Báo Trung Quốc: Ông Obama có chiến lược thiếu hiệu quả ở Syria, nhưng còn nhiều di sản khác

VietTimes -- Chiến lược do dự của Tổng thống Mỹ Barack Obama không đạt hiệu quả ở Syria, có thể tạo ra "thách thức to lớn" cho Mỹ trong tương lai, nhưng Barack Obama có nhiều di sản ngoại giao khác.
Tổng thống Mỹ Barack Obama. Ảnh: AP News
Tổng thống Mỹ Barack Obama. Ảnh: AP News

Tờ Tin tức Tham khảo Trung Quốc ngày 20/12 dẫn hãng tin Reuters Anh cho rằng cùng với vài khu vực cuối cùng do quân nổi dận kiểm soát ở thành phố Aleppo, Syria bị chiếm mất, điều này có thể quyết định số phận của "chủ nghĩa Obama".

Trong tình hình quân nổi dậy được Mỹ ủng hộ bị Quân đội Chính phủ Syria (được Nga và Iran ủng hộ) đánh bại, chiến lược thận trọng của Tổng thống Mỹ Barack Obama đối với cuộc xung đột Syria sẽ bị dính "đòn nặng". Trong khi đó, ông Obama sẽ rời nhiệm sở vào ngày 20/1/2017.

Một số quan điểm phê phán cho rằng ông Barack Obama sẽ để lại di sản không thành, giống như cựu Tổng thống Bill Clinton từ chối can thiệp vào Rwanda năm 1994. Lẽ ra, ông Barack Obama phải có nhiều hành động hơn.

Mặc dù dự kiến cuộc chiến tranh này sẽ kéo dài, nhưng chiến thắng của chính quyền Bashar ở Aleppo đã đem lại tư liệu thực tế sống động cho Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump. Ông cho rằng quân nổi dậy đã tan rã, Mỹ cần thay đổi cuộc chiến với IS, hợp tác với Nga và tiến tới hợp tác với Chính phủ Syria.

Người dân chúc mừng chiến thắng của  Quân Chính phủ Syria ở Aleppo. Ảnh: Cankao
Người dân chúc mừng chiến thắng của Quân Chính phủ Syria ở Aleppo. Ảnh: Cankao

Syria là một trong những nơi thử nghiệm chính của chính sách Barack Obama (dựa vào lực lượng vũ trang địa phương, chứ không phải triển khai Quân đội Mỹ với quy mô lớn). Điều này đã phản ánh ông không sẵn sàng tiếp tục bị lôi kéo vào các cuộc xung đột mặt đất, giống như chiến tranh Iraq.

Chiến lược này đã không có hiệu quả ở Syria. Ngày 13/12, Quân đội Syria cho biết đến ngày 14/12 có thể tuyên bố kiểm soát toàn diện khu vực phía đông Aleppo.

Đại sứ Nga tại Liên hợp quốc Churkin cho hay hai bên xung đột đạt được thỏa thuận cho phép quân nổi dậy còn lại rút khỏi sào huyệt cuối cùng ở Aleppo.

Chủ tịch Ủy ban Quân sự Thượng viện Mỹ, Thượng nghị sĩ John McCain cho rằng: "Lịch sử sẽ phán xét, những kết quả ngoài ý muốn này sẽ tạo ra thách thức to lớn cho Mỹ trong vài năm tới".

Barack Obama bị phê phán vì từ chối cung cấp đầy đủ vũ khí và các ủng hộ khác cho tổ chức nổi dậy ôn hòa để ép Bashar cùng với Nga và Iran đàm phán kết thúc sự thống trị của ông.

Nhà nghiên cứu Emile từ Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế cho rằng: "Barack Obama thực hiện chính sách do dự ở Syria, chỉ loay hoay với các sự lựa chọn, mãi cho tới khi những sự lựa chọn này không còn tồn tại".

Tổng thống Obama lại khẳng định rằng chính sách của ông là thận trọng và sáng suốt. Người phát ngôn của ông cho hay trách nhiệm hàng đầu của Obama là bảo vệ lợi ích và an toàn của người Mỹ.
Trong khi đó, ông Donald Trump thề sẽ chuyển mạnh từ chiến lược thận trọng của ông Barack Obama sang chiến lược tích cực hơn, nhưng vẫn chưa rõ ông sẽ tiến hành như thế nào.

Tổng thống đắc cử Donald Trump (ảnh tư liệu)
Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump (ảnh tư liệu)

Ông sẽ kế thừa một cuộc xung đột ngày càng phức tạp ở Syrira. Rất nhiều chuyên gia lo ngại ông Donald Trump thiếu kinh nghiệm ngoại giao, có thể dẫn tới những tính toán sai lầm rất nguy hiểm.
Nếu sau khi Aleppo bị chiếm, ông Donald Trump thực hiện cam kết hợp tác với Nga (người bảo hộ cho Bashar) thì quân nổi dậy phe ôn hòa ở Syria có khả năng ngả về một số phe vũ trang (vốn tạo ra mối đe dọa tiềm tàng cho lợi ích của phương Tây).

Cuộc nội chiến Syria hiện đã khiến cho khoảng 400.000 người chết, hơn 11 triệu người không có nhà để quay về, rất nhiều người chạy sang các nước láng giềng hoặc mạo hiểm chạy đến châu Âu.
Theo bài báo, các hành động của Barack Obama sẽ là tiêu chuẩn để lịch sử đánh giá ông.

Năm 2011, ông Barack Obama bắt đầu yêu cầu ông Bashar phải ra đi. Nhưng ông chưa từng cung cấp đầy đủ hỏa lực cho tổ chức nổi dậy ôn hòa để lật đổ chính quyền Bashar hoặc ép Bashar đến trước bàn đàm phán.

Ông không thể thực hiện không kích đủ mạnh để ép thực hiện "ranh giới đỏ" mà Mỹ vạch ra vào năm 2012 đối với việc sử dụng vũ khí hóa học của Bashar. Điều này làm cho uy tín của Mỹ bị "trọng thương".

Vào tháng 10/2016, ông Barack Obama còn từ chối đề nghị áp dụng mạnh tay hơn với Bashar. Trái lại, ông ưu tiên cân nhắc sử dụng chiến dịch không kích do Mỹ lãnh đạo và đồng minh tại chỗ (được đặc nhiệm Mỹ hỗ trợ) để tấn công IS.

Chiến lược này kiên trì công thức do ông Barack Obama đưa ra trong bài phát biểu ở trường quân sự West Point vào năm 2014. Ông Obama cho biết rõ là chỉ khi ông cho rằng lợi ích của Mỹ bị đe dọa thì mới tiến hành can dự vào các cuộc xung đột ở nước ngoài.

Điều này làm cho hàng nghìn binh sĩ Mỹ quay lại Iraq ủng hộ Quân đội Iraq tấn công IS.

Nga dưới thời Tổng thống Vladimir Putin đã thực hiện chiến dịch quân sự quy mô kéo dài ở Syria trong cuộc chiến chống IS. Ảnh: The Telegraph.
Nga dưới thời Tổng thống Vladimir Putin đã thực hiện chiến dịch quân sự quy mô kéo dài ở Syria trong cuộc chiến chống IS. Ảnh: The Telegraph.

Nhưng, ở Syria, mặc dù đã cung cấp vài tỷ USD viện trợ cho người tị nạn, nhưng chiến lược của ông Barack Obama không thể làm dịu đi cuộc khủng hoảng nhân đạo ở đó. Một số người cho rằng đây là một cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng nhất kể từ khi kết thúc Chiến tranh thế giới lần thứ hai.

Gần đây, ông Barack Obama cho biết tình hình nghiêm trọng của Syria "luôn chi phối ông", nhưng ông kiên trì cho rằng cho dù tiếp tục lựa chọn thì cách làm của ông cũng sẽ không có nhiều thay đổi.
Cựu Đại sứ Mỹ tại Iraq và Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng chiến lược né tránh rủi ro của ông Barack Obama không chỉ làm cho Bashar có thể tấn công mạnh mẽ phe đối lập, hơn nữa đã mở ra cánh cửa lớn cho Nga và Iran mở rộng ảnh hưởng ở Trung Đông.

Tuy nhiên, một cựu chuyên gia phân tích tình báo cao cấp Mỹ về vấn đề Trung Quốc cho rằng Barack Obama rút lui ở Syria là đúng, bởi vì ở đó không phải là nơi đầu tư uy tín và nguồn lực của Mỹ để thay đổi chính quyền.

Một lãnh đạo phe đối lập ở Syria cho rằng "lịch sử mãi mãi sẽ không tha thứ cho Obama đã làm gì cho nhân dân Syria". Trong khi đó, người phát ngôn Nhà Trắng Ernest cho rằng các nhà nghiên cứu lịch sử có thể kết thúc tranh cãi về chính sách Syria của Obama.

Một số trợ lý ở Nhà Trắng ngầm thừa nhận, Syria có khả năng làm hoen ố các thành quả để lại của Obama. Nhưng họ hy vọng những di sản của ông sẽ được tăng lên ở các lĩnh vực khác bao gồm thỏa thuận hạt nhân Iran, khôi phục quan hệ ngoại giao với Cuba và Myanmar, tiêu diệt trùm khủng bố Osama bin Laden và chưa để nước Mỹ bị tấn công khủng bố như sự kiện 11/9.