Bất đồng với TQ, Thái Lan tự bỏ vốn làm đường sắt

Thái Lan vừa quyết định không vay vốn của Trung Quốc để thực hiện giai đoạn một của dự án đường sắt dài hơn 800 km, kết nối Bangkok với tây nam Trung Quốc thông qua Lào sau khi nảy sinh những bất đồng với Trung Quốc về chi phí dự án.
Bộ trưởng Giao thông Thái Lan Arkhom Termpittayapaisith cho biết Thái Lan sẽ tự bỏ vốn để xây dựng giai đoạn một của tuyến đường sắt kết nối Thái Lan với Trung Quốc. Ảnh: Reuters
Bộ trưởng Giao thông Thái Lan Arkhom Termpittayapaisith cho biết Thái Lan sẽ tự bỏ vốn để xây dựng giai đoạn một của tuyến đường sắt kết nối Thái Lan với Trung Quốc. Ảnh: Reuters

Trước đây, hai nước dự định thành lập liên doanh để thực hiện dự án này và Thái Lan sẽ vay vốn của Trung Quốc để phục vụ dự án.

Tờ The Wall Street Journal đưa tin phát biểu với các phóng viên vào ngày 25-3, Bộ trưởng Giao thông Thái Lan Arkhom Termpittayapaisith cho biết Thái Lan quyết định tự bỏ vốn đầu tư cho giai đoạn một của dự án thay vì vay vốn của Trung Quốc. Ông nói Thái Lan dự toán chi phí cho giai đoạn một của dự án 170 tỉ baht (4,82 tỉ đô la Mỹ) trong khi Trung Quốc nêu ra con số 190 tỉ baht. Ông cũng không đồng tính với mức lãi suất cho vay không thực sự ưu đãi của Trung Quốc. Ông nói Trung Quốc nên cho vay với “mức lãi suất hữu nghị dựa trên quan hệ tốt đẹp giữa Thái Lan và cho Trung Quốc”.

Ngoài ra, theo ông Termpittayapaisith, phía Trung Quốc cũng đòi quyền phát triển nhà ga và bất động sản dọc theo tuyến đường sắt nhưng Thái Lan không chấp nhận.

Ông cho biết Thái Lan sẽ động thổ giai đoạn một (tuyến Bangkok- Nakhon Ratchasima dài 250km) của dự án vào tháng 8 hoặc tháng 9 tới, thay vì tháng 5 như kế hoạch trước đây. Ông nói mặc dù không vay vốn của Trung Quốc nhưng Thái Lan vẫn thuê các công ty xây dựng đường sắt Trung Quốc và sử dụng công nghệ Trung Quốc.

Hôm trước đó, Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha cũng khẳng định chính phủ Thái Lan sẽ tự đầu tư dự án đường sắt Thái Lan-Trung Quốc sau khi các cuộc đàm phán với Trung Quốc về việc hợp tác đầu tư dự án này kéo dài hai năm qua thất bại.

Ông Prayut Chan-o-cha cho biết để có nguồn tài chính phục vụ dự án, chính phủ sẽ trích các nguồn ngân sách và tìm kiếm các khoản vay trong nước. Ông nhấn mạnh Thái Lan chỉ thuê Trung Quốc giám sát phát triển dự án với điều kiện phải sử dụng kỹ sư và công nhân người Thái Lan. Ông cho biết phía Trung Quốc đã đồng ý với quyết định của Thái Lan. Ông nói: “Họ tán thành. Họ nói rằng họ chỉ muốn giúp đỡ và thực sự không muốn hồi đáp bất cứ điều gì. Họ nói rằng họ có cảm giác như người Thái không tin tưởng họ. Tôi nói với họ điều đó không đúng”.

Theo TBKTSG