Bão “tín dụng đen” đổ bộ ngân hàng

"Tín dụng đen" thực chất đã từ lâu len lỏi, "bám rễ" trong hoạt động của ngân hàng. Khi ngân hàng đã khó "từ chối" tín dụng đen, không rõ tài sản của người dân có được bảo vệ,trước những cạm bẫy về thủ tục, quy trình vay vốn, dưới sự chi phối của những kẻ cho vay nặng lãi?
Bão “tín dụng đen” đổ bộ ngân hàng

Lần đầu tiên tại Hà Nội đã tổ chức một hội thảo về "tín dụng đen", có tới hàng chục người dân ở thủ đô lại bức xúc, lên tiếng kêu cứu vì bị sập bẫy tín dụng đen.

Họ – đa phần đã phải nhờ người quen môi giới giúp vay vốn, ký khống nhiều giấy tờ, giao sổ đỏ, chi tiền "bôi trơn"… để vay được tiền. Đến khi bị ngân hàng siết nợ tài sản nhà cửa, những con nợ này mới ngã ngửa phát hiện sổ đỏ của mình đã bị "người quen" mang đi cầm cố ngân hàng, hoặc bán tài sản.

Những cái bẫy lừa đảo

Trên thực tế, những phi vụ cho vay tín dụng đen như vậy đã diễn ra rất phổ biến, từ người dân ở thành thị đến khu vực nông thôn, miền quê xa xôi. Điều tưởng như không thể là người dân chấp nhận ký khống giấy tờ, giao sổ đỏ cho các đối tượng môi giới, dẫn tới bị mất nhà, mất tiền, gánh nợ thay…

Chỉ cần vay 200 triệu đồng để sửa nhà, cho thuê, vợ chồng ông Vũ Duy Hà (phường Nghi Tàm, quận Tây Hồ, Hà Nội) hiện đang phải mất ăn mất ngủ vì nguy cơ mất nhà. Trước đó, năm 2012, ông Hà được một người quen tên Sơn giới thiệu gặp bà Nguyễn Thị Hồng Nhung, Giám đốc Công ty TNHH phần mềm CFA. Do tin tưởng người quen, ông Hà đã ký hàng loạt giấy tờ, giao sổ đỏ cho bà Nhung để "làm tin" vay tiền.

Chưa đầy một năm, vợ chồng ông Hà bất ngờ phát hiện sổ đỏ nhà mình đã bị sang tên cho bà Nhung và đem thế chấp cho Ngân hàng VIB để vay 4,8 tỷ đồng. Và hiện, ông Hà vẫn chưa thể lấy lại nhà vì tranh chấp sổ đỏ và nghĩa vụ với khoản nợ này.

Tương tự, bà Nguyễn Thị Lệ (phường Ngọc Thụy, Gia Lâm) cũng được người quen giới thiệu, đưa sổ đỏ để vay được 80 triệu đồng của bà Nguyễn Thị Hải Yến, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Cát Nam Phong (Hà Nội). Sau đó, bà Lệ phát hiện căn nhà của mình đã bị thế chấp ngân hàng cho khoản nợ tới 2 tỷ đồng của bà Yến.

Còn nhớ, năm 2012, tòa án nhân dân huyện Thủy Nguyên (Tp. Hải Phòng) đã tiến hành xét xử cùng lúc tới 5 vụ án Ngân hàng Navibank khởi kiện đòi nợ Công ty Hải Lâm và Công ty Hoàng Sơn Lâm do bà Mạc Thị Vân làm chủ. Khoản nợ của hai công ty này được bảo đảm bằng sổ đỏ mà bà Vân cầm cố của 5 hộ dân.

Trước đó, các hộ dân này đã được "cò" giới thiệu vay tiền của bà Vân bằng cách cầm cố sổ đỏ, ký khống giấy tờ… Điều ngạc nhiên là các tài sản nhà đất cấp 4 của người dân còn được "thổi" thành biệt thự vườn hay nhà 3 tầng với giá trị định giá cao hơn giá trị thực tế.

Đến tận khi ngân hàng thông báo siết nợ nhà để xử lý nợ xấu của hai công ty này, các hộ dân mới hoảng sợ vì sắp bị mất nhà, mà cũng không thể trả hết số nợ còn thiếu của con nợ thực sự (công ty Hải Lâm và Hoàng Sơn Lâm). Còn Navibank cũng "mắc cạn" vì không thể xử lý tài sản bảo đảm, không thu hồi đủ nợ vay…

Vay tiền ngân hàng có dễ?

Theo số liệu của Tổng cục cảnh sát Phòng chống tội phạm (Bộ Công an), trong vòng 5 năm qua, cả nước đã xảy ra 6.000 vụ việc liên quan đến tín dụng đen, và có khoảng 4 vụ vỡ nợ tín dụng đen mỗi ngày. Trong đó, có 41 vụ giết người, 588 vụ cướp tài sản, hơn 300 vụ cố ý gây thương tích, hơn 1.000 vụ cưỡng đoạt tài sản…

Với những trường hợp vay nợ tín dụng đen bị vỡ lỡ, có một công thức chung là: người dân dễ dàng tin vào lời dụ dỗ cho vay vốn dễ dàng, lãi suất rẻ như lãi vay ngân hàng, sau đó người dân phải giao sổ đỏ, ký vào hàng loạt giấy tờ khống mà không rõ nội dung.

Theo một số luật sư từng bào chữa cho các hộ dân từng bị ngân hàng siết nợ tài sản do nhận bảo lãnh nợ vay cho doanh nghiệp, cá nhân khác, các giao dịch ký giấy tờ được thực hiện ở ngoài ngân hàng. Trong đó, "cò" thường đi cùng một cán bộ ngân hàng để tạo sự tin cậy và tiến hành các khâu tiếp nhận hồ sơ, thẩm định, đánh giá tài sản… Các hợp đồng tín dụng, thế chấp tài sản, khế ước nhận nợ cũng được đưa cho người dân ký và cán bộ ngân hàng giữ toàn bộ hồ sơ.

Thực tế, có một người dân ở Hoài Đức (Hà Tây) đã từng bức xúc vì giấy tờ (photo) đang giữ chỉ ghi nhận khoản vay 200 triệu đồng, nhưng đối chứng với hồ sơ lưu kho tại ngân hàng lại là… 800 triệu đồng. Vì sao lại có sự sai lệch số nợ đáng kinh ngạc trong hồ sơ vay vốn của người dân này thì đến giờ, vẫn chưa được làm rõ. (?)

Trong các trường hợp người dân tố bị lừa vay vốn ngân hàng, gánh nợ "khủng" nói trên, câu hỏi đặt ra là: vì sao trong suốt quá trình thẩm định, đánh giá cho vay vốn, người dân không hề hay biết là sổ đỏ nhà đã được sang tên, thế chấp cho ngân hàng?

Còn ngân hàng nhận tài sản bảo lãnh của bên thứ ba, họ đã thông báo cho chủ tài sản đầy đủ về quyền và nghĩa vụ với khoản nợ vay của doanh nghiệp hay chưa? Hay những sổ đỏ được lén lút sang tên cũng như các biên bản thẩm định, đánh giá tài sản có thực sự là đúng pháp luật?

Khi những rủi ro của khoản nợ xấu được đẩy sang cho bên nhận bảo lãnh (chủ tài sản thế chấp), thì ngân hàng sẽ xử lý thế nào với nạn nhân - người dân của tín dụng đen ở góc độ pháp lý và đạo đức kinh doanh?

Theo TBKD