Báo Trung Quốc bình luận việc Việt Nam mua xe tăng T-90S Nga

VietTimes -- Tờ Người quan sát Trung Quốc "dìm hàng" rằng tính năng cơ bản của xe tăng T-90S chỉ tương đương với xe tăng T-80U của cuối thập niên 1980. Báo Trung Quốc tự tin phán rằng mặc dù xe tăng T-90S và VT-4 (Trung Quốc) đều thuộc xe tăng thế hệ thứ ba, nhưng tính năng bọc thép và hỏa lực của VT-4 đã hơn T-90S một bậc.
Xe tăng chiến đấu T-90S do Nga chế tạo. Ảnh: Guancha.
Xe tăng chiến đấu T-90S do Nga chế tạo. Ảnh: Guancha.

Nga bắt đầu bàn giao xe tăng T-90S cho Việt Nam

Theo hãng tin Interfax Nga ngày 7/11, tại Triển lãm quốc phòng và an ninh quốc tế 2017 tổ chức tại Thủ đô Băng Cốc, Thái Lan từ ngày 6 - 9/11/2017, Phó Cục trưởng Cục hợp tác kỹ thuật quân sự Liên bang Nga Mikhail Petukhov tiết lộ, Nga đã bắt đầu bàn giao xe tăng chiến đấu T-90S cho Việt Nam theo kế hoạch.

Ông Mikhail Petukhov nói: “Thông qua đàm phán giữa chuyên gia Nga và Việt Nam, hai bên đã ký kết hợp đồng bàn giao xe tăng T-90S và T-90SK, giao dịch đã bước vào giai đoạn thực hiện”.

Đầu năm 2017, báo cáo thường niên của nhà máy Uralvagonzavod Nga cho biết họ đã nhận được đơn đặt hàng từ Việt Nam, số lượng mua sắm tổng cộng 64 chiếc. Trong đó, T-90S là xe tăng chiến đấu phiên bản cơ bản, còn T-90SK là phiên bản chỉ huy.

Theo tiết lộ từ Triển lãm hàng không Moscow trước đây, kim ngạch hợp đồng xe tăng T-90 giữa Việt Nam và Nga khoảng 250 triệu USD (mỗi chiếc khoảng 3,9 triệu USD). Việt Nam mua loại xe tăng này của Nga theo hình thức cho vay.

Đối với Quân đội Việt Nam, đây là hợp đồng mua sắm xe tăng lớn đầu tiên sau nhiều năm. Trong 10 năm qua, Việt Nam chủ yếu đầu tư kinh phí quốc phòng cho mua sắm vũ khí hải, không quân.

Ông Mikhail Petukhov còn xác nhận, Hà Nội đang tiến hành đàm phán với Nga, hy vọng mua hệ thống tên lửa phòng không của Nga. Ông nói: “Phía Việt Nam đã triển khai đàm phán với chúng tôi, hy vọng chúng tôi bảo trì, nâng cấp hệ thống tên lửa phòng không của họ và tiến hành cải tạo hiện đại hóa”.

Xe tăng chiến đấu T-90SM Ấn Độ mua của Nga. Ảnh: Guancha.
Xe tăng chiến đấu T-90SM Ấn Độ mua của Nga. Ảnh: Guancha.

Lý do Việt Nam mua xe tăng mới

Việc Việt Nam mua xe tăng T-90S/SK của Nga đã lập tức gây chú ý cho báo chí Trung Quốc. Theo tờ Người quan sát Trung Quốc ngày 8/11, lực lượng xe tăng Việt Nam có quy mô “khổng lồ”, sở hữu khoảng 2.000 xe tăng T-54/55 và khoảng 200 xe tăng T-62.

Ngoài ra, Việt Nam còn sở hữu không ít xe tăng lội nước Type 63, rất nhiều xe chở quân bọc thép Type 63 và M113, xe chở quân bọc thép bánh xích và bánh lốp như BTR-152, BTR-60. Đây là lực lượng bọc thép, cơ giới hóa có quy mô hàng đầu khu vực Đông Nam Á.

Tuy nhiên, những trang bị này phần lớn đã cũ kỹ, không thích hợp với môi trường tác chiến hiện đại. Nhưng do còn khó khăn về kinh tế, hiện nay Việt Nam không thể lập tức tiến hành đổi mới toàn bộ lực lượng xe tăng.

Những năm gần đây, Việt Nam luôn tham khảo Trung Quốc, tiến hành cải tạo hiện đại hóa đối với xe tăng T-55, nhập khẩu công nghệ của Israel đã chế tạo ra xe tăng phiên bản cải tiến của T-55 lắp pháo nòng rãnh xoắn 105 mm, hệ thống điều khiển hỏa lực hiện đại và bọc thép tăng cường. Tuy nhiên, do công nghệ hạn chế, việc cải tiến tính năng của loại xe này tương đối có hạn.

Tờ báo Trung Quốc cho rằng, các nước khác như Thái Lan đã mua xe tăng T-84 Oplot và VT-4; Singapore đã mua xe tăng Leopard-2; Malaysia đã mua xe tăng PT-91 của Ba Lan… Mặc dù số lượng xe tăng của những nước này chỉ từ vài chục đến 100 - 200 chiếc, nhưng chúng lại có ưu thế về khoảng cách thế hệ so với xe tăng T-55, T-62 của Việt Nam.

Trong tình hình này, Việt Nam tích cực tìm kiếm xe tăng mới. Nhưng trên thị trường quốc tế hiện nay, giá cả xe tăng phiên bản xuất khẩu hoàn toàn mới rất đắt đỏ. Lần này, Việt Nam quyết định mua 64 xe tăng T-90S hầu như là do đã bị “kích thích” bởi việc Thái Lan mua sắm xe tăng chiến đấu VT-4 của Trung Quốc, tờ báo Trung Quốc chủ quan nhận xét.

Xe tăng chiến đấu VT-4 do Trung Quốc sản xuất. Ảnh: Sina.
Xe tăng chiến đấu VT-4 do Trung Quốc sản xuất. Ảnh: Sina.

Báo Trung Quốc còn "bàn hươu tán vượn" rằng Việt Nam có thể lo ngại động thái Chiến khu Nam, quân đội Trung Quốc đã bắt đầu triển khai xe tăng hạng nhẹ mới 35 tấn tại khu vực rừng núi trong phạm vi tác chiến của đơn vị này. Trước đây, khi ở Chiến khu Nam quân đội Trung Quốc còn trang bị xe tăng Type 62 cũ thì Việt Nam còn chưa có lý do để đổi mới, thay thế xe tăng cũ.

Còn tờ Người quan sát Trung Quốc thì "dìm hàng" rằng tính năng cơ bản của xe tăng T-90S chỉ tương đương với xe tăng T-80U của cuối thập niên 1980. Đạn xuyên giáp 125 mm của Trung Quốc có thể chọc thủng lớp giáp của xe tăng T-90S ở khoảng cách 3.000 m trở lên.

Nói cách khác, báo Trung Quốc tự tin phán rằng mặc dù xe tăng T-90S và VT-4 đều thuộc xe tăng thế hệ thứ ba, nhưng tính năng bọc thép và hỏa lực của VT-4 đã hơn T-90S một bậc, “khoảng cách thế hệ” vẫn tồn tại. Trên thực tế, Việt Nam mua T-90S để thu hẹp khoảng cách về công nghệ xe tăng với các nước láng giềng.

Báo Trung Quốc còn đổ thừa rằng sức ép lớn nhất trong việc thúc đẩy hiện đại hóa quân đội của Việt Nam chính là các nước láng giềng Đông Nam Á, nhất là Thái Lan. Do đó, Việt Nam chắc chắn sẽ tiếp tục tăng cường số lượng vũ khí trang bị hiện đại, nâng cao tính năng kỹ thuật.

Trong khi đó, trang tin Sina Trung Quốc ngày 13/7 cũng tự tin cho rằng bản thân Trung Quốc có lực lượng xe tăng với số lượng, chất lượng hoàn toàn chiếm ưu thế, hơn nữa còn có lực lượng máy bay trực thăng vũ trang hoàn chỉnh. Trong khi đó, xe tăng T-90S là xe tăng hạng nặng, khu vực rừng núi phía bắc Việt Nam không thích hợp cho việc sử dụng xe tăng hạng nặng, mà thích hợp với sử dụng xe tăng hạng nhẹ. Vì vậy, T-90S sẽ không sử dụng cho phương hướng phía bắc.

Xe tăng hạng nhẹ Type 62 của lục quân Việt Nam. Ảnh: Sina.
Xe tăng hạng nhẹ Type 62 của lục quân Việt Nam. Ảnh: Sina.

Phương án hiện đại hóa lục quân Việt Nam

Đánh giá về việc Việt Nam mua sắm xe tăng T-90S/SK, báo chí Mỹ tháng 7/2017 cho rằng đây là một việc làm có lợi cho nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu của lục quân Việt Nam.

Loại xe tăng này có nhiều tính năng tiên tiến và khẳng định được độ tin cậy từ chiến tranh ở Syria. Do đó, hợp đồng mua xe tăng T-90 của Việt Nam có thể coi là một bước đi đầu tiên trên con đường hiện đại hóa lâu dài và vững chắc, hành trình này sẽ không chỉ có ý nghĩa sâu xa đối với lực lượng xe tăng mà đối với cả lực lượng mặt đất của quân đội Việt Nam.

Trong khi đó, theo đánh giá của trang tin Sohu Trung Quốc ngày 3/8, con đường hiện đại hóa của lục quân Việt Nam có 3 phương án sau đây:

Phương án 1: Mua sắm lượng lớn xe tăng chiến đấu tính năng cao và đào thải những xe tăng cũ như T-54/T-55. Nếu thực hiện phương án này, Việt Nam cần bỏ ra rất nhiều tiền. Nhìn vào tình hình kinh phí quốc phòng của Việt Nam thì phương án này không khả thi.

Phương án 2: Mua sắm lượng nhỏ xe tăng chiến đấu tính năng cao và triển khai chúng ở những vị trí chiến lược có giá trị nhất, sau đó hàng năm từng bước thay thế các loại xe tăng cũ. Ưu điểm của phương án này là sức ép chi tiêu quân sự sẽ giảm đi nhiều, hạn chế là thời gian thay thế hoàn toàn xe tăng cũ sẽ rất dài.

Phương án 3: Không mua xe tăng chiến đấu tính năng cao hiện nay, mà chỉ tiếp tục tiến hành nâng cấp, bảo trì đối với xe tăng cũ. Phương án này tuy có sức ép tài chính nhỏ nhất, nhưng gây bất lợi nhất cho phát triển của lục quân Việt Nam. Nếu lựa chọn phương án này thì khoảng cách về sức mạnh của lục quân Việt Nam với các nước xung quanh sẽ ngày càng lớn.

Nhìn vào thực tế, quân đội Việt Nam đã lựa chọn phương án 2. Đây có thể được coi là một sự lựa chọn sáng suốt, phù hợp nhất với tình hình đất nước hiện nay của Việt Nam. Mặc dù 64 xe tăng T-90 mua từ Nga lần này có thể trang bị cho một trung đoàn xe tăng, nhưng Việt Nam có tới vài chục lữ đoàn xe tăng, vì vậy con đường hiện đại hóa của lục quân Việt Nam sẽ còn rất dài.

Bộ trưởng Quốc phòng Đại tướng Ngô Xuân Lịch thăm Ấn Độ từ ngày 4 - 7/12/2016.
Bộ trưởng Quốc phòng Đại tướng Ngô Xuân Lịch thăm Ấn Độ từ ngày 4 - 7/12/2016.

Mua xe tăng mới, Việt Nam sẽ được Ấn Độ giúp đỡ

Tờ Bành Bái Trung Quốc ngày 9/11 cho biết Bộ Quốc phòng Ấn Độ đang có kế hoạch mua sắm nhiều trang bị mới cho lục quân Ấn Độ, nhất là thay thế xe tăng chiến đấu T-72 hiện có.

Trong khi đó, xe tăng T-90S mà Việt Nam đặt mua của Nga thực ra là loại xe tăng được cải tiến từ xe tăng T-72. Ngoài ra, Ấn Độ đã là nước sản xuất xe tăng chiến đấu T-90S ngay từ năm 2006. Do đó, đến nay, Ấn Độ đã có kinh nghiệm phong phú trong việc sản xuất, trang bị, sử dụng và bảo trì xe tăng T-90S, đặc biệt là trong điều kiện khí hậu nhiệt đới.

Điều này có nghĩa là, trên nền tảng quan hệ quốc phòng ngày càng chặt chẽ giữa hai nước, Việt Nam và Ấn Độ đã có thêm một lĩnh vực mới để tăng cường hợp tác.

Năm 2014, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cam kết hỗ trợ Việt Nam tiến hành hiện đại hóa quân sự và đã ký kết “Tuyên bố tầm nhìn chung hợp tác quốc phòng Việt - Ấn giai đoạn 2015 - 2020”, mở rộng hợp tác an ninh trên biển và hoạt động huấn luyện quân sự giữa hai nước.

Năm 2013, Ấn Độ cung cấp khoản vay 100 triệu USD cho Việt Nam dùng để mua sắm một số tàu tuần tra cao tốc do Ấn Độ chế tạo. Năm 2016, chính quyền thủ tướng Narendra Modi tiếp tục cung cấp khoản tín dụng 500 triệu USD cho Việt Nam mua vũ khí trang bị do Ấn Độ chế tạo.

Hiện nay, ngoài việc Việt Nam và Ấn Độ đàm phán mua bán tên lửa phòng không Akash và tên lửa hành trình siêu âm BrahMos, một vấn đề hợp tác rất quan trọng khác là Ấn Độ hỗ trợ Việt Nam trên các phương diện như linh kiện vũ khí trang bị, cải tiến kỹ thuật; đồng thời đào tạo binh sĩ tàu ngầm và phi công máy bay chiến đấu cho Việt Nam.

Dựa trên xu thế phát triển hợp tác quân sự hiện nay của hai nước, sau khi Việt Nam trang bị xe tăng chiến đấu T-90S, Việt Nam sẽ không khó để có được rất nhiều linh kiện và kinh nghiệm sửa chữa, bảo dưỡng cũng như sử dụng chiến thuật xe tăng T-90S từ Ấn Độ.