Bầu Hiển xin miễn, giảm thuế cho SHB vì nhận sáp nhập Habubank, VVF

Cùng với việc xin cổ đông thông qua đề án sáp nhập Công ty tài chính Vinaconex Viettel, lãnh đạo SHB còn muốn cơ quan quản lý cho miễn giảm nhiều nghĩa vụ thuế.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Đề án sáp nhập Công ty Tài chính Vinaconex Viettel (VVF) vào Ngân hàng Sài Gòn Hà Nội (SHB) vừa được Đại hội cổ đông bất thường của SHB thông qua sáng 24/10.

Sau khi nhận sáp nhập VVF, SHB sẽ lập Công ty tài chính tiêu dùng SHB Finance với quy mô vốn 1.000 tỷ đồng. Trong nội dung xin ý kiến cổ đông tại cuộc họp này, SHB đưa ra một loạt đề xuất dự kiến gửi tới cơ quan quản lý nhằm miễn, giảm thuế với SHB Finance và bản thân ngân hàng SHB sau sáp nhập VVF. Cụ thể, riêng với công ty tài chính tài chính này, SHB xin miễn toàn bộ thuế thu nhập doanh nghiệp trong 3 năm đầu từ khi thành lập và 50% thuế thu nhập doanh nghiệp trong 2 năm tài chính tiếp theo.

Trong khi đó, với SHB sau sáp nhập VVF, ngân hàng cũng xin miễn 50% thuế. 3 năm tiếp theo được miễn 20% thuế thu nhập doanh nghiệp.

SHB muốn miễn toàn bộ thuế thu nhập doanh nghiệp trong 3 năm từ 2013 đến 2015.

SHB muốn miễn toàn bộ thuế thu nhập doanh nghiệp trong 3 năm từ 2013 đến 2015.

Không chỉ xin cơ chế cho thương vụ sáp nhập VVF dự kiến hoàn thành vào cuối năm nay, SHB còn muốn miễn toàn bộ thuế thu nhập doanh nghiệp trong 3 năm từ 2013 đến 2015. Nhà băng này nhận sáp nhập Habubank vào năm 2012, sau 3 năm thực hiện, dù thương vụ đã được Ngân hàng Nhà nước đánh giá cao và thành công, nợ xấu được xử lý nhưng ông Đỗ Quang Hiển - Chủ tịch SHB cho biết còn nhiều vấn đề bộc lộ. Dự kiến, SHB sẽ chỉnh sửa lại đề án này và trình Ngân hàng Nhà nước xem xét.

Lợi nhuận của VVF trước khi sáp nhập vào SHB liên tục đi xuống. Cuối 2014, VVF lỗ 12 tỷ đồng và mới có lãi trở lại 15 tỷ đồng vào tháng 9 năm nay. Đại diện SHB lý giải, sở dĩ VVF lỗ là do trích lập dự phòng rủi ro nhiều. "Bên cạnh đó, từ khi ký hợp đồng nguyên tắc với họ, tôi đã yêu cầu VVF dừng toàn bộ việc cho vay đầu tư mà chỉ tập trung vào thu hồi nợ thôi. Vì vậym lợi nhuận không tốt", Chủ tịch SHB giải thích.

Khả năng kế hoạch lợi nhuận hơn 1.000 tỷ đồng ĐHCĐ thường niên đã thông qua theo ông Hiển là khả thi.

Đây không phải lần đầu tiên SHB nhận sáp nhập một tổ chức tín dụng. Trước đó, Habubank cũng là một ngân hàng yếu kém, thua lỗ và bên bờ bực phá sản. Tương tự Habubank, tỷ lệ nợ xấu của VVF cũng thường trên hai chữ số nhưng theo ông Đỗ Quang Hiển lại không đáng ngại bởi quy mô chỉ vài chục tỷ đồng.

Về khoản nợ khó đòi 150 tỷ đồng của VVF trong thương vụ tranh cãi bảo lãnh với SeaBank, ông Hiển cho biết sẽ trực tiếp làm việc với ngân hàng này để thu hồi. "Khoản nợ này có tài sản đảm bảo là khu đất giá trị. Tôi tin sẽ xử lý được và cổ đông không phải băn khoăn", ông Hiển nói.

VVF còn một khoản tiền gửi hơn 70 tỷ đồng tại Công ty Hafico. Theo lãnh đạo SHB, công ty này đã được một định chế tài chính của Nhật Bản mua lại và đối tác này đã có công văn trả lời về lộ trình trả số tiền này.

Tại cuộc họp, nhiều cổ đông bày tỏ lo lắng khi thị giá cổ phiếu SHB hiện dưới mệnh giá. Bên cạnh đó, trong khi cổ phiếu ngành ngân hàng thời gian gần đây tăng mạnh nhưng SHB vẫn đứng ngoài xu hướng này. Chia sẻ về lo ngại này, ông Đỗ Quang Hiển cho biết cũng rất "xót ruột" khi nhìn thấy cổ phiếu đi xuống và hứa sẽ làm tất cả để đưa giá cổ phiếu tốt hơn. "Tuy nhiên, SHB luôn là một trong những cổ phiếu có tính thanh khoản cao nhất thị trường", ông Hiển nói.

Theo VnE