Bắt đầu triển khai Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia

VietTimes -- Để chuẩn bị cho việc chính thức áp dụng Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia vào ngày 1/1/2020, Bộ Y tế đã tổ chức hội nghị triển khai Luật này tại Hà Nội sáng nay, 16/10.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến phát biểu tại hội nghị (Ảnh: Chí Hiếu)
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến phát biểu tại hội nghị (Ảnh: Chí Hiếu)

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, các hoạt động triển khai Luật hướng vào 3 mục tiêu chính: Hạn chế sự có sẵn của rượu, bia; hạn chế và kiểm soát quảng cáo rượu bia; tăng thuế tiêu thụ đặc biệt vào các sản phẩm rượu bia. 

Vì vậy, trong 3 tháng cuối năm 2019, Bộ Y tế sẽ ban hành các văn bản hướng dẫn thực thi Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia, như xây dựng Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia để trình Chính phủ; Thông tư của Bộ trưởng Bộ Y tế hướng dẫn việc bổ sung chất chỉ thị màu vào các sản phẩm cồn không dùng trong thực phẩm, để phân biệt với cồn thực phẩm và phòng, ngừa pha chế rượu từ sản phẩm cồn không được phép dùng trong thực phẩm…

Tới năm 2020, Bộ Y tế sẽ chủ trì hoặc phối hợp với các bộ, ngành liên quan nhằm thống kê, thu thập và phân tích thông tin, dữ liệu có liên quan đến sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ rượu, bia; thực trạng sử dụng rượu, bia và ảnh hưởng đối với sức khỏe, xã hội, kinh tế do sử dụng rượu, bia làm căn cứ xây dựng và hoàn thiện chính sách, pháp luật về phòng, chống tác hại của rượu, bia, chăm sóc sức khỏe nhân dân, bảo đảm an ninh, trật tự và các vấn đề xã hội khác.

Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia được Quốc hội chính thức thông qua vào ngày 14/6/2019 và sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2020.

"Đây là đạo luật đầu tiên tại Việt Nam điều chỉnh đầy đủ, hoàn chỉnh đối với vấn đề phòng, chống tác hại của rượu, bia, đồng thời, là đạo luật cũng không dễ thực hiện vì liên quan đến thói quen, hành vi tiêu dùng của người dân” - Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nói.

Vì vậy, theo Bộ trưởng, các bộ ngành, cơ quan, địa phương cần trao đổi, giải đáp, chia sẻ thông tin và thảo luận tại buổi hội nghị. Bên cạnh đó, các đơn vị cũng cần nắm rõ các công việc cần phải làm trong thời gian tới để triển khai luật đạt hiệu quả cao nhất.

Bà Trần Thị Trang - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế chia sẻ tại buổi hội nghị (Ảnh: Chí Hiếu)
Bà Trần Thị Trang - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế chia sẻ tại buổi hội nghị (Ảnh: Chí Hiếu)

Thông tin về một số điểm mới của Luật, bà Trần Thị Trang - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế cho biết Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia có 7 chương và 36 điều, đưa ra những biện pháp cơ bản để quản lý, giảm thiểu các tác hại của rượu, bia đối với sức khỏe kinh tế và xã hội. Trong đó, Luật đề cập tới một số quyền của người dân, ví dụ phải được sống trong một môi trường không bị ảnh hưởng bởi tác hại của rượu, bia, được cung cấp các thông tin chính xác về sản phẩm đang sử dụng...

"Đây là căn cứ xuyên suốt để bảo đảm thực hiện được các biện pháp hạn chế việc sản xuất, kinh doanh và quảng bá các sản phẩm rượu bia" - Bà Trần Thị Trang cho biết. 

Đặc biệt, Luật cấm người có nồng độ cồn trong máu và hơi thở điều khiển phương tiện giao thông. Đây là một trong những điểm mới, tiến bộ hơn so với các quy định khác, đồng thời, là quy định thách thức nhất đối với lực lượng chức năng và người dân. Quy định này sẽ góp phần thay đổi những thói quen hành vi của người dân, buộc người dân sử dụng rượu bia hợp lý, không gây ảnh hưởng tới an toàn giao thông, xã hội.

Theo thống kê của WHO, Việt Nam thuộc nhóm quốc gia có tỷ lệ nam giới uống rượu bia cao nhất thế giới và tỷ lệ uống rượu bia ngày càng gia tăng. Năm 2010, có 70% nam và 6% nữ giới trên 15 tuổi có uống rượu bia trong 30 ngày qua, thì sau 5 năm, tỷ lệ này đã tăng lên tương ứng là 80,3% ở nam giới và 11,6% ở nữ giới vào năm 2015.

Tình trạng sử dụng rượu, bia trong lứa tuổi thanh thiếu niên cũng ngày càng tăng cao. Tỷ lệ uống rượu, bia trong vị thành niên và thanh niên đã tăng gần 10% sau 5 năm. Tỷ lệ uống rượu, bia ở mức có hại - tức là uống từ 6 đơn vị rượu trở lên trong một lần uống lên tới 44%.

Do những ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng và gây ra các vấn đề xã hội nghiêm trọng nên rượu, bia là loại hàng hóa được đưa vào kiểm soát chặt chẽ và không khuyến khích tiêu dùng. Ngày 12/2/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định phê duyệt Chính sách quốc gia phòng, chống tác hại của lạm dụng đồ uống có cồn đến năm 2020.