“Bầy ong”: chiến thuật sử dụng máy bay không người lái được cả Mỹ và Trung Quốc phát triển

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Sự phát triển của công nghệ đặt ra những vấn đề mới cho chiến lược quân sự, quốc phòng của các nước lớn; trong đó sử dụng máy bay không người lái đang là một điểm được đặc biệt quan tâm.
Mô phỏng các UAV "bầy ong" của Mỹ được phóng từ trên không (Ảnh: QQ).
Mô phỏng các UAV "bầy ong" của Mỹ được phóng từ trên không (Ảnh: QQ).

Làm thế nào để hóa giải cái gọi là chiến lược "chống tiếp cận/từ chối khu vực" (Anti Access/Area Denial - A2AD) của Trung Quốc là vấn đề khiến quân đội Mỹ lo lắng trong nhiều năm. Theo tư duy truyền thống của Lầu Năm Góc, cần phát triển tên lửa tàng hình có tầm bắn xa hơn, hiệu suất tiên tiến hơn và máy bay chiến đấu thế hệ thứ sáu; hiệu quả tốt hay không thì khó nói, nhưng chắc chắn cái giá phải trả sẽ đắt hơn.

Tuy nhiên, tạp chí MIT Technology Review của Mỹ số ra ngày 24/10 tiết lộ Lầu Năm Góc đã bí mật đầu tư theo cách khác. Trong báo cáo ngân sách năm tài chính mới của quân đội Mỹ, một dự án tác chiến không người lái khổng lồ "siêu bầy ong" được che giấu, hy vọng sử dụng kinh nghiệm của cuộc xung đột Nga-Ukraine, với sự trợ giúp của các thuật toán như trí thông minh nhân tạo (AI), sử dụng hàng nghìn máy bay không người lái giá rẻ để "đảm nhận mọi nhiệm vụ trên chiến trường".

Các máy bay không người lái "bầy ong" được lập trình hoạt động theo đường bay riêng nhưng phối hợp với nhau (Ảnh: technologyreview).

Các máy bay không người lái "bầy ong" được lập trình hoạt động theo đường bay riêng nhưng phối hợp với nhau (Ảnh: technologyreview).

Trong cuộc xung đột Nga-Ukraine, các máy bay không người lái cỡ nhỏ giá rẻ, bao gồm cả loại UAV 4 cánh quạt thương mại dân dụng, đã thể hiện được giá trị của chúng. Chúng được dùng cho các nhiệm vụ trinh sát, chỉ điểm mục tiêu cho pháo binh, phá hủy xe tăng…thậm chí tấn công tự sát. Điều này rất khác với tư duy truyền thống về sử dụng máy bay không người lái của Mỹ.

Tạp chí MIT Technology Review nhận thấy rằng quân đội Mỹ thực sự không cứng nhắc chỉ tập trung vào việc phát triển vũ khí hiệu suất cao để đáp ứng những thách thức trong tương lai. Bài viết cho biết, ẩn trong hàng trăm trang tài liệu ngân sách của Lầu Năm Góc là một kế hoạch tác chiến không người lái đầy tham vọng và chưa từng được tiết lộ trước đó, bao gồm nhiều dự án nhằm khắc phục những thách thức về công nghệ của máy bay không người lái "bầy ong" với “quy mô vượt xa bất kì thời gian nào trước đây”.

Mấu chốt của cái gọi là máy bay không người lái "bầy ong" không phải là số lượng lớn máy bay không người lái, mà là chúng được tạo thành một quần thể có tổ chức giống như một "bầy ong". Ví dụ, các màn trình diễn ánh sáng của các máy bay không người lái thường thấy trong các lễ kỷ niệm. Mặc dù hàng trăm hoặc hàng nghìn máy bay không người lái thường hoàn thành các hành động bay phức tạp, nhưng xét về bản chất, mỗi máy bay không người lái có một đường bay riêng, thiếu sự tương tác với nhau. Tuy nhiên, các máy bay không người lái “bầy ong” cần phải cảm nhận môi trường xung quanh khi bay, biết chúng cách xa nhau bao nhiêu và sử dụng các thuật toán để tránh chướng ngại vật. Các phiên bản nâng cao hơn cũng tận dụng trí tuệ nhân tạo để điều phối nhiệm vụ, chẳng hạn như thực hiện tìm kiếm hoặc thực hiện các cuộc tấn công đồng thời.

Các UAV "bầy ong" và đài điều khiển mặt đất (Ảnh: QQ).

Các UAV "bầy ong" và đài điều khiển mặt đất (Ảnh: QQ).

Trên thực tế, Hải quân Mỹ vào đầu năm 2017 đã thực hiện chuyến bay phối hợp kiểu "bầy ong"của 30 UAV. Tuy nhiên, nếu công nghệ này được triển khai trên diện rộng vẫn còn nhiều vấn đề cần giải quyết. Các dự án khác nhau trong chương trình "Super Swarm" (Siêu bầy ong) sẽ giải quyết cụ thể những vấn đề này.

Thứ nhất là các UAV "bầy ong" thường gặp vấn đề về kích thước nhỏ và tầm hoạt động ngắn. Theo ngân sách liên quan, chương trình "Triển khai và Sử dụng các hệ thống tự chủ tầm xa" của quân đội Mỹ nhằm vượt qua thách thức này. Dự án dự định sử dụng các máy bay không người lái cỡ lớn để hoạt động như "tàu sân bay trên không". Mặc dù quân đội Mỹ trước đây đã thử nghiệm dùng các máy bay không người lái lớn để mang và phóng một hoặc hai máy bay không người lái nhỏ hơn từ trên không, nhưng chương trình mới nhằm mục đích vận chuyển và phóng số lượng "cực lớn" các máy bay không người lái cỡ nhỏ mà không có sự can thiệp của con người.

Thứ hai, một khó khăn khác mà máy bay không người lái "bầy ong" phải đối mặt là "chi phí". Bởi vì nó có xu hướng được sử dụng như một vật phẩm tiêu hao, dùng một lần rồi bỏ nên nó cần phải đủ rẻ để được triển khai với số lượng lớn. "Hệ thống máy bay không người lái xách tay dạng ba lô" rẻ nhất của quân đội Mỹ hiện nay có giá 49.000 USD, vẫn còn quá đắt để coi nó là hàng tiêu dùng "dùng một lần" với hàng trăm chiếc được phóng một lần. Dự án "các hệ thống tự chủ sản xuất hàng loạt" theo kế hoạch của quân đội Mỹ sẽ sử dụng công cụ thiết kế kỹ thuật số và in 3D để sản xuất hàng loạt máy bay không người lái chi phí thấp, có thể sản xuất một lúc hàng chục nghìn máy bay không người lái; cũng có thể nhanh chóng sửa đổi các thiết kế trên cùng một nền tảng để tối ưu hóa cho các mục đích nhiệm vụ khác nhau.

Hệ thống phóng UAV "bầy ong" của Công ty Trung Quốc CETGC (Ảnh: QQ).

Hệ thống phóng UAV "bầy ong" của Công ty Trung Quốc CETGC (Ảnh: QQ).

Chương trình “Super Swarm” cũng bao gồm hệ thống điều khiển và chỉ huy phức tạp hơn được thiết kế để giúp con người hợp tác với máy bay không người lái “bầy ong” dễ dàng hơn và cho phép các máy bay không người lái “bầy ong” tự chủ hơn. Nếu gặp phải nhiễu liên lạc hoặc hạn chế băng thông trong khi thực hiện nhiệm vụ, không thể nhận được chỉ thị và quyết sách từ người điều khiển, các máy bay không người lái "bầy ong" sẽ có khả năng hoạt động tự động. Nó sẽ tự đưa ra các quyết định dựa trên các thông tin thu thập được, chẳng hạn như xác định lại đường bay hoặc điều động máy bay không người lái để nhận biết các mối đe dọa mới khi phát hiện thấy chúng.

Nếu những thiết kế này đều có thể trở thành hiện thực, các máy bay không người lái "siêu bầy ong" trong tương lai của quân đội Mỹ sẽ trở nên khá đáng sợ - hàng nghìn máy bay không người lái "bầy ong" mang các phụ tải chiến đấu khác nhau, bao gồm cảm biến cho nhiệm vụ do thám, thiết bị gây nhiễu điện tử hoặc các thiết bị tác chiến điện tử khác dùng cho nhiệm vụ chế áp điện tử và mang theo đạn dược để bay tầm xa, tiến hành trinh sát chi tiết các mục tiêu quy mô lớn, xác định và tấn công mục tiêu.

Theo bài viết, tài liệu về ngân sách cho thấy những chiếc máy bay không người lái "bầy ong" này được xem là một trong những phương án chính để đối phó chiến lược "chống tiếp cận/từ chối khu vực" của Trung Quốc hiện đang khiến quân đội Mỹ đau đầu. “Ngay cả khi hệ thống phòng không của đối phương có thể bắn hạ hàng chục hoặc hàng trăm chiếc máy bay không người lái này, thì vẫn có hàng nghìn chiếc máy bay không người lái có thể đột phá phòng tuyến bất chấp tổn thất, đủ để phá hủy các radar phòng không và các hệ thống phòng thủ khác, đồng thời mở đường cho các cuộc tấn công bằng tên lửa hành trình, máy bay chiến đấu có người lái và các loại vũ khí truyền thống khác."

UAV đang được phóng từ hệ thống của Công ty TQ CETGC (Ảnh: QQ).

UAV đang được phóng từ hệ thống của Công ty TQ CETGC (Ảnh: QQ).

Tuy nhiên, Peter Singer, một chuyên gia về máy bay không người lái của Mỹ cho rằng kế hoạch "siêu bầy ong" sẽ không chắc trở thành "kẻ chiến thắng trong cuộc chiến", bởi vì các nhà nghiên cứu quân sự từ nhiều quốc gia đang nghiên cứu cách đối phó với máy bay không người lái "bầy ong". Ông nói: "Mọi loại vũ khí đều có phương pháp khắc chế, vấn đề chỉ là độ tin cậy và hiệu quả của phương pháp". Các phương pháp hiện được dự kiến ​​để chống lại máy bay không người lái "bầy ong" bao gồm laser, vũ khí vi sóng và gây nhiễu điện tử quy mô lớn.

Ngoài ra, các quốc gia khác ngoài Mỹ cũng đang nghiên cứu phát triển các loại máy bay không người lái tương tự “bầy ong”. Ví dụ, vào năm 2020, Tập đoàn Khoa học công nghệ điện tử Trung Quốc (China Electronics Technology Group Corporation Limited, CETGC) đã thử nghiệm khả năng của "bầy ong" máy bay không người lái cánh cố định phóng từ mặt đất và trên không trong việc thực hiện các nhiệm vụ khác nhau như giám sát mặt đất và tấn công chính xác. Tại Triển lãm Hàng không Chu Hải sắp diễn ra, người ta chờ xem liệu drone "bầy ong" của Trung Quốc có mang đến những bất ngờ mới hay không.