Bảo tàng 11.300 tỷ đồng: Không triển khai lúc này, sớm nhất năm 2021 mới khởi công

VietTimes -- Đó là thông tin được Bộ Xây dựng cung cấp cho báo chí, liên quan đến việc triển khai dự án đầu tư xây dựng Bảo tàng Lịch sử Quốc gia.
Phối cảnh dự án Bảo tàng Lịch sử quốc gia
Phối cảnh dự án Bảo tàng Lịch sử quốc gia

Ngày 11/9, Bộ Xây dựng đã có thông tin chính thức gửi báo chí liên quan đến việc triển khai dự án đầu tư xây dựng Bảo tàng Lịch sử Quốc gia.

Theo Bộ xây dựng, Đề án xây dựng Bảo tàng Lịch sử Quốc gia được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 281/2006-TTg ngày 19/12/2006.

Tại cuộc họp thường kỳ Chính phủ ngày 13/8/2015, Thủ tướng Chính phủ đã kết luận: “Trong điều kiện hiện nay ngân sách nhà nước còn khó khăn, đồng thời công tác chuẩn bị đầu tư xây dựng Bảo tàng Quốc gia cần được nghiên cứu, thực hiện hết sức kỹ lưỡng, vì vậy trong giai đoạn từ 2015-2020 yêu cầu Bộ Xây dựng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo Ban Quản lý dự án và các cơ quan chức năng tập trung nghiên cứu kỹ, hoàn thành tốt công tác chuẩn bị đầu tư và các thủ tục đầu tư theo quy định”

 Đồng thời chỉ đạo: “Bộ Kế hoạch và Đầu tư bổ sung kinh phí đầu tư năm 2015 cho dự án. Giao Bộ Xây dựng chuẩn bị kế hoạch vốn cho giai đoạn 2016-2020, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa vào danh mục kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, phấn đấu khởi công dự án vào 2021, hoàn thành đưa vào sử dụng năm 2024.” (Thông báo số 310/TB-VPCP ngày 10/9/2015 của Văn phòng Chính phủ).

Tuy nhiên, trong các năm 2015, 2016, 2017 và kế hoạch trung hạn 2017-2020 dự án  không được bố trí nguồn vốn để triển khai các công việc theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trong đó có công tác chuẩn bị xây dựng nội dung và hình thức trưng bày, triển khai thiết kế kỹ thuật, vì vậy các Ban Quản lý dự án không có nguồn kinh phí để duy trì hoạt động cũng như chi trả tiền lương, Bảo hiểm xã hội cho cán bộ viên chức.

Theo Bộ Xây dựng, để tháo gỡ khó khăn cho quá trình triển khai dự án, nhất là hoạt động của các Ban Quản lý dự án, giải quyết chế độ, đời sống của cán bộ viên chức đang làm việc tại đây, ngày 17/7/2017 Bộ Xây dựng đã có công văn số 1616/BXD-KHTC báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình triển khai Dự án đầu tư xây dựng Bảo tàng Lịch sử Quốc gia và kiến nghị Thủ tướng Chính phủ 2 nội dung.

Thứ nhất, kiện toàn và tổ chức họp Ban Chỉ đạo nhà nước xây dựng Bảo tàng Lịch sử Quốc gia để nghe Bộ Xây dựng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch báo cáo tình hình thực hiện cụ thể của Dự án và chỉ đạo định hướng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và chỉ đạo các Bộ ngành có liên quan tiếp tục thực hiện kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp Thường trực Chính phủ ngày 13/8/2015 về Dự án đầu tư xây dựng công trình Bảo tàng Lịch sử Quốc gia.

Thứ hai, Bộ Xây dựng khẳng định, việc Bộ này có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ là cần thiết nhằm xin ý kiến chỉ đạo của Ban Chỉ đạo nhà nước xây dựng Bảo tàng Lịch sử Quốc gia về hoạt động cho các Ban Quản lý dự án trong thời gian tới và có phương án bố trí ngân sách để các Ban duy trì hoạt động. 

Ông Nguyễn Quang Nam – Giám đốc Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng Bảo tàng Lịch sử Quốc gia cho biết, trong tình hình kinh tế, bố trí ngân sách khó khăn, quan điểm của Bộ Xây dựng là không thúc đẩy triển khai dự án vào lúc này.

“Thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, phấn đấu có thể khởi công sớm nhất vào năm 2021, khi điều kiện kinh tế-xã hội chung của đất nước cho phép, trước mắt cần tập trung thực hiện tốt công tác chuẩn bị, nhất là phần xây dựng nội dung, phương án phân loại và thu thập hiện vật, phương án trưng bày,,,” – ông Nam nhấn mạnh.

Bảo tàng Lịch sử quốc gia có tổng mức đầu tư gần 11.300 tỷ đồng, chưa bao gồm chi phí dự án thành phần đầu tư xây dựng nội dung và hình thức trưng bày.

Dự án được xây dựng tại ô đất số 7 khu đô thị mới tây Hồ Tây, Hà Nội với tổng diện tích sử dụng gần 10ha, gồm bốn hạng mục xây dựng: tòa nhà chính, khu tưởng niệm danh nhân, khu trưng bày ngoài trời, hạng mục kỹ thuật phụ trợ - cây xanh - cảnh quan.

Riêng tòa nhà chính được xây dựng trên khu đất hơn 20.000m2, một tầng hầm và 6 tầng nổi, bao gồm kho lưu giữ hiện vật qua các thời kỳ; trung tâm bảo quản và phục chế; hội trường, các phòng hội thảo, chiếu phim phục vụ công tác nghiên cứu, học tập…