Bảo vệ lợi ích cổ đông tại Vinaconex, câu chuyện nhìn từ một khảo sát “nhỏ”

VietTimes -- Minh bạch thông tin trong hoạt động điều hành doanh nghiệp, đảm bảo quyền lợi và được đối xử công bằng vốn là điều mong mỏi của nhiều cổ đông. Nhưng đôi khi, các cổ đông phải cầu viện đến sự can thiệp pháp lý để bảo đảm quyền lợi chính đáng của mình, như trường hợp xảy ra tại Tổng Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex - Mã CK: VCG).
Tòa nhà trụ sở của Vinaconex (Ảnh: Internet)
Tòa nhà trụ sở của Vinaconex (Ảnh: Internet)

Từ kết quả khảo sát 485 doanh nghiệp niêm yết

Kết quả khảo sát quản trị công ty đối với 485 doanh nghiệp niêm yết năm 2018 được công bố trong buổi “Tập huấn về Thẻ điểm Quản trị công ty DNNY Việt Nam và các vấn đề về công bố thông tin trên Báo cáo thường niên/Báo cáo Phát triển bền vững”, do Sở Giao dịch chứng khoán Tp. HCM (HOSE) tổ chức vào cuối tháng 2/2019, phác họa một bức tranh khá thú vị.

Để hiểu được kết quả khảo sát này, trước tiên cần phải tìm hiểu về phương thức khảo sát. Theo đó, hình thức khảo sát được thực hiện theo bảng hỏi, gồm 77 câu hỏi, chia làm hai cấp độ, bao gồm: 69 câu hỏi cấp 1 và 8 câu hỏi cấp 2.

Trong đó, các câu hỏi cấp 1, với tổng điểm là 100, tập trung “chấm điểm” xoay quanh vấn đề: Quyền cổ đông và đối xử công bằng giữa các cổ đông (nhóm A); Vai trò các bên hữu quan (nhóm B); Công bố và minh bạch (nhóm C); Vai trò, trách nhiệm Hội đồng quản trị (nhóm D).

Câu hỏi cấp 2 được chia làm hai nhóm, gồm 2 câu hỏi cộng điểm và 6 câu hỏi trừ điểm.

Với cấu trúc bảng hỏi như trên, số điểm tối đa mà mỗi doanh nghiệp đạt được là 104 điểm. Trong trường hợp bị “dính” tất cả 6 câu hỏi trừ điểm cấp 2 (bị trừ tối đa 18 điểm), số điểm tối đa mà các doanh nghiệp có thể đạt được cũng sẽ ở mức 86 điểm.

Phân loại theo tháp quản trị, kết quả khảo sát cho thấy, đa phần các doanh nghiệp được đánh giá từ “cơ bản” đến “đáng khen”. Trong khi đó, chỉ có 17 doanh nghiệp “đi đầu”, chiếm 3,5% số doanh nghiệp khảo sát, với số điểm lớn hơn 70 điểm.

Phân loại theo phổ điểm, số điểm của các doanh nghiệp chủ yếu thuộc khoảng từ 45-65 điểm, trong đó nhiều nhất là khoảng 50-55 điểm với 123 doanh nghiệp. Đáng chú ý, kết quả cũng cho thấy không có doanh nghiệp nào được từ 80 điểm trở lên.

Điều đó cho thấy chất lượng quản trị ở ngay mức độ “cấp 1” vẫn còn nhiều “khoảng trống”, các nguyên tắc quản trị công ty vẫn chưa được đảm bảo, thậm chí là ở các doanh nghiệp được đánh giá là “đi đầu”.

Một số kết quả của cuộc khảo sát (Nguồn: HOSE)
Một số kết quả của cuộc khảo sát (Nguồn: HOSE)

Nếu đi vào chi tiết, ở nhóm A và nhóm B còn xuất hiện cả tình trạng doanh nghiệp bị điểm "liệt", tức 0 điểm, với mức điểm trung bình tương ứng đạt 55,2% và 36,2% số điểm.

Dù quy mô khảo sát chỉ chiếm một phần nhỏ trong số hàng nghìn doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán, nhưng số liệu đã phần nào phản ánh thực tế quyền cổ đông và việc đối xử công bằng giữa các cổ đông tại các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường Việt Nam vẫn còn nhiều bất cập.

Không phải ngẫu nhiên mà cứ đến “mùa” Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ), có không ít các vấn đề quanh đến việc bảo vệ lợi ích của cổ đông tại các doanh nghiệp được truyền thông phản ánh.

Minh bạch thông tin trong hoạt động điều hành doanh nghiệp, đảm bảo quyền lợi và được đối xử công bằng vốn là điều mong mỏi của nhiều cổ đông nhằm chung tay xây dựng công ty phát triển bền vững.

Nhưng đôi khi, các cổ đông phải cầu viện đến sự can thiệp pháp lý để bảo đảm quyền lợi chính đáng của mình, đơn cử như một số trường hợp nổi bật gần đây.

Trong đó, có thể kể tới trường hợp xảy ra tại Tổng Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex - Mã CK: VCG).

"Điểm nóng" tại Vinaconex

Ngày 27/3/2019, Tòa án Nhân dân (TAND) Quận Đống Đa ban hành quyết định số 01/2019/QĐ-BPKCTT (Quyết định 01/2019) áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, buộc Vinaconex phải tạm dừng thực hiện Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) bất thường số 01/2019/NQ-ĐHĐCĐ ngày 11/1/2019 của doanh nghiệp này.

Quyết định được đưa ra sau khi đơn vị này tiếp nhận và xem xét đơn của các cổ đông lớn tại Vinaconex là Công ty TNHH Bất động sản Cường Vũ (Cường Vũ); Công ty TNHH Đầu tư Star Invest (Star Invest). (Các ông Nguyễn Quang Trung và Thân Thế Hà đã rút đơn).

Đây là 2 trong số 3 cổ đông lớn (bao gồm cả Công ty TNHH An Quý Hưng) đã “thế chân” Tổng Công ty kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) và Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội (Viettel) khi các doanh nghiệp này thoái vốn tại Vinaconex.

Được biết, Nghị quyết ĐHĐCĐ bất thường số 01/2019/NQ-ĐHĐCĐ ngày 11/1/2019 của Vinaconex có nội dung chủ yếu là bầu ra Hội đồng quản trị (HĐQT) và Ban kiểm soát (BKS) cho nhiệm kỳ 2017 - 2022.

Danh sách thành viên HĐQT và BKS nhiệm kỳ 2017 - 2022 theo Nghị quyết ĐHĐCĐ bất thường số 01/2019/NQ-ĐHĐCĐ ngày 11/1/2019 của Vinaconex (Nguồn: Vinaconex)
Danh sách thành viên HĐQT và BKS nhiệm kỳ 2017 - 2022 theo Nghị quyết ĐHĐCĐ bất thường số 01/2019/NQ-ĐHĐCĐ ngày 11/1/2019 của Vinaconex (Nguồn: Vinaconex) 

Ngay sau đó, ngày 29/3/2019, Vinaconex đã có đơn khiếu nại quyết định của Tòa án với nội dung cho rằng quyết định này là “vội vàng”, làm đình trệ hoạt động của công ty, gây ra thiệt hại nghiêm trọng về kinh tế.

Cũng trong đơn khiếu nại, Vinaconex cho biết đã lập vi bằng về việc giảm giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán với số tiền mất đi là 1.236 tỷ đồng trong phiên giao dịch mà thông tin về vụ kiện được công bố.

Tuy nhiên, đến ngày 4/2/2019, phản hồi đơn kiến nghị của công ty này, TAND Quận Đống Đa cho rằng việc buộc Vinaconex dừng thực hiện nghị quyết ĐHĐCĐ cho đến khi có quyết định cuối cùng là phù hợp với quy định của pháp luật và cần thiết nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người yêu cầu, của công đông Vinaconex và để tránh những hậu quả có thể xảy ra gây thiệt hại cho các cổ đông.

Theo Luật sư Trần Việt Hùng, khi xem xét tính cấp thiết để áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, phải đánh giá về khả năng tác động của văn bản mà đương sự yêu cầu dừng thực hiện, đó là nghị quyết của ĐHĐCĐ. Nếu không dừng thực hiện, một hiện trạng mới có thể được tạo ra mà có nguy cơ sau này không khắc phục được.

“Chẳng hạn, nghị quyết thông qua việc bầu HĐQT công ty và HĐQT này sau đó ban hành nhiều quyết định quản trị công ty và những quyết định đó có thể thay đổi tổ chức, bộ máy hoặc gây rủi ro cho công ty. Vì thế, cần phải dừng thực hiện nghị quyết đó để ngăn chặn những rủi ro tiềm ẩn” - ông Hùng bày tỏ quan điểm.

Các cổ đông khởi kiện lo sợ gì?

Trong công văn phản ánh gửi tới SCIC, cổ đông Star Invest cho rằng từ khi HĐQT mới được bầu ra, các thành viên do An Quý Hưng cử vào đã thông qua một số quyết định phục vụ lợi ích nhóm cổ đông của mình.

Tại phiên họp đầu tiên của HĐQT (sau khi bầu) diễn ra ngày 21/1/2019, các thành viên từ An Quý Hưng đã đề xuất sửa đổi Quy chế tổ chức và hoạt động của HĐQT và Quy chế quản lý tài chính.

Theo đó, quyền bổ nhiệm cán bộ đại diện vốn sẽ thuộc cá nhân Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc. Mặt khác, Chủ tịch HĐQT sẽ được quyền quyết định mọi giao dịch có giá trị lên tới cả ngàn tỷ đồng, Tổng Giám đốc quyết tới 500 tỷ đồng mà ko cần thông qua HĐQT.

Trước đây, khi Vinaconex còn được kiểm soát bởi hai cổ đông nhà nước là SCIC và Viettel thì Chủ tịch HĐQT được quyết định đến 15 tỷ đồng, Tổng giám đốc được quyết định đến 5 tỷ đồng.

Lo ngại những rủi ro khi trao quyền tự quyết định quá lớn cho các cá nhân, một số thành viên HĐQT khác đã đưa ra những cảnh báo. Tuy nhiên, theo phản ánh của các cổ đông tiến hành nộp đơn, các ý kiến này đều bị bỏ qua.

Mặt khác, các cổ đông cũng bày tỏ lo lắng trước các quyết định đầu tư mà HĐQT mới thông qua. Trong đó, có thể đến việc HĐQT tạm ứng cổ tức khoảng 442 tỷ đồng trong khi Công ty đang cần nguồn vốn để phát triển và phải vay ngân hàng 300 tỷ đồng để trả khoản tiền tạm ứng cổ tức này; hay như quyết định sử dụng quỹ đầu tư phát triển để mua cổ phiếu quỹ với giá trị lên tới 714 tỷ đồng (sau khi điều chỉnh).

“Với tư cách là một cổ đông lớn, chúng tôi đặt ra nhiều câu hỏi về mục đích và ý nghĩa thật sự của những việc mà HĐQT đang làm. Nếu cứ tiếp tục tình trạng này thì các nguồn lực tài chính của Tổng Công ty chẳng mấy chốc sẽ cạn kiệt và tương lai của Tổng Công ty, hàng chục đơn vị thành viên, hàng chục ngàn cán bộ công nhân viên sẽ đi về đâu” - cổ đông Star Invest chia sẻ quan điểm.

Chiều ngày 1/4/2019 vừa qua, Vinaconex đã tổ chức buổi gặp gỡ cổ đông và báo chí để thông tin thêm về sự việc.

Cũng tại buổi gặp mặt này, ông Đào Ngọc Thanh (người được bầu làm Chủ tịch HĐQT Vinaconex sau phiên họp đầu tiên) cho biết mọi việc đều thực hiện theo quy định của pháp luật với mục tiêu hướng đến là giúp Vinaconex trở thành công ty đa ngành, không bán bất cứ tài sản nào.

Đồng thời, kế hoạch mua lại cổ phiếu quỹ của công ty hướng đến việc bảo toàn lợi ích và giá trị cho cổ đông, doanh nghiệp./.