhiều lần thanh tra, giám sát đối với Ngân hàng Đại Dương đã không phát hiện, ngăn chặn, cảnh báo và xử lý kịp thời những sai phạm…

Tại phiên tòa, nhiều bị cáo khẳng định nếu nhận được sự cảnh báo của NHNN liên quan đến việc chi lãi ngoài thì đã không để xảy ra hậu quả nghiêm trọng như thế.

“Do vậy, HĐXX kiến nghị, NHNN xem xét trách nhiệm của các cán bộ cơ quan thanh tra, giám sát đã không làm hoặc làm chưa hết chức trách của mình trong việc thanh tra, kiểm tra Ngân hàng Đại Dương giai đoạn 2009 – 2014.

Đồng thời, kiến nghị cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an làm rõ trách nhiệm của các cá nhân thuộc cơ quan thanh gia giám sát – NHNN, trong việc thanh tra giám sát Ngân hàng Đại Dương. Nếu có vi phạm, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật”, Chủ tọa phiên tòa nêu rõ.

Bế mạc phiên tòa OceanBank: Kiến nghị làm rõ trách nhiệm một số cá nhân thuộc NHNN ảnh 1HĐXX đang tuyên án. (Ảnh: X.T)

Bản án của HĐXX cũng đề cập cụ thể đến tính pháp lý của quyết định mua bắt buộc Ngân hàng Đại Dương với giá 0 đồng mà NHNN đã đưa ra vào giữa năm 2015.

Theo đó, tại phiên tòa, bị cáo Hà Văn Thắm và các bị cáo khác cũng như những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, các luật sư khẳng định việc mua bắt buộc Ngân hàng Đại Dương với giá 0 đồng, NHNN đã không thực hiện việc kiểm toán về thực trạng tài chính, giá trị thực có của vốn điều lệ, các quỹ dự phòng cũng như thông báo cho các cổ đông của Ngân hàng Đại Dương; tại thời điểm NHNN thực hiện mua bắt buộc Ngân hàng Đại Dương với giá 0 đồng thì Ngân hàng Đại Dương vẫn còn tài sản và chưa mất thanh khoản vào lúc đó..

“Hội đồng Xét xử thấy rằng, Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Luật các tổ chức tín dụng mới chỉ quy định về việc mua cổ phần bắt buộc đối với các tổ chức tín dụng bị kiểm soát đặc biệt, không quy định về việc mua bắt buộc cổ phần các tổ chức tín dụng với số tiền 0 đồng. Việc mua bán này chưa được quy định trong Bộ luật Dân sự, Luật các tổ chức tín dụng, Luật phá sản cũng như các quy định khác của pháp luật Việt Nam”, Chủ tọa Trần Nam Hà tuyên.

Mặt khác, theo HĐXX, việc mua bán này thực tế đã là gánh nặng cho ngân sách nhà nước, buộc Nhà nước phải chi ngân sách để gánh chịu hậu quả nặng nề do tổ chức tín dụng gây ra, gây thiệt hại cho Nhà nước.

Ngoài ra, việc mua lại các tổ chức tín dụng với hình thức như trên sẽ không bảo đảm quyền lợi của cổ đông và người có quyền lợi liên quan.

“Do vậy, kiến nghị Chính phủ xem xét, đánh giá lại các cơ chế chính sách mua cổ phần của các tổ chức tín dụng với số tiền 0 đồng như đã thực hiện đối với một số tổ chức tín dụng, trong đó có Ngân hàng Đại Dương, cho phù hợp với các quy định của pháp luật hiện hành, giảm thiệt hại cho Nhà nước”, chủ tọa phiên tòa kiến nghị.

Chiều 19/9, trong phần tự bào chữa, Hà Văn Thắm nói rằng: Được thông báo trong quá trình điều tra, Thủ trưởng Cơ quan điều tra đã yêu cầu tất cả các doanh nghiệp của bị cáo khi mua bán đều phải hỏi ý kiến và có chữ ký của bị cáo, thì mới được phép mua bán, kể cả doanh nghiệp không đứng tên bị cáo thì cơ quan điều tra vẫn biết rõ.

“Thế nhưng, việc này chỉ được thực hiện đối với các DN khác mà không được thực hiện với DN lớn nhất của bị cáo là OceanBank. Bị cáo không được hỏi, không được ký và không được biết gì cả, thậm chí 1 năm sau mới được thông báo chính thức”, Hà Văn Thắm trình bày.

Hà Văn Thắm cũng nhắc lại một chi tiết từng nêu, đó là sau ngày 31/3/2014, theo yêu cầu của PVN, bị cáo đã tìm được đối tác của Singapore và Việt Nam. Họ có văn bản đồng ý mua phần vốn góp của PVN với giá 800 tỷ đồng, tức là PVN sẽ không mất đồng nào. Thủ tướng đã đồng ý, tuy nhiên rút lại công văn đồng ý đó. Việc rút lại do NHNN sợ bán với giá 1.0 có thể bị thiệt, và NHNN đề nghị được chủ động xử lý việc này để có lợi hơn cho Nhà nước.

“Bị cáo rất buồn vì giá trị của Ngân hàng Đại Dương cho đến thời điểm này rất cao. Việc Ngân hàng Đại Dương bị mua lại, có chăng vì các bị cáo bị bắt, dẫn đến việc thanh khoản do dân rút tiền mà thôi”, Hà Văn Thắm bày tỏ./.