Bảo vệ Đài Loan, Mỹ từng dọa tấn công hạt nhân Trung Quốc

VietTimes -- Chỉ 11 ngày sau khi đảo Yijiangshan thất thủ, Quốc hội Mỹ đã thông qua Nghị quyết Formosa, cam kết bảo vệ Đài Loan khỏi các cuộc tấn công khác. Sau đó vào tháng 3, Mỹ đã cảnh báo Washington đang cân nhắc sử dụng vũ khí hạt nhân để bảo vệ chính quyền Quốc dân đảng.
Pháo đài bay B-52 của Mỹ
Pháo đài bay B-52 của Mỹ

Vào năm 1955, quân đội Trung Quốc (PLA) đã thực hiện một cuộc đổ bộ đẫm máu để chiếm giữ một hòn đảo từ tay Quốc dân đảng dù đảo này chỉ rộng bằng hai lần sân golf. Cuộc chiến này không chỉ thể hiện khả năng hải quân lớn mạnh của Trung Quốc mà còn là thời khắc quan trọng khiến tổng thống Mỹ Eisenhower đe dọa sẽ tấn công hạt nhân vào Trung Quốc và khiến Quốc hội Mỹ cam kết bảo vệ Đài Loan.

Năm 1949, quân đội  Trung Quốc của Mao Trạch Đông đã đuổi được chính quyền Quốc dân đảng của Tưởng Giới Thạch ra khỏi Trung Quốc đại lục. Tuy nhiên, hải quân của Quốc dân đảng vẫn cho phép họ duy trì chỗ đứng trên các hòn đảo lớn như đảo Hải Nam và Formosa, cũng như các hòn đảo nhỏ hơn cách các thành phố lớn của đại lục chỉ một số dặm như đảo Kim Môn và Mã Tổ. Những đảo này nhanh chóng được tăng cường binh lính và súng đạn, và đã tham gia vào các cuộc đấu pháo kéo dài với các lực lượng PLA từ đại lục.

Vào năm 1950, PLA đã thực hiện một loạt các cuộc đổ bộ, đáng chú ý nhất là cuộc đổ bộ chiếm giữ đảo Hải Nam trên Biển Đông. Tuy nhiên, cuộc đổ bộ lên đảo Kim Môn đã bị xe tăng của Quốc dân đảng đẩy lùi trong trận Guningtou, chặn đường cho cuộc tấn công cuối cùng vào Đài Loan. Sau đó những sự kiện can thiệp khác như chiến tranh Triều Tiên đã khiến tổng thống Truman triển khai hạm đội số bảy đến bảo vệ Đài Loan. Tuy nhiên cuộc phong tỏa hải quân đã cắt đứt cả hai đường, ông Truman không cho phép lãnh đạo Quốc dân đảng là Tưởng Giới Thạch thực hiện các cuộc tấn công vào Trung Quốc Đại Lục.

Chính sách này thay đổi khi Eisenhower lên làm tổng thống Mỹ năm 1953. Ông đã rút Hạm đội số bảy về, cho phép Quốc dân đảng xây dựng lực lượng trên các đảo và thực hiện nhiều cuộc tấn công du kích vào đại lục. Tuy nhiên PLA có thể phản công lại với pháo hạng nặng, tàu chiến và máy bay mà nước này mua được từ Nga. Một loạt các cuộc đấu súng, chiến tranh hải quân và các cuộc bắn phá trên không diễn ra sau đó đã gây ra cuộc khủng hoảng eo biển Đài Loan lần thứ nhất.

Vào ngày 14/11, bốn tàu ngư lôi của hải quân Trung Quốc đã phục kích tàu khu trục Thái Bình của Quốc dân đảng. Ánh sáng phát ra từ tàu khu trục này đã khiến các tàu của Trung Quốc nhận diện được mục tiêu và tấn công bằng ngư lôi, và con tàu nặng 1.400 tấn này đã chìm trước khi được cứu. Sau đó máy bay ném bom Il-10 Sturmovik của lực lượng không quân hải quân Trung Quốc đã tấn công Cảng Dachen, đánh chìm tàu đổ bộ Zhongquan. Những hành động này cho thấy Quốc dân đảng không thể bảo đảm được việc kiểm soát vùng biển này, khiến các tuyến đường hàng hải tiếp viện cho các đơn vị đồn trú trên các đảo này trở nên kém an toàn hơn.

Trong khi PLA nã pháo hạng nặng vào đảo Kim Môn, phía đông thành phố Hạ Môn vốn được bảo vệ rất chắc chắn, PLA đã ngay lập tức lên kế hoạch bảo vệ quần đảo Dachen gần Thái Châu tỉnh Chiết Giang. Tuy nhiên, quần đảo Yijiangshan, cách bờ biển Trung Quốc hơn 10 dặm lại ngáng đường. Hai quần đảo này rộng chỉ bằng 2/3 dặm vuông nhưng lại được bảo vệ bởi hơn 1.000 lính Quốc dân đảng 100 ụ súng máy và 60 khẩu pháo ở Lữ đoàn pháo binh số bốn. Chỉ huy của pháo đài này là ông Wang Shen-ming đã từng được Tưởng Giới Thạch tặng thưởng trước khi được cử đến trấn giữ tiền đồn này. Điều này thể hiện tầm quan trọng của tiền đồn trên đảo Dachen.

Vào ngày 16/12/1955, tướng Trương Ái Bình của PLA đã thuyết phục Bắc Kinh rằng ông có thể thực hiện một cuộc đổ bộ thành công lên đảo vào ngày 18/1/1956. Tuy nhiên quá trình lên kế hoạch đã không diễn ra một cách suôn sẻ: tướng Trương phải vượt qua sự lo lắng từ phía Bắc Kinh về việc hải quân sẵn sàng thực hiện hoạt động này. Hơn nữa, lính của ông Trương Ái Bình cũng phản đối một cuộc tấn công đổ bộ vào ban đêm. Sau đó ông Trương phải đưa ra một kế hoạch tấn công thay thế “kiểu Trung Quốc”, tức là phải triển khai tấn công hỏa lực và quân đội vào ban ngày.

Vào 8h sáng ngày 18/12, 54 chiếc máy bay tấn công Il-10 và máy bay ném bom Tu-2 hai động cơ được 18 máy bay chiến đấu La-11 hộ tống đã tấn công đại bản doanh và các vị trí đặt pháo binh của quân đội Quốc dân đảng. Đây là đợt tấn công đầu tiên kéo dài 6 tiếng trên không, bao gồm 184 máy bay, thả 115 tấn bom.

Trong khi đó, bốn tiểu đoàn pháo binh hạng nặng và súng máy trên bờ ở gần Toumenshan đã nã 41 nghìn loạt đạn súng cối vào hòn đảo nhỏ này.

Cuộc tấn công đổ bộ cuối cùng đã bắt đầu sau 2h chiều, với sự tham gia của 3.000 quân đến từ trung đoàn bộ binh số 178 và một tiểu đoàn số 180. Đội quân này có 140 tàu đổ bộ và phương tiện vận chuyển, được hộ tống bởi 4 tàu khu trục nhỏ, hai pháo hạm và 6 tàu chở pháo rocket. Những tàu này bắt đầu tấn công hòn đảo bằng hỏa lực cùng với quân lính từ tiểu đoàn 180. Đến thời điểm đó, phần lớn súng của quân Quốc dân đảng trên đảo Yijiangshan đã bị tê liệt cho dù pháo binh vẫn đánh chìm 1 tàu của hải quân Trung Quốc, làm hỏng 21 tàu khác, làm chết hoặc làm bị thương hơn 100 thủy thủ.

Quân lính từ trung đoàn 180 đã tấn công bờ biển phía nam vào lúc 2h30, ngay sau đó là tiểu đoàn 178 tấn công phía bắc, tổng khu vực đổ bộ chỉ hơn 1.000m. Hỏa lực súng máy từ hai ụ súng máy còn nguyên vẹn đã khiến hàng trăm quân Trung Quốc thiệt mạng, cho đến khi các máy bay ném bom hạng nhẹ và pháo từ chiến hạm hải quân chế áp được lực lượng phòng vệ. Ngay sau 3h chiều, các lực lượng Trung Quốc thực hiện tấn công đã chiếm được Đồi 93.

Khi lực lượng phòng thủ bị đánh bại, quân Quốc dân đảng quay về cố thủ dưới lòng đất. Quân đội PLA đã bắt đầu dọn sạch các hầm chứa, các động và các đường hầm với súng phun lửa, dập tắt và thiêu sống nhiều quân phòng vệ. Binh lính Quốc dân đảng trên đảo Dachen đã nhận được mệnh lệnh cuối cùng từ tư lệnh Wang Shen-ming tại pháo đài trên Đồi 121, cho biết quân PLA chỉ cách đó 50 thước. Ngay sau đó ông ta đã tự tử bằng lựu đạn.

Pháo binh Đài Loan tập trận chống đổ bộ
Pháo binh Đài Loan tập trận chống đổ bộ
Lực lượng xe bọc thép của Đài Loan diễn tập
Lực lượng xe bọc thép của Đài Loan diễn tập
Quân đội Đài Loan phóng tên lửa trong tập trận chống đổ bộ
Quân đội Đài Loan phóng tên lửa trong cuộc tập trận chống đổ bộ

Lúc 5h30, đảo Yijiangshan được tuyên bố đã an toàn, tướng Trương Ái Bình nhanh chóng chuyển chỉ huy sở tới đảo này và cố gắng tổ chức quân đội vào các vị trí phòng thủ để đẩy lùi cuộc phản công từ phía Quốc dân đảng từ quần đảo Dachen, dù cho cuộc phản công này chẳng bao giờ xảy ra. Một số người cho rằng lực lượng này có thể đã phải chịu thương vong từ máy bay ném bom không quân trong thời gian này.

Con số thương vong của Trung Quốc trong cuộc xâm lược này là 1.529 người, trong đó có 416 người chết. Đổi lại, PLA đã tuyên bố Quốc dân đảng có 567 người chết và 519 người bị bỏ tù, trong khi phía Đài Loan vẫn cho rằng tổng số lính bị giết là 712 người, 12 y tá và gần 130 người bị bắt giữ. Hiện nay, cuộc chiến giữ đồn này chỉ còn được lưu lại dấu ấn với một số đài tưởng niệm ở Đài Loan.

Trận chiến chiếm đảo Yijiangshan diễn ra ngay sau đó vào hôm 19/1, sau khi thực hiện chiến dịch của PLA trên quần đảo Dachen. Cuộc tấn công Yijiangshan lại một lần nữa được thực hiện bởi các cuộc không kích và pháo kích. Một cuộc không kích đã hạ gục được một hồ chứa nước trên hòn đảo chính và đánh vào hệ thống thông tin liên lạc vô tuyến, và Mỹ đã khuyên chính quyền Đài Loan rằng các hòn đảo này không thể trụ được nữa. Vào ngày 5/2, hơn 132 tàu của Hạm đội 7 Mỹ với 400 máy bay chiến đấu đã sơ tán 14.500 người dân và 14.000 lính Quốc dân đảng và quân du kích rời khỏi quần đảo này, kết thúc hoàn hoàn sự hiện diện quân sự của chính quyền Đài Loan ở tỉnh Chiết Giang.

Chỉ 11 ngày sau khi đảo Yijiangshan thất thủ, Quốc hội Mỹ đã thông qua Nghị quyết Formosa, cam kết bảo vệ Đài Loan khỏi các cuộc tấn công khác. Sau đó vào tháng 3 Mỹ đã cảnh báo Washington đang cân nhắc sử dụng vũ khí hạt nhân để bảo vệ chính quyền Quốc dân đảng. Chỉ một tháng sau đó, chính quyền Mao Trạch Đông đã đã báo hiệu sẵn sàng đàm phán và cuộc bắn phá vào các hòn đảo của Quốc dân đảng đã chấm dứt vào tháng 5.

Liệu chính sách bên bờ vực chiến tranh hạt nhân của tổng thống Eisenhower có phải điều giúp chấm dứt chính sách thù địch hay không thì còn phải tranh luận nhiều. Sự thù địch lại tái diễn ba năm sau đó trong cuộc khủng hoảng eo biển Đài Loan lần thứ hai, khiến Mỹ cung cấp tên lửa không đối không Sidewinder và yểm trợ pháo hạng nặng cho Đài Loan giúp bảo đảm kết quả thuận lợi cho Quốc dân đảng.

Tướng Trương Ái Bình, chỉ huy lực lượng tấn công chiếm đảo tiếp tục phục vụ ở những vị trí cao trong quân đội Trung Quốc, bao gồm cả chức Bộ trưởng Quốc phòng giai đoạn 1983-1988. Tuy nhiên, ông đã gặp phải các rắc rối chính trị trên con đường của mình: ông bị đánh gãy chân trong cuộc cách mạng văn hóa khi bất hòa với Mao Trạch Đông. Vào năm 1989, tướng Trương nằm trong số các tướng lĩnh ký một văn kiện phản đối đàn áp tại quảng trường Thiên An Môn.

Mỹ vẫn cam kết bảo vệ Đài Loan cho dù không công nhận quy chế cao hơn cho vùng lãnh thổ này. Bất chấp những căng thẳng gần đây, quan hệ Trung Quốc- Đài Loan đã được cải thiện rất nhiều. Tuy nhiên, năng lực tác chiến của PLA cũng đã phát triển đáng kể trong khoảng thời gian đó.

Nếu có xung đột quân sự, nhiều người tin rằng Trung Quốc sẽ sử dụng các thủ thuật hiện đại tương tự như từng sử dụng ở trận Yijiangshan: Đó là tấn công hỏa lực mạnh mẽ bằng tên lửa tầm xa và không quân trước khi quân đội Trung Quốc tấn công hòn đảo. Tuy nhiên ai cũng mong viễn cảnh này mãi mãi chỉ là trên lý thuyết.